Góp nhặt hương đời từ bãi rác

Thứ Sáu, 08/12/2006, 14:45

Một ngày lao động của họ bắt đầu từ khi mặt trời vừa ló rạng đến khi mọi người đang chìm sâu vào giấc ngủ của ngày hôm sau. Hơn 300 con người ở bãi rác Khánh Sơn, Đà Nẵng tỉ mẩn nhặt từng bao nilon, từng miếng phế thải góp nhặt chắt chiu trang trải cuộc sống hàng ngày.

Luôn sống trong môi trường độc hại, nhưng trong số họ mấy ai bước chân tới các trung tâm y tế khám bệnh; nói vì nghèo cũng được, vì chủ quan cũng không sai, cuộc sống mà "chậc kệ".

Sống chung mầm bệnh

Bãi rác Khánh Sơn - Đà Nẵng đưa vào sử dụng từ năm 1992. Hơn mười năm tồn tại bãi rác đã quá tải, chiều cao của rác lên tới 30m. Những buổi chiều trời trở gió, mùi xú uế từ bãi rác này đã lan tỏa ra khu vực xung quanh hàng km, chính vì vậy, không ít lần người dân Hòa Khánh Nam nơi đây chặn xe rác không cho vào bãi đổ làm người dân Đà thành sống trong cảnh bịt mũi. Hàng trăm hộ dân sống xa bãi rác không chịu nổi mùi hôi thối từ bãi rác, nhưng mấy ai biết có hơn 300 người dù nắng hay mưa vẫn phải sống ngay trong bãi rác để mưu sinh.

Nhận lời tư vấn từ anh bảo vệ bãi rác Nguyễn Tấn Thi "anh nhất quyết vô bãi rác thì vô buổi chiều, có gió đỡ mùi, chứ người lạ như anh vô chịu không nổi mô". Cả bãi rác rộng mênh mông nơi hàng trăm con người đang lao động như trên một công trường, chỉ có điều đã dùng hai lớp khẩu trang, nhưng mùi "công trường" vẫn làm đồng nghiệp đi với tôi nôn ọe.

Hàng chục túp lều che nắng, mưa được dựng trên bãi rác, được biết đó là chỗ nghỉ trưa qua ngày của những người nhặt rác. Một chiếc xe chở rác tấp vào bãi, hàng chục người quần áo lấm lem chờ sẵn, họ bới, móc từ bao nilon, nhựa phế thải, vỏ bia... mùi hôi bốc lên nồng nặc dưới ánh chiều tà. Trong số họ nhiều người không cần dùng khẩu trang che miệng, không đeo bao tay...

Anh Nguyễn Sanh, một người có thâm niên 5 năm nhặt rác cười đùa với thắc mắc của chúng tôi: "Ở đây mọi người đều tiêm vaccine phòng bệnh rồi, không còn khả năng nghe mùi". Để chứng minh cho lời nói của mình, anh Sanh chỉ về một quán ăn ngay trên bãi rác. Trong căn lều tuềnh toàng, hàng chục con người ngồi quây quần ăn uống bánh mì, cháo lòng ngon lành mặc cho xung quanh ruồi, nhặng bu đen...

Được biết hơn 300 người nhặt rác ở bãi rác Khánh Sơn đều mang cơm đùm, cơm nắm từ sáng sớm, trưa họ nghỉ ăn trưa trong các tấm nilon che tạm ngay trên bãi rác. Chính vì sống chung với ô nhiễm môi trường và mất vệ sinh an toàn thực phẩm nên liên tiếp những người nhặt rác nơi đây đều mắc bệnh về hô hấp, đường ruột, ung thư... Điều đáng buồn vì quá nghèo, lại không có bảo hiểm y tế nên hầu hết những người chúng tôi tiếp xúc trên bãi rác đều chưa một lần can đảm đặt chân tới các trung tâm y tế.

Con đến giảng đường từ bãi rác

Hầu hết những người nhặt rác ở bãi rác Khánh Sơn đều có con đang cắp sách đến trường. Giữa bãi rác mênh mông, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Minh. Hàng ngày chị Minh có mặt ở bãi rác từ 6h sáng đến 12h đêm chị mới về nhà.

Những đồng tiền chắt bót từ bãi rác của chị cùng với người chồng chạy xe ôm, họ tần tảo nuôi năm đứa con ăn học. Đứa con gái đầu của chị Minh mới ngày nào còn theo mẹ lên bãi nhặt rác, nay đã là sinh viên Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Niềm tự hào về đứa con nhà nghèo, học giỏi luôn lắng đọng trong chị, động viên tiếp sức cho chị Minh làm việc hàng ngày.

"Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh" làm gì thì làm miễn rằng có ích cho mình, cho đời thì căng sức mà làm, suy nghĩ chân thành tưởng như giản đơn của những ông bố, bà mẹ chân quê trên bãi rác này thật đáng ghi nhận.

"Nhiều khi nhặt rác đến mặt trời đứng bóng, hay trong đêm khuya, tui thường nghĩ đến con đang ngồi bên bàn học nên tui nghĩ khổ mấy tui cũng mần". Đó là tâm sự của chị Nguyễn Thị Cúc, 10 năm chị nhặt rác mưu sinh nuôi 4 con đến trường, con đầu Nguyễn Thị Trang đang học năm thứ ba Đại học Kinh tế Đà Nẵng.

Bên đống rác cao ngất ngưởng khuất cả tầm nhìn, chị Phan Thị Lan quê Đà Sơn, Hòa Khánh Nam nhỏ những giọt nước mắt thật mủi lòng: Phận gái nuôi con, chồng bỏ khi đứa con vừa quen hơi bố, một mình chị Lan nhặt rác nuôi con. Sáng sớm khi mọi người đang chìm trong giấc ngủ, chị đã thức dậy chuẩn bị đưa con tới trường mầm non, gửi con xong chị bươn chải lên bãi rác. Thương hoàn cảnh neo đơn của chị, vừa qua địa phương ủng hộ giúp chị xây được căn nhà tình thương.

"Phải làm thôi chú ạ, cực thật đó, nhưng mỗi khi nghĩ tới con và căn nhà mà chính quyền quan tâm trao tặng, tui lại ứa nước mắt. Đời mình cực nhưng cũng cố gắng nhặt nhạnh nuôi con ăn học, người mà mình từng má ấp, tay kề phũ phàng bỏ đi, bà con xóm làng không máu mủ thì gắng tay vào giúp mẹ con..." - chị Lan thở dài, ánh mắt chị ngước về phía mặt trời đang dần xuống núi. Hàng ngày chị vẫn nhìn mặt trời như vậy để đoán giờ đón con tan lớp...

Mùi hôi của rác thải lâu ngày thật kinh khủng, nó thâm nhập vào tất cả các giác quan đánh bật chúng tôi vào lều của những chủ thu mua rác thải. Hơn mười chủ thu mua rác thải đóng đô ngay trên bãi rác, với họ việc sống chung với rác là "chuyện thường ngày ở huyện".

Mỗi ngày tăng thêm một xe chở rác là thêm một niềm vui, câu nói đùa của một chủ thu mua nghe thật não lòng

Dương Sông Lam
.
.
.