Hà Nội: Gian lận xăng dầu lại tái diễn

Thứ Hai, 07/09/2009, 10:02
Giá bán lẻ xăng dầu tăng đồng nghĩa với việc, người tiêu dùng phải mất thêm một khoản tiền đáng kể cho chi phí nhiên liệu hàng tháng của mình. Đáng tiếc, túi tiền của người tiêu dùng đã bị "bội chi" thêm một cách oan uổng khi, nhiều cây xăng ngay tại Hà Nội đang có biểu hiện gian lận về đo lường, tiếp tục tái diễn hành vi "móc túi" khách hàng.

Nhận được phản ánh của độc giả, nhóm PV Báo CAND đã khảo sát, tự biến mình thành "bị hại" của một số cây xăng vốn đã được lưu vào "danh sách đen" từ lâu…    

Điểm nóng vẫn thuộc về "danh sách đen" đã cũ

Khoảng 18h ngày thứ 6 mùng 4/9, cây xăng trên phố LTT giáp tuyến đường TC đông nghẹt người. Giờ cao điểm, ai cũng muốn nhanh nhanh chóng chóng lách vào, đổ cho đầy bình xăng rồi về nhà. Chen chân đến lượt được bơm xăng cũng đã thấm mệt, chị NTN nhà gần đó chỉ đủ sức buông gọn một câu: "Bán cho em 80.000 đồng".

Chủ quan không nhìn các con số ở cột bơm, cũng không theo dõi động tác của người bán hàng, chỉ đến khi lên xe đi rồi, chị NTN mới sửng sốt khi đồng hồ bình xăng của mình chưa nhích được một nửa… Thông thường, với số tiền đó, bình xăng của chị đã được bơm gần đầy. Bức xúc khi trao đổi với PV Báo CAND, nhưng chị NTN vẫn ngậm ngùi: "Rõ ràng mình cảm giác bị đong thiếu, nhưng không có chứng cứ. Tại cây xăng giờ cao điểm đông quá mà mình lại không muốn đôi co, to tiếng. Cũng bởi vì xăng đã được bơm vào bình của mình rồi, nên khó định lượng mà chỉ có thể định tính". Đây cũng là tâm lý chung khiến nhiều khách hàng bức bối mà vẫn phải im lặng khi mua xăng tại một số cây xăng trên tuyến quốc lộ 5 hay các phố như ĐC ở quận Hoàng Mai.

Cây xăng trên đường Trần Khát Chân trưa ngày 6/9 vắng khách.

Đã từ lâu, không chỉ một lần mà là rất nhiều lần, Báo CAND nhận được những phản ánh của khách hàng về sự nhảy số vô lý của vòi bơm tại cây xăng trên đường Trần Khát Chân. Để mục sở thị, bản thân phóng viên cũng đã đến đây bơm xăng để kiểm chứng. Buổi trưa, cây xăng vắng khách hơn, nên không có chuyện chen lấn như giờ cao điểm. Thế nên thấy khách hàng yêu cầu đổ 70.000 đồng, chị nhân viên đon đả phục vụ. Khi bơm được chừng 50.000 đồng, thì nhân viên này vừa bơm tiếp xăng vừa quay sang yêu cầu khách chuẩn bị tiền để trả. Vì đã cầm sẵn tiền trên tay, nên mắt tôi không dời kim đồng hồ bơm xăng. Thật bất ngờ khi số tiền lên đến 63.500đ, một nhân viên đứng gần tạt ngang qua cây xăng, thì kim liền nhảy vọt lên con số 70.000 tròn trĩnh.

Thấy lạ, phóng viên liền thắc mắc thì được nhân viên bơm xăng bấm nút gì đó trên cột bơm, số tiền lập tức quay lại con số 63.500đ: "Chị nhầm, bình của em đầy rồi, cho chị xin 63.000đ", người này giải thích. Mang câu chuyện này kể với bạn bè, mới hay, không ít lần người mua xăng tại đây đều cảm thấy "ngờ ngợ" về sự nhảy số nhanh của máy bơm xăng, nhưng vì không có bằng chứng sát thực nên họ không thể thắc mắc.

