Hạ cánh xuống bãi ngô vì “xót chiếc máy bay”

Thứ Ba, 27/04/2010, 17:03
Mặc dù cấp trên 3 lần ra lệnh cho ông nhảy dù để bảo đảm tính mạng, nhưng phi công Phạm Ngọc Lan vẫn chần chừ. "Lúc ấy mình nghĩ xót quá. Chiếc máy bay có giá trị rất lớn, trong khi đất nước còn nghèo, không phải một chốc một lát mà bỏ đi được. Còn nước còn tát, mình xin phép được hạ cánh bắt buộc". Nhìn thấy bãi ngô phía bên kia sông Đuống, ông quyết định đáp máy bay xuống và vẫn bảo đảm an toàn.

Sau những trận mưa rào tháng tư, nắng mới bừng lên trước thềm nhà ông, số 192 đường Trường Chinh, nơi có cây ngọc lan tỏa hương thơm ngát. Ông là Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan, người phi đội trưởng chỉ huy phi đội không quân đánh thắng không quân Mỹ, trong trận đầu tiên ngày 3/4/1965 trên bầu trời Hàm Rồng, Thanh Hóa..

Phi công Phạm Ngọc Lan.

Say sưa hát "Vì nhân dân quên mình"

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Điện Bàn, Quảng Nam giàu truyền thống cách mạng, năm 1948, khi vừa 14 tuổi, ông đã tham gia Công an xung phong Tây Nguyên. Cùng các anh, các chú, Phạm Ngọc Lan vào các bản làng nắm tình hình, xây dựng cơ sở. Công việc của lực lượng Công an tuy thầm lặng nhưng cũng không kém phần nguy hiểm. Ước ao được trực tiếp cầm súng chiến đấu nên năm 1952, ông chuyển sang quân đội, ở Tiểu đoàn 30 Trung đoàn 96 Sư đoàn 305 chống càn từ Pleiku đến Quy Nhơn và dọc tuyến đường số 1 từ Nha Trang đến Quảng Nam.

Trong thời gian từ 1952 đến 1954, ông đã chiến đấu ở 10 mặt trận, bắt sống 6 tên giặc, trong đó có một lính Pháp. Lần tham gia đánh đồn địch Phố Cũ ở Quy Nhơn, gần đó có một ngôi nhà bỏ trống. 2h sáng, khi ông cùng đồng đội vào nhà thì thấy một chiếc đàn, giống như piano, nhưng sử dụng hệ thống đệm hơi.

"Nhìn thấy cây đàn, tôi mê quá vì hồi đó sau mỗi lần chiến thắng, anh em lại hát hò nhưng không có đàn. Tôi hội ý tiểu đội, quyết định xin mang cây đàn về. Cả tiểu đội hò nhau khiêng đàn cả một quãng đường dài, đến 9h sáng hôm sau đưa vào vườn chuối ngụy trang. Mò mẫm cả ngày, đến tối, tôi đã khớp nhạc cho anh em hát bài "Vì nhân dân quên mình". Suốt đêm ấy, tất cả mọi người chỉ hát bài này, nhưng vẫn vui vì có nhạc…". 

Bắn rơi máy bay Mỹ từ trận đầu

Năm 1954, ông được cử đi học lái máy bay ở Liên Xô. Ngày 6/8/1964, ông cùng mọi người trong khóa đào tạo phi công về nước, tham gia bảo vệ miền Bắc XHCN. Gần 50 năm đã trôi qua, nhưng Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan vẫn nhớ như in lời căn dặn của Hồ Chủ tịch khi đến thăm Trung đoàn tiêm kích mang phiên hiệu 921. Bác căn dặn: "Tổ tiên ta ngày xưa đã có những chiến công oanh liệt trên sông, biển như Bạch Đằng, Hàm Tử... trên bộ như Chi Lăng, Vạn Kiếp, Đống Đa. Ngày nay chúng ta phải mở mặt trận trên không thắng lợi".

