Gượng dậy tìm chữ sau cơn bão lớn

Thứ Sáu, 29/09/2017, 08:22
Sau hơn hai tiếng quần thảo ở vùng tâm bão Quảng Bình, bão số 10 đã làm hàng chục trường học, nhà giáo viên ở vùng cát bị đổ sập, tốc mái. Bàn ghế, thư viện, đồ dùng dạy học của giáo viên và sách vở của học sinh bị mưa bão nhấn sâu trong nước.

Những khó khăn vẫn còn chồng chất, thầy cô giáo và học sinh vùng tâm bão Quảng Bình đang cố hết sức mình để bảng đen, phấn trắng không ngừng nghỉ, và tiếng nói cười của học sinh vẫn luôn rộn ràng dưới các mái trường. Hơn bao giờ hết, nhiều trường học ở mảnh đất nghèo này đang rất cần sự chung tay của cộng đồng.

Xác xơ những mái trường sau bão

Ngay sau bão số 10, dọc theo quốc lộ 1A chúng tôi tìm về các làng quê ở vùng tâm bão Quảng Bình để phản ánh sự tàn phá khủng khiếp do bão gây ra. Nhiều đồng nghiệp của chúng tôi thất thần trước những ngôi trường chỉ còn lại những mảng tường khô khốc, nham nhở, còn mái ngói đỏ tươi đã bị bão cuốn lúc nào. 

Nhiều cây phượng, cây đa, bàng, xà cừ… ở nhiều trường học đổ ngổn ngang. Thẫn thờ trước sự tàn phá khủng khiếp của thiên nhiên và cứ nghĩ biết bao giờ để thầy cô và học sinh mới trở lại được trường.

Thầy Nguyễn Đức Khôi, Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Đông, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch giọng vẫn còn run khi kể về cơn bão tàn phá ngôi trường mà thầy gắn bó biết bao năm qua: “Sáng 15-9, sau khi theo dõi bản tin thời tiết báo bão khẩn cấp trên truyền hình, lòng như lửa đốt, tôi đội gió đến trường. Tôi ngồi ở phòng làm việc trực trường đến gần 11 giờ trưa thì gió bão nổi lên, những tiếng động như động đất xảy ra. Sau tiếng gào rú của bão, gió giật vài ba lần thì toàn bộ mái tôn trên dãy nhà chính của trường bị gió bão hất văng xuống đất, các phòng nội trú của giáo viên cũng bị tốc mái, ngói vương vãi khắp nơi”.

Cũng giống như Trường THCS Quảng Đông, hàng loạt trường học từ THCS đến tiểu học, mầm non trên địa bàn Quảng Bình đều bị bão số 10 gây thiệt hại hết sức nặng nề. 

Trường THCS Quảng Xuân, bão đã làm tốc mái 3 dãy phòng học, hầu hết cây xanh của trường đều bị bão xô gãy. Trong số các trường học bị bão tàn phá, có lẽ Trường THCS Quảng Châu, huyện Quảng Trạch là ngôi trường bị thiệt hại nặng nề nhất. Năm dãy phòng đựng thiết bị thí nghiệm, máy tính, tư liệu, thư viện cho học sinh của trường bị bão giật bay mái hoàn toàn.

Thầy Trương Quang Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Bão vừa tan, thầy cô đến trường ai cũng sững sờ vì thấy cảnh trường lớp tan hoang, dãy nhà nào cũng bị tốc mái, hư hại. Sách vở, đồ dùng học tập của học sinh thì bị ngâm nước. Nhiều cô giáo đã không cầm được nước mắt. Sau đó, thầy cô đem sách vở, đồ dùng dạy học phơi để tận dụng, cái nào không dùng được nữa mới bỏ. Thiệt hại ước tính của nhà trường hơn 1 tỷ đồng”...

Theo số liệu thống kê ban đầu của tỉnh Quảng Bình, toàn ngành giáo dục Quảng Bình có trên 40.000m² mái nhà lớp học bị tốc mái; gần 600 bộ máy tính và 78 máy chiếu bị hỏng; gần 600 phòng học bị hư hỏng nặng và 11 phòng học bị sập hoàn toàn; hơn 10.500 bộ sách vở; gần 1.200 bộ bàn ghế hư hỏng. Hơn 5.700m hàng rào bị sập; trên 4.700m² cửa kính bị vỡ; hàng ngàn cây xanh bị gãy đổ do mưa bão.

Các cô giáo ở Quảng Trạch, Quảng Bình dành ngày nghỉ lợp lại mái trường để kịp đón học sinh.

