Hà Nội phập phồng lo tai nạn từ gas

Thứ Hai, 04/04/2005, 07:55
Trong căn phòng khoảng 10m2 có hơn 40 chiếc bình gas (loại 12kg/bình) xếp chồng chất. Nguy hiểm hơn là tại cửa ra vào, cách những chiếc bình gas chưa đầy 30cm lủng lẳng những thiết bị điện như ổ cắm, phích cắm, bóng điện, tivi...

Trong góc căn phòng chật hẹp của một cửa hàng bán gas tại khu vực phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, còn có một chiếc bàn thờ nghi ngút hương khói. Nhìn mãi trong căn phòng "tí hon" này, chúng tôi cũng không thấy chiếc cửa thứ hai, một trong những quy định bắt buộc đối với những cửa hàng kinh doanh gas.

Cửa hàng này chỉ là "vệ tinh" của một cửa hàng khác. Trên tờ giấy dán vào các bình ga có ghi: Bảo Tín, địa chỉ 780 đường Láng, số 4, tổ 7 Yên Hoà và nhiều chi nhánh khác trên toàn thành phố.

Cửa hàng gas số 74 ngõ Văn Chương 2 là điểm tiếp theo chúng tôi "ghé thăm". Cũng không có cửa thoát hiểm, nhà cấp 4 và trên tường nhà là một tờ giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đã… hết hạn từ tháng 6/2004(!). Những bình ga được xếp chồng lên nhau gần chạm vào ổ điện.

Theo số liệu của Sở Thương mại Hà Nội, số cửa hàng đủ điều kiện kinh doanh gas được cấp phép là khoảng 600 hộ kinh doanh cá thể và gần 200 doanh nghiệp. Nhưng trên thực tế, con số các cửa hàng không có giấy phép kinh doanh còn lớn hơn nhiều.

Trên bình gas của cửa hàng này dán chi chít các tờ khuyến mại và gần chục số điện thoại, địa chỉ khác nhau. Ông chủ "hồn nhiên" kể: "Đó là do các cửa hàng gas khác vào tiếp thị dán đè vào đấy"...

Trong tháng 3, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với các đơn vị chức năng của Sở Thương mại kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh gas, phát hiện 18 cửa hàng kinh doanh gas ở các khu tập thể cao tầng không đảm bảo điều kiện về phòng chống cháy nổ.

Trong đó, quận Đống Đa có 6 cửa hàng vi phạm: cửa hàng số P1-B1- tập thể Trung Tự của Phạm Quốc Khánh; cửa hàng của bà Quản Thị Kim Xuân ở A49-F101 Thái Thịnh; cửa hàng số P105-E1 tập thể Vĩnh Hồ đã chuyển địa điểm đến nhà số 23, ngách 238/24 Lê Trọng Tấn nhưng chưa làm thủ tục chuyển.

Mặc dù những địa điểm trên đều đã được cấp giấy phép kinh doanh nhưng hầu hết các gian hàng này lại ở tầng 1 của các toà nhà chung cư, nơi tập trung đông dân cư nên bắt buộc phải di chuyển.

Quận Thanh Xuân có 4 cửa hàng vi phạm an toàn cháy nổ, quận Ba Đình có 5 cửa hàng và quận Cầu Giấy có 3 cửa hàng vi phạm tương tự.

Cửa hàng gas này không có cửa thoát hiểm.

Trước đó, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện đối tượng Dương Văn Nam, ở Dương Xá, Gia Lâm sang chiết gas trái phép, thu 49 bình gas, 2 vỏ bình,  2 bộ thiết bị sang nạp gas, phạt 1,5 triệu đồng.

Theo Trung tá Lê Phi Hùng, Đội tham mưu Phòng Cảnh sát PCCC Công an Hà Nội, vi phạm chủ yếu và tràn lan hiện nay là việc không có giấy phép đăng ký kinh doanh cho cửa hàng bán gas. Một đại lý gas ngoài cửa hàng chính còn xây dựng nhiều cửa hàng vệ tinh trên nhiều tuyến đường, tuyến phố để thu hút thêm khách hàng.

Những cửa hàng vệ tinh này không hề có chứng nhận của các cơ quan chức năng, không tuân thủ bất cứ điều kiện nào về an toàn cháy nổ. Nhiều kho chứa gas được để ngay trong khu dân cư. Những trường hợp này rất khó phát hiện để xử lý vì người kinh doanh không trưng biển, thậm chí nhà ở cũng là kho chứa hàng.

Theo Phòng Cảnh sát PCCC Công an Hà Nội thì trung bình một năm, trên địa bàn có khoảng 15 vụ cháy nổ gas gây hậu quả nghiêm trọng. Những vụ này thường để lại thiệt hại rất lớn về người và tài sản.

Tp. Hồ Chí Minh đã có quyết định tạm dừng đăng ký kinh doanh gas tới tháng 10/2005 để chấn chỉnh lại tình hình hoạt động kinh doanh mặt hàng này. Sở Thương mại Hà Nội cũng đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường kiểm tra tình hình kinh doanh của các cửa hàng chặt chẽ và thường xuyên hơn. Lực lượng này cũng sẽ kiểm tra các cửa hàng dịch vụ ăn uống sử dụng bình gas du lịch

Nhóm PVKTXH
.
.
.