Giúp được người cũng là hạnh phúc

Thứ Tư, 16/04/2008, 10:20
Ở bản Tăng Cô, xã A Túc (huyện Hướng Hoá, Quảng Trị) có một phụ nữ suốt mấy mươi năm nay bằng cả tấm lòng nhân ái, cưu mang, giúp đỡ cho bao cảnh đời bất hạnh. Khi hỏi về việc làm này, chị cười hiền, nói rằng, sống có ích cho người khác đã là hạnh phúc lớn cho mình, kể làm chi! Người phụ nữ ấy được bản làng nơi đây gọi bằng cái tên trìu mến: mẹ Kăn Linh.

Bản Tăng Cô một ngày tháng tư đông vui như hội. Bà con đến nhà mẹ Kăn Linh để nghe mẹ hướng dẫn cách trồng rừng và chăm sóc hàng hécta cây gió trên núi Cóc.

Năm 2007 là năm vui nhất của bà con từ trước đến nay, cả bản thu được hơn 10 tấn thóc và gần 1 tỷ đồng từ cây ăn quả và lâm nghiệp. Niềm vui có được là nhờ công lao của mẹ Kăn Linh, mẹ học được ở cán bộ Biên phòng, học từ đài, báo và trong sách vở, rồi truyền đạt, hướng dẫn lại cho bà con.

Cầm trên tay số tiền 450.000 đồng do mẹ Kăn Linh vận động chị em trong thôn đóng góp, bà Kăn Tha có con bị trọng bệnh đang nằm điều trị ở bệnh viện Khe Sanh (Hướng Hoá) xúc động nói: "Mặc dù giá trị vật chất không lớn, nhưng đây là tấm lòng thơm thảo của mẹ Kăn Linh sau nhiều đêm đến từng gia đình vận động chị em trong hội phụ nữ thôn giúp đỡ". Được biết, trong số tiền đó mẹ Kăn Linh gương mẫu đóng góp 200.000 đồng cùng với gạo, ngô.     

Ông Vỗ Khư, một người dân A Túc tâm sự: "Đối với bà con A Túc, mẹ Kăn Linh không chỉ là ân nhân trong lúc gặp khó khăn, mà mẹ còn là người dẫn đường cho dân bản thoát khỏi sự lạc hậu, xây dựng cuộc sống ổn định như ngày hôm nay. Bên cạnh cương vị Phó Chủ tịch UBND xã A Túc, đại biểu HĐND huyện Hướng Hoá, mẹ còn được nhân dân tin tưởng bầu làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Trưởng ban xoá đói giảm nghèo của xã vì mẹ luôn tận tâm, tận lực với công việc và yêu thương bà con".

Đại gia đình mẹ Kăn Linh.

Những năm 2000, mẹ Kăn Linh đã đứng ra tín chấp để vay vốn giúp nhiều gia đình ở A Túc phát triển sản xuất. Hộ chị Kăn Nôi ở Ca Tăng trước đây thuộc diện nghèo nhất, nhì thôn, nhưng nhờ mẹ Kăn Linh vay vốn một triệu đồng, mua một con dê giống, sau ba năm dê mẹ đã sinh sôi được đàn dê sáu con. Cùng với cây hồ tiêu, cà phê, năm vừa qua, gia đình chị Kăn Nuôi thu nhập được trên 30 triệu đồng.

Một điều đáng trân trọng nữa, cách đây 20 năm, mặc dù kinh tế gia đình còn rất khó khăn, nhưng khi nghe tin ở thôn Ra Hang, xã A Túc (huyện Tù Muồi, nước bạn Lào) có ba đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa, mẹ Kăn Linh đã cơm đùm gạo nắm lặn lội đến nơi để xin về nuôi.

Đứa em út lúc đó mới hai tháng tuổi, hàng ngày chị phải thức dậy sớm để giã gạo, nấu cháo rồi gạn lấy nước cho bé uống. Nhờ sự cưu mang, chở che của chị mà người con trai đầu nay đã khôn lớn, có vợ, con, hiện đang sinh sống sum vầy trong đại gia đình của chị.

Còn cô bé mới hai tháng tuổi ngày nào, giờ đã tốt nghiệp Trường Dân tộc nội trú tỉnh và đang chờ ngày đi học lớp dược sĩ ở thị xã Đông Hà. Khi trên đôi vai còn nặng những lo toan cơm áo cho những đứa trẻ mồ côi ấy, thì mới đây, năm 2004, chị lại tiếp tục dang rộng vòng tay nhân ái, đón hai đứa trẻ mồ côi 6 tuổi và 3 tuổi ở xã Pa Tầng (Hướng Hoá) đem về nuôi.

Dù phải dạy dỗ 4 con đẻ và 5 con nuôi trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng các con của chị đều chăm ngoan và học giỏi. Gia đình chị vừa được Bộ Giáo dục & Đào tạo tặng Bằng khen về gia đình hiếu học tiêu biểu

Phan Thanh Bình
.
.
.