Hai ông già và những đứa trẻ tật nguyền

Thứ Sáu, 26/08/2005, 10:16

Hàng năm tỉ lệ trẻ bị dị tật bẩm sinh được ông Thành chữa khỏi (phục hồi chức năng) bằng châm cứu đạt từ 20 đến 24%.

Cả cuộc đời làm thầy giáo và bộ đội đi khắp nơi, gặp nhiều cơ hội nhưng về tuổi già, ông Bùi Văn Thành, 72 tuổi, trở về sống tại ngôi làng Vĩnh Chân nằm heo hút bên sông Thao, kề đường sắt Hà Nội - Lào Cai, thuộc huyện miền núi Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Tình cờ gặp lại và được Anh hùng Lao động, Thầy thuốc nhân dân - Giáo sư Nguyễn Tài Thu, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam đang chủ trương xã hội hóa mô hình cứu trợ trẻ em tàn tật, đặc biệt ở vùng nông thôn khuyên nhủ hãy giúp đỡ trẻ em tại địa phương, ông đã biến ngôi nhà mình thành nhà của trẻ tật nguyền.

Cứ vài ngày lại có một người đưa con em đến gặp ông Thành. Các cháu đều được chữa bệnh, ăn ở, học tập miễn phí (Riêng người lớn, ông xin chút công nho nhỏ). Bước đầu, ông phải chữa bệnh cho các cháu bằng thủy châm hoặc điện châm. “Chữa khỏi tật cho một trẻ tật nguyền rất gian khổ, tốn kém; đặc biệt mất rất nhiều thời gian”. “Có nhiều cháu bị liệt chữa kiên trì 2 năm sau mới tự đứng lên, dập dò đi lại. Có nhiều cháu bị câm 2-3 năm đã cất được tiếng gọi ông, bà, cha, mẹ...”

Và một điều quan trọng nữa là, sau khi chữa giảm bệnh tật cho các cháu, ông khuyên từng cháu phải siêng năng tập luyện, vận động để có khả năng trở lại gần như bình thường. Hàng năm tỉ lệ trẻ bị dị tật bẩm sinh được ông chữa khỏi (phục hồi chức năng) bằng châm cứu đạt từ 20 đến 24%.

Những đứa trẻ bị nhiễm chất độc da cam ở huyện Hạ Hoà trong ngày khai giảng lớp học may miễn phí do ông Thành mở.

Ông Thành dẫn tôi về ngôi nhà nằm sau vườn, nơi chuyên châm cứu, điều trị. Cạnh giường, một cậu con trai tên là Kiên - con chị Đỗ Thị Tuyến, ở xã Yên Tập, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) - đang ngồi trên ghế tập co duỗi chân, sau đó lại chuyển sang ngồi xe lăn để đẩy ra đầu làng... xem tàu hỏa!

“Cả đời cháu chưa được nhìn tàu hỏa lần nào. Cháu bị liệt nửa người, nằm vẹo cả xương sống; tóc rụng hết, da đầu chai sần đã 15 năm nay rồi” - chị Tuyến kể. Nghe ở Vĩnh Chân có ông già mở cửa đón trẻ em tàn tật, chữa bệnh miễn phí; lại cho ăn ở, chị thuê người chở con sang. Sau 30 ngày, ông Thành châm cứu, cho uống thuốc và xoa bóp nhẹ, Kiên đã tự co duỗi được chân, rồi ngồi tựa vào ghế...

Trước đó, ông Thành đã chữa cho cháu Huân, 9 tuổi, con ông Nguyễn Văn Quý, chân quắp lại như chân gà luộc, không đi lại nổi nay duỗi được ngón. Hiện tại cháu đã đặt chân xuống đất, vịn xe tập đi rồi tự đi lại trong nhà.

Thương nhất là hai cháu Nguyễn Văn Đạo và Trần Kim Sơn, cùng xã Yên Tập, huyện Cẩm Khê. Đạo nằm sấp trên giường gần 20 năm, vẹt bên đầu, chân tay co quắp. Nhờ châm cứu và xoa bóp, nắn vuốt, Đạo cử động được chân tay, tự xoay mình, nằm ngửa hàng tiếng đồng hồ và cho được cái kẹo vào miệng... Cháu Sơn 10 tuổi thì câm, điếc. Sau 40 ngày châm cứu, 9 giờ sáng, ông Thành gài xong kim châm chuyển sang vặn... điện, hỏi có điện chưa tới lần thứ hai, cậu bất ngờ... nói được tiếng “có rồi”!

Có ba cháu sau khi được ông chữa tật, đã được gửi vào Trung tâm nhân đạo Quê Hương của chị Huỳnh Tiểu Hương (Tp. HCM) để học nâng cao, sau đó trở về cùng ông giúp đỡ các trẻ bất hạnh.

"Hiện nay, chúng tôi đón nhận nhiều cháu bị nhiễm chất độc da cam” - ông nói. Ông Hòa lại chở tôi sang lớp học của trẻ nhiễm chất độc da cam. Trong căn phòng nhỏ, khoảng 30 trẻ từ 6 - 10 tuổi đang ngồi học. Cô giáo Cù Thị Thanh Bình, một hội viên của ông Thành, phụ trách giáo dục, thổ lộ: “Thương các em lắm! Chẳng phải em nào học cũng được chữ, nhưng vì tình thương cộng đồng, muốn chia sẻ gánh nặng cho phụ huynh nên chúng tôi cố gắng cứu lấy các em”.

Cơ sở từ thiện của ông Thành được gọi là Nhà cứu trợ trẻ em tàn tật Vĩnh Chân, trở thành chi hội của Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam.

Lớp học may của trẻ da cam

Gần 40 chiếc máy khâu đặt trong xưởng dạy cắt may ở cuối khu vườn rộng của ông Thành do linh mục Thomas O'Brien, người Mỹ thuộc Tổ chức Mary Knoll tặng từ năm 2002. Gần đây, sau khi bế giảng hai lớp cắt may cho 35 trẻ tật nguyền trong tỉnh, ông Thành đã khai giảng tiếp một lớp mới, lớp này chỉ dành riêng cho trẻ bị nhiễm chất độc da cam.

Giáo viên trực tiếp dạy họ cắt may là ông Vũ Đình Hòa, một người đã hơn 40 năm làm thợ may... Thấy ông Thành nhiệt tình cứu trợ trẻ em tàn tật, ông Hòa cùng góp sức, coi như việc nhân đức lúc về già.

Ông Hòa cho biết ông Thành và ông mở lớp dạy cắt may cho trẻ tàn tật và các em bị nhiễm chất độc da cam từ năm 2000. Đến năm 2002, nhờ ông Thomas O'Brien tài trợ, lượng máy may mới đủ đáp ứng nhu cầu học của trẻ.

Công ty Nguyên liệu gốm sứ Đông Dương hiểu được ý nguyện của hai ông đã đầu tư một nhà xưởng và đỡ đầu bằng việc thuê in nhãn hiệu bao bì. Có năm họ in được trên 100.000 bao. Từ năm 2002, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hạ Hòa cũng giúp đỡ để có nhiều em được học may hơn

Hoàng Điệp
.
.
.