Hà Nội: “Loạn” điểm trông giữ ô tô, xe máy trái phép

Thứ Tư, 20/09/2006, 13:41

Bất cứ điểm nào tập trung đông hàng quán kinh doanh hoặc cơ quan, công ty… thì nơi đó lại phát sinh điểm trông giữ ôtô, xe máy trái phép. Các điểm này lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, gây lộn xộn và nguy hiểm đến trật tự an toàn giao thông.

Trong 23 điểm trông giữ ôtô trái phép trên địa bàn Hà Nội, thì quận Hoàn Kiếm được coi là phức tạp nhất. Các điểm trông giữ xe "chui" đều bạ đâu làm đấy, chiếm diện tích 22.042m2 của thành phố. Ngay trong công viên Thống Nhất, hàng ngày có hàng dãy ôtô dài đỗ chình ình trong công viên. Ngay cổng vào (cửa Nguyễn Đình Chiểu) để 2 tấm biển rất rõ: "Trông giữ xe ôtô, điện thoại: 098…". Chẳng lẽ công viên - nơi vui chơi của người dân Thủ đô lại biến thành điểm trông giữ xe ôtô hay sao?

Đem thắc mắc này hỏi một người dân sống gần đấy, chúng tôi được biết, trước đây ở ngoài cổng công viên cũng hình thành bãi trông xe trái phép, nay họ "bê" vào trong. Tuy ngày nghỉ khách lấy xe đi chơi khá đông, nhưng trong công viên vẫn còn khoảng 20 chiếc. Theo quan sát của chúng tôi, bãi gửi xe "chui" này không những "ăn bớt" diện tích của công viên mà không có bất cứ biện pháp nào bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ.

Theo chân một người bạn chuyên gửi xe "chui" ở ngách 199 Văn Chương, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi diện tích của bãi "chui" này tỷ lệ nghịch với số lượng ôtô đồ sộ ở đây. Đây là điểm khá nhức nhối vì gây mất trật tự đô thị và ẩn họa nguy cơ cháy nổ. Theo Thanh tra Giao thông công chính (GTCC), điểm "chui" này đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần nhưng "đâu vẫn đóng đấy".

Một trong những bãi gửi xe ôtô "chui" gây bức xúc trong dư luận thời gian qua nữa là ở hè đường Phan Văn Trị. Bãi này không chỉ chiếm hè đường, mà còn chiếm luôn lòng đường để trông xe, gây mất trật tự giao thông và mỹ quan đường phố. Cứ nửa tháng bãi gửi xe này lại bị xử phạt một lần nhưng nó vẫn ngang nhiên tồn tại, thách thức các cơ quan chức năng.

Bãi trông xe máy "chui" nằm cạnh UBND phường

Phố Tràng Tiền - Nguyễn Xí, một trong những địa điểm nhức nhối về tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để trông giữ xe máy, xe đạp "chui". Muốn thả bộ ở con phố này là điều khó thực hiện bởi cả lòng đường Nguyễn Xí chật ních xe đạp, xe máy, còn vỉa hè thì các cửa hàng sách bày tràn lan. Mặc dù đã bị xử phạt hàng trăm lần, nhưng điểm trông giữ xe trái phép này vẫn ngang nhiên tồn tại ngay bên cạnh UBND phường Tràng Tiền. Hà Nội hiện có 495 điểm trông giữ xe máy trên hè đường, nhưng chỉ có 155 điểm có phép, còn 340 điểm không phép, chiếm 22.322m2 đất của thành phố…

Lâu nay người dân Thủ đô rất bức xúc trước việc vào dịp lễ hội họ bị các điểm trông xe trái phép "chặt chém" từ 5-10 nghìn đồng/xe. Nhìn vào con số thống kê của Thanh tra giao thông, chúng tôi thấy giật mình khi điểm trông xe trái phép tồn tại được do sự tiếp tay của chính quyền địa phương: điểm do các tổ chức thuộc chính quyền phường trông giữ có phép chiếm con số quá ít ỏi: 15 điểm, còn điểm không phép thì lớn gấp 10 lần (111 điểm); các điểm do các cơ quan, tổ chức trông giữ không phép chiếm 67 điểm; điểm do tư nhân trông giữ trái phép chiếm 162 điểm.

Cần một chế tài đủ mạnh

Vì sao hàng trăm điểm trông giữ xe trái phép kéo dài nhức nhối và tồn tại nhiều năm qua lại không thể xử lý dứt điểm? Trong khi đó nhiều cơ quan, tổ chức đứng ra xin cấp phép nhưng lại khoán toàn bộ cho tư nhân, buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng vi phạm thường xuyên. Điển hình là Phòng Xây dựng đô thị quận Hoàn Kiếm đã ra Văn bản 181 chấp thuận cho UBND các phường tổ chức 72 điểm (rộng 2.917m2) trông giữ xe trên hè phục vụ tuyến đường văn minh đô thị và yêu cầu các phường phải làm thủ tục xin cấp phép. Tuy nhiên, hầu hết các điểm này không thực hiện mà chỉ dựa vào Văn bản 181 để làm "chui".

Theo Thanh tra GTCC, ngay cả các công trình có tầng hầm theo thiết kế dùng cho mục đích để phương tiện như tại Lê Duẩn, Hoa Lư, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, Tòa tháp Vincom Bà Triệu thì lại cho thuê sử dụng vào mục đích khác và sử dụng hè đường để trông giữ phương tiện.

Các điểm trông xe trái phép đang gây bức xúc trong dư luận nhưng thực tế, việc xử phạt thì cứ phạt, còn việc trông giữ "chui" thì cứ đương nhiên tồn tại. Sở dĩ việc xử lý vi phạm không đem lại hiệu quả là do thiếu chế tài, không được cưỡng chế thu giữ nên tình trạng vi phạm vẫn tràn lan, không giảm

Trần Hằng - An Bình
.
.
.