Hà Nội: Những dòng sông… ngừng chảy

Thứ Tư, 16/07/2008, 15:08

4 con sông trong nội thành Hà Nội: Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu giờ đây không còn dòng nước trong xanh, mà đã biến thành những con mương nước đen kịt bốc mùi khó ngửi chạy qua khu dân cư đông đúc khiến nhiều người đau xót và nuối tiếc.

Có người cho rằng, các con sông ở khu vực nội thành Hà Nội hiện đang biến thành những con mương thoát nước thải lớn. Cách nói này quả không sai khi 4 con sông: Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu với chiều dài khoảng 36km đang hàng ngày thực hiện chức năng tiếp nhận, chuyên chở khối lượng khoảng 550.000m3 nước thải.

Những con sông xanh trong quá khứ

36km là chiều dài của 4 con sông hiện đang đóng vai trò chủ lực trong việc thoát nước của thành phố. Nguồn nước thải trong các khu dân cư, khu công nghiệp theo các đường ống dẫn đổ ra các mương, sau đó mới đổ ra sông. Theo thống kê của Công ty Thoát nước Hà Nội, trong khu vực nội thành và quận Long Biên có khoảng 40 đầu mương với tổng chiều dài là 77,929km.

Theo khảo sát năm 2003 của Sở Khoa học - Môi trường Hà Nội, sông Tô Lịch có chiều dài 13,5km. Con sông này bắt nguồn từ cống Bưởi đến đập Thanh Liệt. Tuy nhiên, theo sử sách, sông Tô Lịch chính là một nhánh của sông Hồng, đưa nước từ sông Hồng sang sông Nhuệ. Khi ấy, dòng sông chính là nơi giao thương giữa dân cư trong vùng. Hai bên sông hình thành những làng nghề nổi tiếng như Bưởi, Nghĩa Đô, Lũ…

Có tài liệu còn chép rằng, vua Lý Công Uẩn sau khi dời kinh đô từ Hoa Lư về Thăng Long đã đi trên con sông này đến thăm bà con vùng Bưởi. Ngày nay, đi dọc sông Tô Lịch dễ dàng bắt gặp những đình, đền. Tại mỗi công trình văn hoá này đều gắn liền với truyền thuyết từ dòng sông Tô. Do thời gian, đoạn nối giữa sông Tô Lịch và sông Hồng đã bị lấp. Con sông có chiều dài 13,5km này chảy men theo đường Bưởi, đường Láng, đường Kim Giang.

Trước thực tế con sông mang trong mình nhiều giá trị lịch sử ngày càng bị ô nhiễm nặng, thành phố đã có chủ trương cải tạo. Tuy nhiên, kết thúc giai đoạn I của Dự án thoát nước nó mới chỉ dừng lại ở mức độ nạo vét, kè bờ chứ chưa được nhận lại dòng nước trong xanh như thủa xa xưa.

Cũng như sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét cũng có những điển tích. Có sách dẫn rằng, sông Kim Ngưu là một nhánh của sông Tô Lịch. Sông Lừ, sông Sét lại là những nhánh nhỏ của sông Kim Ngưu. Như vậy, các con sông hiện đang giữ vai trò thoát nước thành phố vốn có mối liên hệ với nhau, là một hệ thống nhất điều hoà nguồn nước của Hà Nội. Tiếc rằng do tác động của con người đã khiến những ngã ba sông trong thành phố biến mất. 

Và sự làm vẩn đục dòng chảy của con người

Chỉ số ô nhiễm COD (Chemical Oxygen Demand, lượng oxy cần thiết cho quá trình ôxy hóa các chất hữu cơ trong nước thành CO2 và H2O), BOD (Biochemical Oxgen Demand, lượng oxy cần thiết để vi sinh vật tiêu thụ trong quá trình ôxy hóa chất hữu cơ trong nước) ở 4 con sông nội thành Hà Nội vượt mức cho phép hàng chục lần…

Tháng 6 vừa qua, Bộ Tài nguyên - Môi trường công bố kết quả điều tra về các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở khu vực sông Nhuệ, sông Đáy. Trong 43 cơ sở báo động đỏ về việc gây ra ô nhiễm môi trường bị phát hiện và công bố danh tính, thì 66% thuộc về Hà Nội.

Giá như Hà Nội có đánh giá cụ thể về việc gây ô nhiễm môi trường trong phạm vi 1 hoặc cả 4 con sông đang làm chức năng thoát nước khu vực nội thành sẽ cho kết quả đâu là đơn vị đang gây ô nhiễm trầm trọng nhất, từ đó tìm ra giải pháp khắc phục hợp lý.

Nói về việc điều tra cơ sở gây ô nhiễm môi trường, chúng tôi xin dẫn ví dụ về thực trạng này ở cụm công nghiệp Phú Minh (xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm). Có mặt tại khu vực này ngày 14/7, chúng tôi tận mắt nhìn thấy nguồn nước thải công nghiệp chưa qua xử lý của 30 doanh nghiệp chảy ra con mương nhỏ nằm trong khu dân cư rồi theo sông Pheo ra sông Nhuệ. Trước đây, khu này vốn là Xí nghiệp Gà Cầu Diễn, sau một thời gian chuyển đổi nay thành Công ty cổ phần Đầu tư Việt Hà. Từ năm 1998, Công ty Việt Hà cho các doanh nghiệp thuê làm nhà xưởng, khu sản xuất.

Từ khi xuất hiện cụm công nghiệp này, người dân tổ dân phố Phú Minh nhận thấy dòng nước thải ra ở đây có vấn đề. Nước lúc đen, lúc đỏ, lúc loang vết dầu. Tìm hiểu, họ mới biết đó là loại nước thải rửa khuôn mẫu sau khi đúc nhôm, rửa bản kẽm, nhuộm vải, làm bao bì nhựa… Việc này đã được báo cáo lên cấp chính quyền xã, huyện, cơ quan môi trường và Ban Giám đốc Công ty Việt Hà. Tuy nhiên, đến nay thực trạng trên vẫn chưa được giải quyết dù người dân ở tổ dân phố Phú Minh đã tự nguyện đóng góp được 30.000.000đ để cùng xử lý nước thải.

Trao đổi với một lãnh đạo UBND xã Cổ Nhuế, chúng tôi được biết do cụm công nghiệp này không nằm trong quy hoạch nên rất khó để đưa ra dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Đâu là lời ra cho bài toán cải thiện môi trường tại khu vực này nói riêng và cho cả dòng sông Nhuệ vốn dĩ đang ở mức báo động đỏ về mức độ ô nhiễm?

.
.
.