Hải Dương: “Liệt sỹ” trở về sau 38 năm báo tử rất cần sự giúp đỡ

Thứ Năm, 08/09/2011, 10:26
Trở về với gia đình sau 38 năm báo tử, “liệt sỹ” Phạm Tuấn Hanh (61 tuổi), người xã Kim Tân, huyện Kim Thành (Hải Dương), những tưởng người chiến sĩ xông pha chiến trận thuở nào sẽ được sống một cuộc sống an lành, thế nhưng những khó khăn về vật chất lẫn di chứng của cuộc chiến tranh để lại đã khiến hoàn cảnh của ông và gia đình gặp nhiều bĩ cực.

Hơn lúc nào hết, hoàn cảnh của ông đang rất cần sự chung tay của các ngành, các cấp cũng như các nhà hảo tâm gần xa…

Bệnh tật hành hạ, đời sống khó khăn

Như Báo CAND đã có bài phản ánh về câu chuyện hy hữu xảy ra tại huyện Kim Thành (Hải Dương), “liệt sỹ” Phạm Tuấn Hanh, nhà ở Đội 16, xã Kim Tân, huyện Kim Thành đã trở về sum họp gia đình sau 38 năm báo tử. Thời điểm “liệt sỹ” Hanh trở về quê nhà cũng là quãng thời gian mà ai nấy trong gia đình đều mừng vui khôn tả.

Thế nhưng, niềm vui không được bao lâu thì khó khăn đã lại ập đến với ông và người thân trong gia đình. Trong đơn gửi Báo CAND, ông Phạm Văn Síu, anh trai ông Phạm Tuấn Hanh cho biết, sau khi đón người em của mình về với gia đình, mọi người mới hay, những di chứng của cuộc chiến tranh đã không buông tha cơ thể ông Hanh. Sáng 6/9, chúng tôi có mặt tại xã Kim Tân, huyện Kim Thành – nơi gia đình ông Hanh hiện sinh sống.

PV Báo CAND trò chuyện với gia đình “liệt sỹ” Hanh.

 Ngôi nhà đơn sơ nằm nép mình bên con ngách nhỏ nằm kế với trục đường liên Đội 16, xã Kim Tân hiện ra trước mắt chúng tôi. “Liệt sỹ Hanh đấy!”, ông Cường người hàng xóm dẫn đường cho tôi đưa tay chỉ về phía bể chứa nước mưa phía góc ngôi nhà, nơi ông lão tuổi ngoài lục tuần đang lúi húi cầm con dao xới đất liên hồi, mồm lẩm bẩm điều gì đó.

Trông ông Hanh khác xa so với bức ảnh mà hồi cuối tháng 5/2011, PV Báo CAND đã từng chụp. ông gầy sọm đi so với trước. Đôi mắt vô hồn thi thoảng lại ngước về phía chúng tôi. Chỉ đến khi ông Síu gọi giật giọng, ông Hanh mới chịu đi vào bên trong nhà. ông Síu kể trong nước mắt: “Từ lúc cậu em tôi nó về, nó cứ thẩn thơ cả ngày. Nhiều lúc nhất cử nhất động đều không kiểm soát được. Nhất là vào các buổi tối, đang nằm ngủ, tự dưng nó nhổm dậy ôm đầu, hét toáng lên như bị ai đó dùng gậy đập vào đầu vậy. Chứng kiến những hình ảnh trên, tôi không kìm được nước mắt vì thương em”.

Giấy báo tử của “liệt sỹ” Hanh.

Nghe đến đây, tôi liền quay sang hỏi ông Hanh: “Bác có hay bị đau đầu không?”, “ờ… ờ!”, đáp lời nhát gừng rồi ông Hanh lại phóng đôi mắt vô hồn ra vườn, đồng thời thở dài như thể đang đau đáu một việc gì đó…

Cần sự quan tâm giúp đỡ kịp thời

Có lẽ đối với nhiều người, việc trở về của một “liệt sỹ” đã được báo tử sau gần 40 năm sẽ là niềm vui khôn tả cho gia đình và làng xóm. Thế nhưng, trớ trêu thay, bên cạnh những di chứng của chiến tranh để lại: Đau đầu, mất trí nhớ, hành vi rối loạn, ông Hanh hiện đang phải sống một cuộc sống “vô gia cư”, không tài sản, kinh tế phải phụ thuộc vào anh trai Phạm Văn Síu.

