Giữa trùng khơi càng quyết tâm giữ biển

Thứ Ba, 31/01/2012, 15:03

Hơn 22 năm kể từ ngày nhà giàn DK1 đầu tiên được xây dựng, các thế hệ lính Hải quân tiếp bước nhau vượt qua gian khó, quyết tâm bảo vệ chủ quyền Tổ quốc giữa trùng khơi. Dẫu còn nhiều thách thức và thiệt thòi mà những người lính Hải quân thường xuyên phải đối diện, nhưng phía sau sự hi sinh thầm lặng của các anh luôn có sự quan tâm đặc biệt của đồng đội, gia đình và hậu phương. Ngoài tình yêu Tổ quốc thì phần thưởng lớn nhất cho các anh còn là những người mẹ suốt đời vì con, những người vợ hết lòng yêu chồng và những đứa con học giỏi, hiếu thảo. Niềm tin ấy giúp các anh vượt hiểm nguy để quyết tâm giữ biển.

Nhận thấy nhiệm vụ chính trị thiêng liêng của việc bảo vệ Tổ quốc trên biển trong tình hình mới, bảo vệ khai thác tài nguyên nơi thềm lục địa, trước năm 1989, Tư lệnh Hải quân, Đô đốc Giáp Văn Cương đã đề xuất với Bộ Quốc phòng và Chính phủ cho khảo sát, xây dựng các nhà nổi trên các bãi san hô ngầm từ Bãi cạn Ba Kè đến Bãi cạn Cà Mau. