Gượng dậy sau thương đau

Thứ Ba, 25/12/2007, 08:18
Nhìn những quầng khói hương phảng phất trên di ảnh người phụ nữ trẻ có gương mặt nhân hậu, dịu hiền, ai cũng thấy xót xa về sự ra đi vội vàng, nông nổi của chị. Đó là cô giáo Bùi Thị Bích Hậu - vợ Thiếu úy Nguyễn Quang Ánh, cán bộ y tế Trại giam Thủ Đức, Bộ Công an.

Nguyên do là cả hai vợ chồng cùng phát hiện bị phơi nhiễm HIV nên ngay sau khi đứa con gái đầu lòng ra đời, cả hai người đã nông nổi tìm đến cái chết bằng thuốc ngủ. Kết cục, chị Hậu vĩnh viễn ra đi, còn anh Ánh được đồng đội cứu sống.

Năm 1995, Nguyễn Quang Ánh được điều động về nhận công tác tại Trại giam Thủ Đức (Z30D) thuộc Bộ Công an, sau đó anh được Trại cử đi học lớp trung cấp y ở tỉnh Bình Thuận.

Năm 2001, Ánh được điều động về làm cán bộ y tế tại phân trại 3. Phân trại Ánh phụ trách có gần một nghìn phạm nhân, trong đó có tới 30% phạm nhân có HIV. Số  phạm nhân nhập trại thuộc đủ mọi thành phần như lừa đảo, trộm, cướp, giết người, buôn bán, tổ chức sử dụng chất ma túy… vì thế trong môi trường cải tạo lao động, họ thường nóng nảy và không kiềm chế được hành vi của mình.

Ngoài tai nạn lao động thì những vụ xô xát, ẩu đả dẫn đến sứt đầu mẻ trán cũng không hiếm. Tất cả những ca cấp cứu đều qua bàn tay của Ánh. Nhiều lúc bệnh nhân đưa đến máu chảy ròng ròng, với lương tâm nghề nghiệp, anh lao vào cấp cứu mà quên cả mang găng tay bảo hộ.

Rồi những phạm nhân có HIV chán sống tự hủy hoại thân mình bằng mọi cách kể cả cắt đứt mạch máu để tự tử anh cũng có mặt kịp thời để cứu mạng sống của họ. Anh nhớ nhất vụ phạm nhân Bùi Văn Phú phạm tội tổ chức sử dụng ma túy bị phạt mức án trên 10 năm tù, Phú có HIV nên hắn bất mãn với bệnh tật và thường xuyên quậy phá kể cả tấn công cán bộ trại.

Một hôm Phú chuẩn bị một bô máu mang mầm bệnh HIV của mình và bỏ một hòn đá vào trong bô. Khi Nguyễn Quang Ánh đến khám bệnh cho hắn thì hắn bất ngờ ụp luôn bô máu vào người Ánh. Máu dây từ đầu xuống chân. Biết hắn là tù nhân chán sống, Ánh lặng lẽ đi tắm rửa, và anh cũng không nghĩ rằng căn bệnh nan y sẽ nhiễm vào máu của anh.

Thế rồi công việc hằng ngày với những ca cấp cứu tương tự cứ đều đều trải qua bàn tay nghề nghiệp và sự hăng say công việc của Ánh.

Tháng 11/2003, Ánh lập gia đình với cô giáo cấp II LaGi huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận - Bùi Thị Bích Hậu. Sau đám cưới, Ban giám thị Trại cấp cho cặp vợ chồng trẻ một căn hộ tập thể ngay trong trại. Cuộc sống hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ càng hạnh phúc hơn khi Ánh - Hậu chuẩn bị chờ đón đứa con gái đầu lòng chào đời.

Tạo hoá cũng quá trớ trêu, chính lúc vợ chồng trẻ Ánh - Hậu tràn đầy hạnh phúc thì hiểm họa lại ập lên gia đình này. Hậu  phải sinh mổ và trong lần thử máu, bác sĩ bệnh viện phát hiện chị có HIV. Ánh được mời lên bệnh viện để thử máu hai lần và kết cục là anh cũng bị nhiễm bệnh như vợ.