Tuy nhiên, với cuộc sống hiện tại của gia đình người anh trai không đủ để chu cấp cho ông Hanh. ông Síu chia sẻ, thời gian qua, do tuổi cao, sức khỏe yếu, ông không làm được việc gì để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Trong khi đó, người vợ chủ đạo thêm thu nhập cho gia đình đã qua đời nên kinh tế càng khó khăn.

Đến nay, theo như ông Síu cho biết thì dù đã hơn 4 tháng trôi qua kể từ ngày trở về nhà, ông Hanh vẫn chưa nhận được bất cứ một chế độ đãi ngộ nào từ cơ quan chức năng có thẩm quyền. Ngoại trừ những lần thăm hỏi, động viên của chính quyền địa phương và các ngành chức năng hữu quan.

Chưa hết, việc hoàn tất lý lịch, thủ tục nhập khẩu cho ông Hanh hiện chưa được giải quyết dứt điểm mặc dù gia đình đã gửi đơn đề nghị lên UBND xã. “Cuộc sống của tôi và em trai tôi đang rất cần sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng có thẩm quyền cũng như tinh thần tương thân tương ái của các nhà hảo tâm gần xa” – ông Síu tiếp lời.

Rời nhà ông Phạm Tuấn Hanh, chúng tôi đến làm việc với đại diện UBND xã Kim Tân, huyện Kim Thành. ông Lê Văn Tăng – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, sau khi ông Phạm Tuấn Hanh trở về địa phương, lãnh đạo UBND xã cũng như UBND huyện, tỉnh cũng đã đến thăm hỏi, động viên gia đình ông.

Theo ông Tăng cho biết, hiện tình trạng sức khỏe của ông Hanh không được tốt, lúc nhớ lúc quên, cuộc sống hiện tại đang gặp nhiều khó khăn. Liên quan đến việc vì sao đến giờ, ông Hanh mặc dù bị các di chứng do chiến tranh để lại song vẫn chưa được hưởng bất cứ một chính sách, chế độ đãi ngộ nào? ông Tăng lý giải, thẩm quyền xác định thương tật, thương binh – bệnh binh thuộc cơ quan chức năng hữu trách khác…

Về phía thủ tục nhập khẩu, ông Đồng Quảng Lực – Trưởng ban Công an xã Kim Tân cho hay, sau khi nhận được đơn đề nghị làm thủ tục nhập khẩu cho ông Hanh, Ban Công an xã đã mời ông Hanh lên để làm việc. Ngay sau đó, Công an xã cũng đã gửi phiếu xác minh tới các địa phương mà ông Hanh cho rằng trước đó mình đã sinh sống. Tuy nhiên đến nay, Ban Công an xã chưa nhận được hồi âm, nên thủ tục để nhập khẩu cho ông Hanh chưa thể hoàn tất được.

Như vậy, đứng trước hoàn cảnh mà ông Phạm Tuấn Hanh đã và đang gặp phải, các cơ quan chức năng hữu trách cần sớm giải quyết những khúc mắc đang tồn tại cũng như các quyền lợi, chế độ đãi ngộ mà ông Hanh được hưởng nếu có. Mặt khác, gia đình ông Hanh cũng đang rất cần sự hảo tâm, tinh thần “tương thân tương ái” của độc giả gần xa.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi trực tiếp về địa chỉ: Báo CAND, 66 Thợ Nhuộm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. ĐT: 043.9420595. Tài khoản Báo CAND: 102010000010535, Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm, Hà Nội hoặc ông Phạm Văn Síu, Đội 16, xã Kim Tân, huyện Kim Thành, Hải Dương

Trần Huy
.
.
.