Không để học sinh vắng lớp, thiếu chỗ học

Ngay sau bão số 10 vừa tan, Công an tỉnh Quảng Bình cùng với các đơn vị chức năng trên địa bàn đã thành lập hàng trăm tổ, đội về các địa phương giúp dân dựng lại nhà cửa, ổn định cuộc sống sau bão. 

Đặc biệt, đoàn viên thanh niên trong lực lượng Công an đã cùng với thanh niên địa phương và phụ huynh, giáo viên tiến hành lợp lại trường lớp, dọn vệ sinh, đóng mới, sửa chữa bàn ghế để đón học sinh đến trường. Hình ảnh những giáo viên người ướt sũng nước, gồng mình dọn dẹp hậu quả bão lũ để cho học sinh sớm đến trường thật đáng biểu dương, khen ngợi.

Nhiều ngày có mặt tại huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn nơi bị bão gây thiệt hại nặng nề nhất, chúng tôi thực sự xúc động khi thấy nhiều thầy cô giáo quên cả ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật để đến trường quét dọn, phơi sách vở, đồ dùng dạy học. Nhiều thầy giáo nhà bị bão gây thiệt hại chưa kịp sửa nhưng vẫn có mặt ở trường để cùng đoàn viên, thanh niên lợp lại từng lớp học để đón học sinh. 

Cô giáo Phạm Thị Thanh Huệ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quảng Đông, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch quệt nước mắt tâm sự, mặc dù ngôi trường đóng trên địa bàn vùng khó khăn nhưng nhiều năm qua, phụ huynh học sinh và các cô giáo của trường luôn nỗ lực phấn đấu để xây dựng trường chuẩn của mình. Nhưng chỉ trong 2 tháng 2 cơn bão (số 2 và số 10) quét qua, nhiều công trình của trường đã bị bão phá hủy.

Tháng 7-2017, bão số 2 đã làm những công trình xây dựng ngoài trời như sân chơi, vườn cổ tích của nhà trường hư hỏng nặng nề. Các cô giáo đã tận dụng những ngày nghỉ hè để sửa sang lại cho các em vào năm học mới có ngôi trường đẹp hơn, đầy đủ hơn, nhưng vừa khai giảng xong năm học mới được ít ngày thì bão số 10 ập đến, bão đã phá tan hoang các công trình của trường. 

Ngay sau bão, phụ huynh và giáo viên của trường lại nắm chặt tay nhau để nhặt nhạnh lại từng trò chơi con trẻ, từng viên ngói để sửa sang lại trường, không để trẻ vắng trường, vắng lớp lâu ngày. Các trường học đóng trên vùng đất luôn phải gánh chịu mưa bão, lũ lụt, nên các thầy cô giáo nơi vùng đất cát luôn gắng mình khắc phục khó khăn để chăm lo việc lớp, việc trường khi gặp thiên tai. 

Chính nhờ vậy, bão đi qua mới hơn tuần nhưng hiện nay hầu hết các trường, lớp học ở vùng tâm bão Quảng Bình đã đều đã mở cửa trở lại. Trường Tiểu học Quảng Văn, xã Quảng Văn, ở thị xã Ba Đồn là một trong những ngôi trường trong vùng đặc biệt khó khăn, nhưng nhờ sự đồng sức, đồng lòng của phụ huynh học sinh, thầy cô giáo và chính quyền địa phương quyết tâm nên đã xây dựng trường trở thành trường chuẩn quốc gia. 

Công sức hơn 1 năm qua của phụ huynh, giáo viên nơi đây xem như bị bão “cướp” đi chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Nhưng cũng chỉ vài ngày sau bão, tiếng giảng bài của thầy cô, tiếng đọc bài của học sinh đã vang lên trong từng lớp học.

Những thiệt hại do bão số 10 gây ra chưa thể khắc phục ngày một ngày hai, song khi đến nhiều trường học sau bão, bắt gặp những cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục Quảng Bình, chúng tôi đều được gặp sự tự tin và lạc quan của những người làm công tác trồng người ở mảnh đất này. 

Không ai khác, chính sự gắng gượng vượt qua khó khăn, sự tự tin của thầy cô giáo đã sớm xua đi hình ảnh tan hoang ở mỗi ngôi trường. Đi qua mỗi con đường, nghe tiếng đọc bài của con trẻ trong trường, lớp kia, chúng tôi hiểu chính thầy cô giáo đang vượt chính mình để không vắng trường, vắng lớp.

Dương Sông Lam
.
.
.