Ánh sụp đổ trước hung tin ấy. Được sự giải thích động viên của y, bác sĩ bệnh viện và Ban giám thị trại, anh cố trấn tĩnh để chờ vợ sinh. Sau sinh con, Ánh đưa vợ về nhà, cho đến lúc này vợ Ánh vẫn chưa biết gì về thông tin căn bệnh quái ác kia.

Cũng từ lúc đó, mỗi lần nhìn thấy con, thấy vợ là Ánh không kìm lòng được, anh thường bật khóc. Tại sao anh mong ước em sinh cho anh con gái, thế rồi có con gái anh lại buồn? Tại sao anh lảng tránh, không chịu bế con? Tại sao anh và mọi người lại ngăn cản việc em cho con bú? Tại sao anh ít cho em bồng bế con mình? Tại sao anh khóc nhiều đến vậy…?

Linh tính của một cô giáo đã mách bảo cho Hậu một điều không lành đối với chồng con. Trước sự căn vặn của vợ và cũng không thể giấu lòng mình được mãi, anh đã ôm vợ vào lòng và nói cho vợ biết sự thật nghiệt ngã sau 20 ngày dồn nén tâm can.

Cha mẹ nào chấp nhận cho một cô giáo có HIV đứng trên bục giảng dạy dỗ con mình? Ai hiểu được một chiến sĩ Công an có HIV do nghề nghiệp? Sau nhiều đêm đong đầy nước mắt với hàng trăm câu hỏi, trong một lúc quẫn trí, hai vợ chồng Ánh - Hậu cùng nhau uống thuốc ngủ để quyên sinh, bỏ lại đứa con chưa tròn tháng cho gia đình.

Cũng sau phút giây đó, chị Hậu vĩnh viễn ra đi, Ánh được cứu sống sau hơn 2 tháng điều trị tại bệnh viện.

Chính lúc này, Ban giám thị Trại Thủ Đức đã tận tình động viên, thăm hỏi, tạo mọi điều kiện để cán bộ, chiến sĩ cùng các đoàn thể gần gũi tiếp xúc động viên Ánh.

Ban giám thị trại cũng khẳng định rằng, Ánh là một cán bộ mẫn cán trong công việc, lối sống và sinh hoạt nghiêm túc, lành mạnh. Nguyên do nhiễm căn bệnh quái ác trên là do những lần tiếp xúc với phạm nhân có HIV và tiếp tục động viên Ánh.

Dần dần, sự gắn bó, tận tình và chan chứa tình người của lãnh đạo cũng như anh em cán bộ, chiến sĩ của Trại đã giúp Ánh lấy lại được bình tĩnh và dần nhận ra sự bồng bột của mình. Một điều diệu kỳ đã đến với Ánh, sau 18 tháng, bé Nguyễn Bùi Hà An con gái của Ánh được các bác sĩ kết luận là cháu không bị phơi nhiễm HIV.

Lúc này, Ánh như được tiếp thêm nghị lực và anh bắt đầu thèm được sống hơn bao giờ hết. Sau ba năm vật lộn với bệnh tật và vượt lên dư luận, Ánh đã cởi mở hơn.

Ánh còn rút ra kinh nghiệm cho mình và cho mọi bệnh nhân HIV rằng: Không có thuốc gì bằng tinh thần. Thuốc chỉ phụ trợ cho công tác điều trị, tinh thần mới là yếu tố quan trọng nhất. Tinh thần lạc quan giúp mình khoẻ để ổn định bệnh tật.

Trước khi chia tay, Ánh còn nhắc lại với chúng tôi rằng ước nguyện của Ánh là được đi học đại học và nguyện sẽ kéo dài cuộc sống để sống với con và trả nghĩa mọi người. Tôi hiểu Ánh đã đứng dậy được sau một lần chết

Nguyễn Thanh Hải
.
.
.