Hai chàng lính trẻ với phần mềm đọc tin nhắn dành cho người khiếm thị

Thứ Năm, 19/04/2007, 14:49
Để có được phần mềm đọc tin nhắn trên ĐTDĐ cho người khiếm thị, trong một năm, tối nào, Thành và Thiện, 2 SV Học viện KTQS, cũng đọc tài liệu nghiên cứu, rồi thử nghiệm trên máy đến khuya. Có hôm mải miết lập trình, ngẩng lên, kim đồng hồ đã chỉ 4-5h sáng hôm sau.

Phần mềm đọc tin nhắn trên ĐTDĐ chỉ nhẹ 2M do Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Đức Thiện, sinh viên năm cuối Khoa Công nghệ thông tin, Học viện Kỹ thuật Quân sự và Bùi Quang Trung, cán bộ của Viện Công nghệ thông tin, nghiên cứu thành công đã lọt vào vòng chung khảo cuộc thi công nghệ thông tin vì người khuyết tật "ICT-Thắp sáng niềm tin" và trở thành phần mềm đọc tin nhắn bằng tiếng Việt đầu tiên ở Việt Nam.

Sau khi được nhóm tác giả đưa lên mạng vnmobilespeech.com, ngay lập tức phần mềm này đã gây sự chú ý của nhiều người sử dụng ĐTDĐ, đặc biệt là người khiếm thị.

Biết tin về sản phẩm đặc biệt này, chúng tôi đã tìm gặp Thành và Thiện tại Học viện Kỹ thuật Quân sự khi hai chàng trai này vừa rời khỏi Phòng Máy tính của Khoa Công nghệ thông tin.

Tự tin, đầy bản lĩnh của thế hệ 8X, Thành và Thiện khẳng định: "Lập trình phần mềm ai cũng muốn mang lại lợi nhuận cho mình, nhưng với sản phẩm này, chúng em thấy có ích cho người khiếm thị nên sẽ tặng lại họ, miễn phí chứ không bán kiếm tiền".

Ý tưởng hình thành phần mềm đọc tin nhắn trên ĐTDĐ đến bất chợt, xuất phát từ đề tài nghiên cứu khoa học của nhóm liên quan đến tổng hợp tiếng nói trong ĐTDĐ từ tháng 7/2005. Người khiếm thị không nhìn được màn hình, tại sao không áp dụng công nghệ này giúp đọc tin nhắn cho họ?

Qua quá trình nghiên cứu các tài liệu cả bằng tiếng Việt và tiếng Anh, Thành và Thiện biết được trên thế giới đã có nhiều nước nghiên cứu thành công phần mềm này như Philippines, tuy nhiên chỉ đọc được chữ bằng tiếng Anh và giá thành khá đắt.

Rất may, ý tưởng mới mẻ và giàu tính nhân văn của hai chàng lính trẻ được sự ủng hộ nhiệt tình của anh Bùi Quang Trung, cán bộ của Viện Công nghệ thông tin, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Để có được một sản phẩm hoàn hảo, trong một năm, ban ngày học ở giảng đường, tối về, hai chàng trai trẻ lại lăn xả vào đọc tài liệu nghiên cứu, rồi thử nghiệm trên máy đến khuya. Có hôm mải miết lập trình, ngẩng nhìn lên, kim đồng hồ đã chỉ 4-5h sáng hôm sau.

Thành tâm sự: "Khó nhất trong khi lập trình là phần lắp dấu cho câu, sao cho người đọc tin nhắn có thể hiểu đúng nghĩa văn bản, chính vì vậy chúng em đã phải đầu tư rất nhiều công sức. Vì trước đây, chưa có ai tạo phần mềm này nên chúng em có rất ít tài liệu để tham khảo. Nhiều hôm gặp vướng mắc, nếu chưa hỏi được thầy, cô thì chúng em toàn tự mày mò thử nghiệm".

Sau khi thử nghiệm thành công trên điện thoại, đã có khá nhiều người khiếm thị ở Chi hội Người mù Hà Nội gửi email cho nhóm tác giả trẻ này để nhờ hướng dẫn cài đặt trên điện thoại của họ. Chỉ cần một thao tác cài đặt đơn giản như cài đặt một chương trình trên máy tính, ĐTDĐ của người khiếm thị sẽ tự động đọc nội dung tin nhắn bằng tiếng Việt.

Tin nhắn trên điện thoại thường không có dấu, phần mềm này có chức năng tự động thêm dấu, đọc chuẩn xác thông tin qua giọng đọc của một phát thanh viên. Đây cũng là nét ưu việt lớn so với những phần mềm đọc tin nhắn khác của nước ngoài.

Thật bất ngờ khi hai chàng sinh viên năm cuối này lại từng là bạn học cùng Trường chuyên Lương Văn Thụy ở Ninh Bình, Thành học lớp chuyên Tin, Thiện học lớp chuyên Lý rồi lại cùng thi đỗ vào Học viện Kỹ thuật Quân sự. Hiện cả hai lại đứng đầu Khoa Công nghệ thông tin về thành tích học tập.

Phần mềm đọc tin nhắn bằng tiếng Việt của họ mới chỉ dừng lại ở việc ứng dụng trên dòng điện thoại Nokia Series 60 (Nokia 3230, Nokia 6600, N70, N90, N80…).

Thành và Thiện bộc bạch, sau khi hoàn thành đồ án tốt nghiệp, hai em sẽ tiếp tục nghiên cứu mở rộng phạm vi sử dụng của phần mềm này trên nhiều loại điện thoại khác. Hy vọng sẽ giúp nhiều người khiếm thị sử dụng được phần mềm này một cách hữu ích

Tố Quyên - Thanh Huyền
.
.
.