Hai bên bờ kênh Tẻ kêu cứu

Thứ Tư, 24/09/2008, 09:47
Tình trạng ô nhiễm dọc hai bên bờ kênh Tẻ phía quận 4 và quận 7. Người dân vô tư buôn bán xả rác, chất thải xuống lòng kênh gây ra cảnh nhớp nhúa, hôi thối. Trong khi đó, hành lang bảo vệ bờ kè kênh Tẻ thì bị chiếm dụng một cách không thương tiếc. Trong những đoạn bị chiếm dụng, có đoạn còn biến thành điểm sửa chữa tàu, xà lan…

Quận 4: Hàng chục hàng quán kiên cố vẫn hoạt động

Dù đã phản ánh nhiều lần nhưng tình trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ bờ kè kênh Tẻ dưới chân cầu Tân Thuận 1 và 2 (đường Trương Đình Hợi, phường 18, quận 4) vẫn diễn ra rầm rộ. Cả tuyến bờ kè dài hơn 300m trước đây đã ngự trị gần 10 quán cà phê, trà đạo, quán nhậu thì nay lại được dựng thêm nhiều quán cà phê và quán cơm tiếp theo.

Dọc bờ ta-luy của bờ kè được các chủ quán này "vô tư" cho xây bờ rào bằng gạch đè lên. Những quán cà phê nhìn ra hướng bờ sông ngắm cầu Tân Thuận như C.T, Gió và Nước, cà phê Bonsai, vườn kiểng Fuda… với hàng trăm gốc cây cảnh đè lên mặt bằng của bờ kè.

Đã có dấu hiệu hư hỏng bờ kè phía quận 4 do các hàng quán ở đây gây ra.

Theo ghi nhận của chúng tôi, một số điểm của bờ kè đã bị chuồi xuống sông và một số điểm đang có dấu hiệu rạn nứt. Theo một quan chức ở phường 18, quận 4, việc xây dựng các quán giải khát này là để chống tình trạng một số đối tượng ma túy lấy điểm này để tiêm chích, người dân đổ xà bần nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, khi các hàng quán này hoạt động, rác thải, nước sinh hoạt đều bị đổ thẳng xuống bờ ta-luy của bờ kè gây ô nhiễm, hư hỏng bờ kè lại là nguyên nhân chính.

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Phan Hoàng Trí, Phó Giám đốc Khu đường sông cho biết: Việc xây cất quán xá trên hành lang bảo vệ bờ kè này là sai quy định. Ngày 14/1, phía Khu đường sông nhận được Công văn số 022/UBND-VP của UBND phường 18, quận 4 liên quan đến việc sử dụng hành lang bảo vệ bờ kè dưới chân cầu Tân Thuận.

Sau khi phối hợp với Trạm quản lý đường sông số 3 tiến hành kiểm tra. Ngày 28/1, Khu đường sông đã gửi văn bản xuống UBND phường 18. Theo văn bản trên thì việc lấn chiếm hành lang bảo vệ bờ kè để xây dựng hàng quán đã vi phạm vào điều 17 Luật Giao thông đường thủy nội địa. Như vậy các hộ kinh doanh dọc theo bờ kè kênh Tẻ đều kinh doanh nằm trong hành lang bảo vệ kè...

Để bảo vệ ổn định tuyến kè, Khu đường sông đã đề nghị UBND phường 18 triển khai tháo dỡ phần chiếm dụng phục hồi lại hiện trạng ban đầu. Nhưng đã gần 8 tháng trôi qua, phía UBND phường 18 vẫn chưa có động thái tích cực nào về vụ việc trên mà các hộ dân nơi đây vẫn tiếp tục cho xây dựng thêm các điểm kinh doanh mới.

Quận 7: Bờ kè biến thành điểm sửa chữa xà lan

Dọc theo đường Trần Xuân Soạn, quận 7, tình trạng ô nhiễm lấn chiếm hành lang bảo vệ bờ kè cũng trong tình trạng tương tự như phía bên quận 4. Dọc bờ sông này, rác dừa được một số người buôn bán trên sông thải thẳng xuống sông gây ra cảnh ô nhiễm trầm trọng.

Bắt đầu từ hướng cầu Tân Thuận 1, phường Tân Thạnh Tây về cầu Ông, quận 7. Hành lang bảo vệ bụi biến thành một cái chợ chồm hổm gồm các vựa trái cây, quần áo, cây cảnh. Đoạn hành lang bờ kè trước hẻm 253, khu phố 4, 5, 6, phường Tân Kiểng, hàng chục chiếc xà lan trọng tải hơn 100 tấn cặp sát với thành ta-luy của bờ kè để sửa chữa...

Một số người dân ở đây cho biết: Những chiếc xà lan này được cột, thả neo sát vào thành bờ kè, mỗi khi nước lớn, tàu chạy bên ngoài tạo thành sóng là những chiếc xà lan này đập ình ình vào chân bờ kè gây sạt lở.

Chạy dọc bờ kênh này chúng tôi còn phát hiện nơi đây còn bị biến thành một "nghĩa địa" xác tàu khi có những con tàu hỏng bị chủ bỏ đi nằm óc ách dưới nước.

Trước dãy nhà số 837, phường Tân Hưng một chiếc tàu kéo nặng hàng chục tấn chĩa thẳng mũi tàu nhọn hoắc vào bờ kè, kế đó khoảng 20m, hai chiếc xà lan nặng hàng trăm tấn giương mũi đâm thẳng vào bờ kè...  Khu vực đoạn bờ kè này đã một lần bị sạt lở nên UBND phường đã lắp đặt biển cảnh báo và barie để cảnh báo nhưng… vô tác dụng. Chuyện dưới chân bờ kè là như vậy, trên bờ kè những điểm hành lang bờ kè rộng được người dân tận dụng để đậu xe tải loại trên 10 tấn và xe tải nhẹ, xe hơi…

Việc vi phạm hành lang bờ kè dọc hai bên bờ kè kênh Tẻ là quá rõ nhưng theo một cán bộ Khu đường sông, do Khu đường sông không có quyền xử phạt mà chỉ kiến nghị với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử phạt... Việc một tuyến kênh nhưng có rất nhiều bộ phận quản lý đã gây sự chồng chéo khó có thể xử phạt một cách triệt để.

Theo Chỉ thị của số 27/2002/CT-UB của UBND TP về việc tăng cường quản lý Nhà nước đối với sông, kênh rạch trên địa bàn thành phố. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, buộc tháo dỡ ngay, bồi thường thiệt hại và trả lại hiện trạng ban đầu. UBND các quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND TP nếu để xảy ra trường hợp lấn chiếm, san lấp sông, kênh rạch trái phép trên địa bàn quận, huyện quản lý.

Như vậy, UBND các quận huyện có thẩm quyền xử phạt các trường hợp vi phạm lấn chiếm các công trình ven sông nhưng dường như UBND của hai quận 4 và 7 đều biết được tình trạng vi phạm tuyến hành lang bảo vệ hai bên bờ kè kênh Tẻ, nhưng… không hiểu tại sao đến nay vẫn không thấy có động thái nào xử lý (!?)

M.Đức
.
.
.