Gỗ lậu"lách đường"

Thứ Ba, 18/09/2007, 21:06

Tài nguyên động, thực vật quý hiếm rừng đã được cảnh báo đỏ từ lâu. Để bảo vệ động, thực vật rừng thuộc diện nguy cấp, quý hiếm, Chính phủ đã có danh mục phân loại bảo tồn từ hàng chục năm nay. Vậy nhưng, nó vẫn là những loại đang bị săn lùng ráo riết và xuất hiện không ít trên thị trường đồ gỗ nước ta.

Bắt "hổ" ngoài rừng

Các vụ vi phạm lâm luật tháng nào cũng tính bằng hàng nghìn. Con số mới nhất được Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống kê, trong tháng 8/2007, cả nước xảy ra 2.499 vụ vi phạm lâm luật.

Những địa phương liệt vào điểm nóng trước đây, nay vẫn tiếp tục dẫn đầu danh sách số vụ tàn phá rừng: Lâm Đồng 325 vụ, Bình Thuận 207 vụ, Đắk Lắk 127 vụ... Trong số này, kiểm lâm và lực lượng liên quan phát hiện 1.230 vụ vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép, 88 vụ chế biến và 255 vụ khai thác lâm sản trái phép.

Nhìn vào những con số được phát giác này thấy rõ, số gỗ bị phát hiện vi phạm tại nơi chế biến chiếm tỷ lệ rất nhỏ, điều này không đồng nghĩa với gỗ ở xưởng chế biến vi phạm ít. Số vụ phát hiện ngay tại rừng cũng chỉ bằng 1/5 so với số vụ phát hiện trên đường vận chuyển, điểm tập kết.

Nếu nhìn toàn cục trong 8 tháng đầu năm, toàn quốc phát hiện 25.931 vụ vi phạm lâm luật, trong đó 12.675 vụ được phát hiện trong quá trình mua bán, vận chuyển thì chỉ có 197 vụ vi phạm được phát hiện tại xưởng chế biến lâm sản. Vì sao vậy?

Giới chuyên môn cho rằng, cách phổ biến giữ rừng hiện nay vẫn là một "quy trình ngược" khi người ta thực hiện việc chặn bắt trên đường vận chuyển nhiều hơn là giữ cây gỗ để nó khỏi bị đốn hạ nơi nó đang sinh trưởng. Số liệu vụ việc nêu trên đã chứng minh cho "quy trình ngược" đó. Nơi nào rừng bị tàn phá nặng nề nhất. Xin thưa, những điểm nóng ở Lâm Đồng, Bình Thuận, Nghệ An lâu nay vẫn không hề hạ nhiệt, hầu như không bao giờ vắng bóng lâm tặc.

Thật ra, phát hiện lâm tặc ở rừng không khó nhưng để ngăn chặn, bắt giữ lâm tặc ngay tại hang ổ rừng mới thực sự thách đố. Đánh lâm tặc ở ngoài rừng, trên đường vận chuyển là xé lẻ sức mạnh của chúng nên cách này vẫn thường được vận dụng.

Nhận diện những trùm lâm tặc "ném đá giấu tay"

Chúng tôi muốn nhấn mạnh một thủ đoạn mới, mà cái kiểu mới này rõ ràng không thuần tuý lâm tặc theo kiểu cơ bắp mà lâm tặc "trí tuệ": câu kết, ngụy trang ngay tại những nơi ồn ào và lực lượng liên ngành đông nhất, qua mặt hệ thống kiểm soát hiện đại ở ga tàu, bến xe, bến cảng, những kẻ bụng dạ lâm tặc nhưng ngụy trang trong cái áo... chống lâm tặc!

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quy định rất chặt chẽ về đóng búa bài cây và búa kiểm lâm. Quy chế quy định: Nghiêm cấm đóng búa kiểm lâm, búa bài cây không đúng quy định, giao cho người không có thẩm quyền đóng búa.

Nếu căn cứ quy chế này thì hiển nhiên, khi lực lượng chức năng phát hiện số gỗ có dấu búa kiểm lâm là hoàn toàn yên tâm về tính hợp pháp. Thế nhưng, phía sau dấu búa cũng có đủ ngón để lâm tặc lách. Và dĩ nhiên, những dấu búa ấy có bàn tay của chính kiểm lâm - người được giao giữ búa.

Mới đây, lực lượng chống buôn lậu hải quan cho biết đã phát hiện nhiều vụ vi phạm trong xuất khẩu gỗ với "xảo thuật" của chính người giữ rừng: kiểm lâm. Khi tiếp nhận bộ hồ sơ xuất khẩu gỗ, hải quan kiểm tra tính hợp lệ như bản khai lý lịch gỗ có xác nhận của kiểm lâm, bản kê số liệu gỗ, số dấu búa kiểm lâm đóng trên gỗ...

Nhưng căn cứ vào quy trình này, nhiều đối tượng xuất khẩu thừa số gỗ so với khai báo, đưa hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ trộn vào hàng có nguồn gốc, xuất xứ. Lâm tặc móc nối với kiểm lâm để hợp pháp hoá số gỗ lậu khiến số gỗ này đều có dấu búa.

Hiện nay, Luật Hải quan cũng quy định thoáng, cho phép kiểm tra theo xác suất đối với hàng hoá của doanh nghiệp có quá trình thực hiện tốt nhưng quy định thông thoáng này lại tạo kẽ hở để doanh nghiệp "bẩn" lợi dụng.

