Hai mẹ con cô giáo 56 năm gắn bó với lớp học tình thương

Chủ Nhật, 03/09/2006, 08:50
56 năm qua, trong một căn nhà nhỏ ở khóm Minh Thuận, thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh, hai mẹ con cô giáo Lê Linh Thìn thầm lặng với lớp học tình thương cho trẻ em nghèo trong xóm.

Đã 31 năm qua, tại nhà cô giáo Lê Linh Thìn, ở khóm Minh Thuận, thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh có 520 tấm ảnh khác nhau về Bác Hồ. Theo cô, những bức ảnh là "báu vật" tinh thần, giúp cô vươn lên trong cuộc sống. Và cũng từ căn nhà của cô Sáu Thìn, 56 năm qua tồn tại một lớp học tình thương do cô và mẹ cô đứng lớp.

Bộ sưu tập 520 kiểu ảnh khác nhau về Bác Hồ

Trong chuyến công tác về tỉnh Trà Vinh để ghi nhận mặt trận Mùa hè Xanh 2006 ở địa phương này, chúng tôi ghé thăm các chiến sĩ sống cùng bà con, được các sinh viên giới thiệu: "Nhà của tụi em đang ở đây là của cô Sáu Thìn. Thấy tụi em về cô Sáu vui lắm. Ở đây mấy ngày tụi em phát hiện ra nhà cô có lớp học tình thương, tồn tại rất lâu. Cô Sáu còn tập hợp rất nhiều ảnh khác nhau về Bác Hồ từ sách báo, đóng thành các tập Album. Mấy anh gặp cô Sáu sẽ biết".

Cô Sáu Thìn tóc đã chấm muối tiêu, dáng hơi gầy, khuôn mặt phúc hậu. Cô sống trong căn nhà cũ, tường vôi, xây dựng theo kiến trúc của những năm 1950 nhưng rất sạch sẽ, ngăn nắp và mát mẻ.

Cô kể: "Sau ngày giải phóng, tui rất thích nghe những bài hát về Hồ Chí Minh. Dù chưa từng được gặp Bác nhưng nghĩ về Bác - một con người vĩ đại, cả cuộc đời vì đất nước vì dân tộc mà hy sinh cả chuyện riêng tư của mình, tôi vô cùng cảm động. Lúc đó khoảng năm 1975, sau khi đọc được bài báo hay cuốn sách có in ảnh Bác Hồ là tui xếp lại, cất giữ cẩn thận, khi nhớ lại đem ra xem. Từ đó đến nay, hễ đọc báo, sách thấy ảnh Bác là tui lưu lại. Gần đây, hình ảnh nhiều quá, muốn xem tất cả các kiểu ảnh nên mua mấy cuốn Album bỏ vào để tiện ngắm nhìn ảnh Bác".

Từ trong ngăn tủ, cô Sáu lấy ra một cái bọc được gói cẩn thận. Bên trong bọc là lá cờ đỏ Sao vàng, xếp chung cùng những cuốn album ảnh Bác Hồ. Có tất cả 520 kiểu ảnh về Bác nhưng chỉ có một vài kiểu là giống nhau, số còn lại là những hình ảnh rất quý hiếm, được cô Sáu lưu giữ cẩn thận.

Cô Sáu Thìn tâm sự: "Nhiều năm nay cô ao ước có một ngày về Hà Nội vào Lăng viếng Bác nhưng rồi thời gian, công việc bận rộn nên chưa đi được. Giờ đã nghỉ hưu muốn đi một chuyến cho thỏa ước mong nhưng vì không nỡ để mẹ già 94 tuổi ở nhà một mình".

Lớp học tình thương tồn tại từ năm 1950

Gia đình cô Sáu Thìn là gia đình có truyền thống cách mạng, cha cô là ông Lê Văn Tân, tham gia cách mạng từ những năm 1945 (nay đã mất). Gia đình có 6 chị em nhưng chỉ còn 3 người (cả 3 đều là đảng viên). Người chị lớn là Lê Ngọc Hạnh (bác sĩ) vợ Thiếu tướng Quân đội Đoàn Văn Khoan và người em là Lê Mạnh Trinh, giáo viên nay đã nghỉ hưu. Riêng cô Sáu Thìn năm nay 65 tuổi nhưng vẫn sống độc thân.

Khi cha cô Sáu Thìn tham gia cách mạng, gia đình cô là nơi nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng. Hàng ngày mẹ cô - bà Nguyễn Thị Nương (hiện nay 94 tuổi), lo công việc gia đình và tiếp tế cho cách mạng. Khoảng năm 1950, khi ấy nhiều gia đình đồng đội của cha cô gặp rất nhiều khó khăn, bà Nguyễn Thị Nương tự đứng ra mở lớp dạy chữ cho con em cán bộ. Từ đó lớp học tình thương hình thành tại nhà cô Sáu.

Khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, cô Sáu Thìn được mời làm Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Mỹ Hòa B, sau đó chuyển về làm Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc bà mẹ, trẻ em huyện Cầu Ngang, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện. Khi về nghỉ hưu năm 1991, cô giáo Lê Linh Thìn thay mẹ tiếp tục duy trì lớp học tình thương tại gia.

Cô Sáu Thìn cho biết: "Nói lớp học tình thương thì chỉ gần đúng thôi. Bởi địa phương chấp nhận đây là trường dân lập. Hàng năm chỉ dạy cho những con em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, (không có điều kiện học mẫu giáo) sau đó, cô làm hồ sơ chuyển qua trường tiểu học để tiếp tục học tiếp. Bình quân mỗi năm cô dạy khoảng 1 đến 2 lớp, khoảng 22 em/lớp. Học phí các em cũng phải đóng nhưng chỉ lấy lệ, vì tiền đó để giúp cho những em khác có hoàn cảnh khó khăn để cùng được đến trường".

Ngoài việc dạy học, cô Sáu Thìn hiện còn là Hội thẩm của TAND huyện Cầu Ngang, Ủy viên Hội Khuyến học huyện. Trong nhiều năm qua, cô được Trung ương Hội Khuyến học, TAND tỉnh Trà Vinh, UBND tỉnh tặng 13 giấy khen, bằng khen vì có những thành tích đóng góp trong công tác khuyến học địa phương và công tác tòa án.

Dù cuộc sống hàng ngày của cô Sáu Thìn chỉ dựa vào đồng lương hưu và tiền chính sách đối với người có công với cách mạng nhưng cô đứng ra bảo dưỡng, trợ cấp, cấp rất nhiều học bổng cho các em học sinh nghèo được đến trường. Trong số đó, nhiều em học giỏi thi đỗ đại học

Nam Giao
.
.
.