Hải Dương: Thừa rác thải, thiếu phương án xử lý

Thứ Ba, 28/02/2006, 07:33

5 năm trở lại đây, với 950 tỷ đồng đầu tư cho cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất, nông thôn Hải Dương đang từng giờ thay đổi. Đời sống vật chất, tinh thần ở khắp các vùng quê được nâng lên trông thấy. Song vệ sinh môi trường lại đang tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nặng ở nhiều nơi.

Khảo sát của cơ quan môi trường Hải Dương cho thấy, trong số 11 huyện, ở làng quê nào cũng tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường bởi không chỉ rác thải trong các làng nghề mà nếp sinh hoạt theo các tập tục lạc hậu gây mất vệ sinh ngay trong mỗi gia đình. Ngành Y tế kết luận, hầu hết dịch bệnh nặng xảy ra ở vùng nông thôn, nguyên nhân phát sinh từ môi trường không hợp vệ sinh.

Các huyện đô thị hoá nhanh như Nam Sách, Cẩm Giàng, Chí Linh hay một số huyện như Tứ Kỳ, Kinh Môn... chưa nơi nào có phương án khả thi xử lý ô nhiễm môi trường. Đơn cử như ở xã Văn Đức, An Lạc (huyện Chí Linh), nhà cửa, cây cối và cả nguồn nước nhuộm một màu đen vì có tới cả trăm lò ngày đêm khai thác than gây ô nhiễm dẫn tới 2/3 số người đến bệnh xá khám đều mắc bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản. ở xã Đức Chính, Cẩm Văn (huyện Cẩm Giàng) chuyên giết mổ trâu, bò, gia súc nhưng lò giết mổ nào cũng chỉ đổ nước rửa tại chỗ gây mùi hôi thối đáng sợ. Các xã khu Bắc huyện Kinh Môn; xã Cộng Hòa, Cổ Dũng (huyện Kim Thành) chuyên chế biến tỏi và nông sản, những phụ gia chất đống ven đường làng khiến nguồn nước bị ô nhiễm. Còn ở một số huyện vùng xa trung tâm, hệ thống nhà vệ sinh tạm bợ, phân chăn nuôi thường không được thu gom và xử lý nên đất và nguồn nước bị ô nhiễm...

Rác thải chất đống ven đường gây ô nhiễm môi trường.

Về thực trạng ô nhiễm ở vùng nông thôn tỉnh Hải Dương, các ngành chức năng của tỉnh cho biết đây là vấn đề nhức nhối mà chưa bao giờ tỉnh xem thường. Về chiến lược, các ngành liên quan đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tập trung giải quyết 5 vấn đề lớn nhằm giảm thiểu ô nhiễm nông thôn, tập trung các phương án: chăm lo giữ gìn vệ sinh nơi ở; xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt; thu gom và xử lý chất thải chăn nuôi; bảo quản và giữ gìn nguồn nước sạch... Chiến lược là vậy, nhưng những năm qua, dường như Hải Dương chỉ triển khai phương án thực hiện theo kiểu "phong trào" nên hiệu quả còn thấp. Cái khó là ở chỗ kinh phí dành cho việc xử lý đã thấp, các địa phương có khi sử dụng không đúng mục đích và thường xem nhẹ vấn đề môi trường vì nó không gây hậu quả tức thời.

Thiết nghĩ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương cần tuyên truyền vận động sâu rộng mọi nơi thay đổi nhận thức về vệ sinh môi trường, từ bỏ những tập tục lạc hậu vì chính cuộc sống trong lành của mọi gia đình, đồng thời từng bước đầu tư giải quyết những vấn đề cụ thể trong chiến lược giảm thiểu ô nhiễm môi trường chung

Mạnh Hừng
.
.
.