Ghi nhớ lời Bác dạy, ngày 3/4/1965, tại sân bay Nội Bài, Phạm Ngọc Lan, với cương vị Phi đội trưởng bay ở vị trí số 1 đã cùng biên đội gồm Phan Văn Túc số 2, Hồ Văn Quỳ số 3 và Trần Minh Phương số 4 cất cánh chiến đấu với phản lực Mỹ tại bầu trời Hàm Rồng, Thanh Hóa. Khi phi đội của Phạm Ngọc Lan tiến gần đội hình máy bay Mỹ, chúng phát hiện máy bay ta vội vàng tản ra. Phi đội ta lao thẳng cắt đội hình máy bay Mỹ. Khi còn cách chiếc tiêm kích hải quân FU8 vài trăm mét, Phi đội trưởng Phạm Ngọc Lan xiết cò, loạt đạn trượt ra phía sau đuôi máy bay địch. Tiếp tục truy kích chiếc máy bay này, Phạm Ngọc Lan bay cắt mặt, đối đầu.

Lần này ông căn thẳng vào giữa thân máy bay nhả đạn. Chiếc FU8 khựng lại, xì khói trắng, bốc lửa rồi lao thẳng xuống đất. Đội hình máy bay Mỹ tan rã, Phạm Ngọc Lan phát hiện một chiếc FU8 khác bay nặng nề vì đã trúng đạn của số 2 và số 3, liền bám theo. Số 3 Hồ Văn Quỳ thông báo: "Tôi sẽ yểm trợ anh". Chiếc FU8 lao ra biển, hạ độ cao, bay vòng vèo để tránh đạn. Phạm Ngọc Lan bồi thêm một loạt đạn nữa. Chiếc FU8 lao thẳng xuống biển.

Trên đường về, Phạm Ngọc Lan mới phát hiện trục la bàn bị hỏng. Lúc này, nhiên liệu đã cạn, không đủ để về đến sân bay. Mặc dù cấp trên 3 lần ra lệnh cho ông nhảy dù để bảo đảm tính mạng, nhưng ông vẫn chần chừ. "Lúc ấy mình nghĩ xót quá. Chiếc máy bay có giá trị rất lớn, trong khi đất nước còn nghèo, không phải một chốc một lát mà bỏ đi được. Còn nước còn tát, mình xin phép được hạ cánh bắt buộc". Nhìn thấy bãi ngô phía bên kia sông Đuống, ông quyết định đáp máy bay xuống và vẫn bảo đảm an toàn. Sau trận này, khi lãnh đạo hỏi ông và phi đội rằng, chúng ta có thể đánh thắng quân Mỹ không? Ông và phi đội đã trả lời dứt khoát, chúng ta nhất định đánh thắng.

Tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy 1975

Giải phóng Đà Nẵng ngày 29/3/1975 thì ngày 30/3, Phạm Ngọc Lan được giao nhiệm vụ vào sân bay Đà Nẵng, khai thác máy bay địch, để tiếp tục tấn công địch. Theo chỉ thị của Bộ Chính trị và Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì ngày 28/4/1975, ta phải có một phi đội tấn công sân bay Tân Sơn Nhất - sào huyệt cuối cùng của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Phạm Ngọc Lan cùng anh em khẩn trương biên dịch tài liệu, tìm hiểu máy bay địch để huấn luyện cho phi đội sử dụng.

Công việc gặp nhiều khó khăn do địch trước khi tháo chạy đã phá hỏng một số chi tiết... Sau khi kiểm tra 15 chiếc máy bay địch bỏ lại, anh em đã chọn được 5 chiếc A37 có thể sử dụng được, tập trung sửa chữa, lắp ráp, thay thế để đưa vào đội hình.

16h30' ngày 27/4/1975, tại sân bay Phù Cát, Phi đội Quyết thắng đã cất cánh và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, trở về an toàn. Chiến thắng này đã góp phần làm tê liệt cầu hàng không di tản bằng máy bay của địch, đẩy nhanh quá trình tan rã của chính quyền Sài Gòn

Hương Vũ
.
.
.