Điển hình, vụ gỗ giáng hương chất đầy trong 2 container của Công ty TNHH Thành Đạt, có trụ sở ở Đồng Kỵ (Bắc Ninh) qua kiểm tra đều có dấu búa kiểm lâm. Hạt Phúc kiểm lâm sản Tiên Phong, Bắc Ninh xác nhận gỗ có nguồn gốc nhập khẩu từ Lào nhưng qua kiểm tra, hải quan lại xác định đây là số gỗ có xuất xứ từ… rừng Việt Nam?!

Kiểm tra lại dấu búa, thấy rằng dấu búa kiểm lâm cũ do kiểm lâm ở Sơn La đóng đã được phủ kín bằng một lớp sáp dày, thay vào đó là dấu búa của… kiểm lâm Bắc Ninh. Như vậy là cùng một khối gỗ nhưng kiểm lâm Bắc Ninh lại "đè" dấu búa của kiểm lâm Sơn La để "hô biến" số gỗ từ rừng Sơn La thành gỗ từ... Lào!

Có thâm nhập thực tế mới biết rằng, ngoài "lâm tặc dao búa" là lực lượng được coi cửu vạn, thường ngày vẫn lén lút vào rừng đốn gỗ, hiện vẫn tồn tại không ít những lâm tặc nguy hiểm hơn đang khoác áo viên chức. Những đối tượng cầm đầu, thực hiện hành vi "ném đá giấu tay", trục lợi lớn từ rừng mà những đối tượng cửu vạn đốn gỗ ở rừng chỉ là kẻ làm thuê cho chúng.

Không thể phủ nhận những nỗ lực của kiểm lâm nhưng qua các vụ án được khám phá cho thấy, phá rừng quy mô lớn thường có liên quan đến hành vi tiêu cực của chính kiểm lâm. Người ta đặt vấn đề về thực lực và hiệu quả của lực lượng này tại các khu rừng thường xuyên bị tàn phá: kiểm lâm đặt mình chiếu dưới, tránh đụng độ lâm tặc để giữ thân. Một số cán bộ bắt tay, thậm chí xúi lâm tặc phá rừng, thu lợi bất chính từ rừng và họ trở thành lâm tặc giấu mặt, giàu có bất chính từ đây.

Và những mánh cũ nhưng vẫn… đặc dụng!

Tất nhiên, để đạt trình độ làm giả một cách có hệ thống và "trí tuệ" như vậy không phải dễ dàng với lâm tặc, kể cả "lâm tặc cà vạt", "lâm tặc đi xe hơi". Thủ đoạn truyền thống là giấu gỗ trong các vật dụng có thể để chuyên chở dọc đường vẫn không trở nên lạc hậu. Gỗ nhét vào gầm xe khách, nhét vào xe tải, trên che đậy bằng bắp cải, dưa hấu... di chuyển trên các tuyến quốc lộ.

Khi chúng tôi đang thực hiện bài báo này thì nhận được tin Công an tỉnh Quảng Nam bắt giữ một "tập đoàn gỗ lậu" di chuyển trong đêm trên quốc lộ 14B, ngày 9/9/2007, đối tượng giấu trên xe khách 46 phách gỗ quý, toàn bộ đều không có giấy tờ. Qua điều tra, đây chỉ là 1 trong 20 chiếc xe chuyên vận chuyển gỗ lậu vào ban đêm, từ cửa rừng Gia Lai, Kon Tum về Quảng Nam.

Tây Nguyên hiện là địa bàn cực nóng chảy "máu" rừng, hầu hết các loại gỗ quý hiếm bị bắt giữ vừa qua có xuất xứ từ đây như gỗ sưa, trắc, nghiến... Chưa có căn cứ khoa học nào xác định giá trị đích thực của những cây gỗ đáng giá bằng vàng, bán hàng tỷ đồng sẽ được làm gì, nhưng sự đồn thổi đã khiến "máu quý" của rừng chảy càng thảm khốc.

"Máu rừng" tiếp tục chảy âm ỷ, chảy tràn lan ở chốn thị thành khi mà người ta tính trị giá bằng cân, bằng lạng. Ai cũng biết phá rừng là tội ác và hô hào giữ rừng. Nhưng liệu ai từ chối sản phẩm bằng gỗ quý, như bàn ghế, sập, tủ bằng trắc, mun, gụ, hoàng đàn dù biết các sản phẩm ấy có nguồn gốc từ gỗ bất hợp pháp có bàn tay lâm tặc?

Theo danh mục thực vật nguy cấp, quý hiếm ban hành kèm Nghị định 32 của Chính phủ, trong nhóm IA thực vật rừng có 15 loại nghiêm cấm khai thác gồm các loại gỗ quý như hoàng đàn, bách vàng, vân sam Phan Xi Păng, thông Pà Cò, thông đỏ nam, hoàng liên gai, hoàng mộc, mun sọc, sưa, lan kim tuyến…

Nhóm thực vật thuộc danh mục hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại (nhóm IIA) có 37 loại, trong đó có 7 loại thuộc lớp thông, 22 loại lớp mộc lan và 5 loại lớp hành, trong đó có đỉnh tùng, bách xanh, pơ mu, du sam, gõ đỏ, lim xanh, gụ mật, gụ lau, trắc, cẩm lai, giáng hương, gù hương, vàng đăng, hoàng đăng, nghiến...

Đăng Trường - Chí Long
.
.
.