"Đi đêm có ngày gặp ma", một khách hàng không chịu nổi sự phi lý đã cố gắng thu thập bằng chứng nhảy số của máy bơm. Kết quả thật bất ngờ, trong đoạn băng quay dài chưa đầy 1 phút, có ít nhất 3 lần đồng hồ hiển thị tổng số tiền trên cây xăng mang  nhãn hiệu New Micom bị "nhảy" một cách khó hiểu.

Ở trường hợp đầu tiên, đồng hồ dừng ở tổng số tiền 12.340 đồng nhưng rất nhanh "biến" thành tổng số 20.000 đồng đã cài đặt từ trước. "Cú nhảy" tiếp theo thậm chí còn ngoạn mục hơn khi tổng số 38.220 đồng trở thành 50.000 đồng trong tích tắc. Với trường hợp cuối cùng, đồng hồ dừng ở mức 23.000 đồng đột nhiên trở thành 50.000 đồng trước khi thực hiện một "bước lùi" xuống còn 25.000 đồng. Thế nhưng, giải thích về hiện tượng này, đại diện của đơn vị  quản lý cây xăng lại cho rằng việc đồng hồ "nhảy số" nêu trên là do "sai sót của thiết bị điện tử".

Sẽ kiểm tra đột xuất các cây xăng có biểu hiện gian lận

Sự giải thích của đại diện cây xăng Trần Khát Chân đã không nhận được sự đồng tình của dư luận. Từ năm 2007 đến nay, đã vài lần cây xăng này lọt vào "danh sách đen" của cơ quan quản lý. Cụ thể, tháng 11/2007, Chi cục Quản lý Thị trường (QLTT)  kiểm tra đột xuất cây xăng 436 Trần Khát Chân phát hiện một cột bơm ở đây có sai số vượt mức cho phép.  Theo quy định, sai số ở mỗi cột bơm tối đa là 0,5% (bơm 100 lít, được phép thiếu hoặc thừa 0,5 lít). Tuy nhiên, sai số ở một cột bơm xăng A92 của đại lý 436 Trần Khát Chân, theo kiểm tra lên đến 0,68%. Kế đó, vào tháng 9 năm 2008, Đội quản lý  số 14 trở lại và tiếp tục phát hiện sai phạm ở cây xăng 436 Trần Khát Chân. Trong số 8 vòi bơm tại cửa hàng số 436 Trần Khát Chân, có 1 vòi bơm xăng A92 có dấu hiệu gian lận. Tại vòi bơm này, sai số lên tới 0,66%, vượt ngưỡng cho phép.

Trước diễn  tiến mới của nạn gian lận về đo lường trong kinh doanh bán lẻ xăng dầu, ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết: Gian lận xăng dầu là hành vi khó định lượng, chỉ có thể định tính nếu không có sự kiểm tra và bắt quả tang của các lực lượng chức năng. Giá bán lẻ xăng dầu tăng cao cũng là môi trường kích thích hành vi gian lận tái diễn. Hiện thanh tra ngành KH&CN vẫn đang tiến hành kiểm tra định kỳ các cơ sở bán lẻ xăng dầu để phát hiện thủ đoạn mới, nhằm thông báo kịp thời cho người dân được biết.

Ông Phạm Quang Viễn - Phó Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công thương), cũng cho rằng, sau loạt bài điều tra "Gian lận xăng dầu - Hành vi nghiêm trọng cần xử lý bằng pháp luật" của Báo CAND nhận được sự quan tâm của bạn đọc xa gần vào cuối năm 2008, biểu hiện sai phạm của một số cây xăng nằm trong danh sách đen đã lắng xuống.

Theo ông Viễn, một phần do vào thời điểm ấy, giá xăng đang thấp, nhưng phần quan trọng hơn, vì dư luận phản ứng gay gắt, tên tuổi các cây xăng gian lận được đăng tải công khai nên người tiêu dùng đã bảo nhau tẩy chay, tránh xa. Lúc đó, các lực lượng chức năng cũng liên tục kiểm tra, rà soát, lập biên bản vi phạm nên các cây xăng "đen" đã chùn tay, không dám tái diễn nạn bán thiếu, bơm sai. Bởi thế, ông Viễn nhấn mạnh: Tới đây,  Cục QLTT sẽ chỉ đạo các chi cục địa phương phối hợp với Ban chỉ đạo 127 đột xuất kiểm tra một số cây xăng có dấu hiệu sai phạm và tiếp tục công bố công khai danh sách cho người dân được biết

Nhóm PV KT-XH
.
.
.