Hai bà y sĩ thương người nghèo

Thứ Sáu, 26/02/2010, 08:54
Đã 20 năm qua, Phòng khám Nhân đạo (68 Đặng Dung, TP Huế) vẫn âm thầm giúp bệnh nhân nghèo, người tàn tật khám chữa bệnh miễn phí. Số y bác sĩ ngày càng ít đi, đến nay phòng khám chỉ còn 2 cô y sĩ gắn bó với công việc không lương này. Nhưng 2 cô tâm niệm: "Nhiều người nghèo đang cần sẻ chia từng viên thuốc tình thương. Tụi tui còn khỏe tụi tui phải giúp người dân chứ...".

Bỏ qua gánh nặng cơm áo, 2 cô Nguyễn Thị Liễu (65 tuổi) và Trần Thị Lý (60 tuổi) đã không làm việc ở các phòng khám tư nhân mà chọn công việc từ thiện để vui tuổi già.

2 bà già quản một phòng khám

Ban đầu phòng khám Nhân đạo do các Viện trưởng, Viện phó Bệnh viện Quân y 268 lập ra để chăm sóc sức khỏe miễn phí cho người già, người nghèo, người tàn tật và trẻ em bị nhiễm chất độc da cam ở phường Thuận Lộc. Phòng khám nhỏ, thiếu thốn dụng cụ, thuốc men vậy nhưng các y bác sĩ luôn tận tâm chữa trị cho hàng nghìn bệnh nhân. Làm trọn câu "lương y như từ mẫu" nên người dân kéo đến phòng khám ngày một đông.

Nếu trước đây, phòng khám chỉ đón tiếp người dân trong phường Thuận Lộc thì sau một thời gian phòng khám phải mở rộng để đón người dân khắp TP Huế đến khám. Cô Liễu và cô Lý về đây góp sức, chung tay khám chữa bệnh bằng cả tấm lòng "từ mẫu".

Cô Trần Thị Lý tận tình khám bệnh cho người nghèo.

Vốn mang trong mình nhiệt huyết của một chiến sĩ cách mạng, từng cứu chữa cho các thương bệnh binh, ngay sau khi về hưu, y sĩ Nguyễn Thị Liễu đã tình nguyện về... "dưỡng lão" tại phòng khám. Cũng đã 20 năm, cô gắn bó với phòng khám, nhiều bác sĩ già về an dưỡng, nhiều bác sĩ trẻ không chịu được cảnh làm không công kéo dài đã ra đi. Riêng cô chỉ đến khi nào nguồn tài trợ hết, sức chịu đựng không còn, cô mới hết khám bệnh nhân đạo.

Về hưu muộn hơn, cô Trần Thị Lý từ Viện 268 cũng quyết định về phòng khám để trọn vẹn suốt đời vì y đức. Cô sinh ra tại miền quê nghèo tại Quảng Bình, từng tham gia chiến đấu tại nhiều chiến trường khi còn là một thanh nữ. Về già, cô vẫn mang chiếc áo Blu trắng từ Viện Quân y ra phòng khám từ thiện. Cô tâm sự: "Trong chiến đấu, bom đạn trên đầu mình còn giúp được thương binh thì bây giờ sao lại không khám từ thiện cho người dân được".

Vào phòng khám người trước, người sau vậy mà 2 người cứ như 2 chị em ruột thịt. Cũng chẳng có người trưởng người phó, công việc được "hiệp đồng tác chiến" đến suôn sẻ. Nhưng phòng khám ngày càng neo người, có người khuyên nên nghỉ ngơi nhưng 2 cô vẫn cố gắng duy trì phòng khám. "2 chị em tôi làm sao bỏ người nghèo được khi họ đang cần mình...", cô Lý chia sẻ.

Băng đèo lội suối cấp thuốc cho người nghèo

Hiện tại, Phòng khám Nhân đạo chỉ còn 2 cô chữa bệnh, tư vấn sức khỏe cho mọi người. Trong tương lai khi 2 cô già yếu thì Phòng khám khó duy trì. Điều kiện cơ sở vật chất phòng khám đang thiếu thốn và xuống cấp trong khi đó các nguồn tài trợ dần bị cắt giảm. Cô Liễu buồn: "Bỏ Phòng khám đi thì không nỡ nhưng cứ tiếp tục khám chữa bệnh cho người dân trong khó khăn thì lại thấy thương cho họ. Có nghèo họ mới đến đây, đã vậy thuốc men lại không có".

Ngày đầu khi Phòng khám Nhân đạo còn đông đủ, họ thường tổ chức các cuộc cấp phát thuốc tại các vùng sâu, vùng xa như: Nam Đông, A Lưới, Hòa Mỹ... Những viên thuốc vì người nghèo được trao tận tay đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao sức khỏe cho người nghèo. Đến nay, khi 2 cô y sĩ tuổi đã cao, lại thiếu kinh phí, 2 cô vẫn cố gắng băng đèo lội suối lên vùng núi khám bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngoài việc chữa bệnh, 2 cô còn vận động các đơn vị, cơ quan trên địa bàn TP.Huế cùng quyên tiền ủng hộ người khó khăn. Đã nhiều lần, 2 cô bỏ tiền Những thành tích không báo cáo của 2 cô ít ai được biết. Hàng ngày, 2 cô vẫn thầm lặng "vác tù và hàng tổng" vì sức khỏe cộng đồng với ước mong người nghèo có nơi nương tựa khi trái gió trở trời

Triệu Phong
.
.
.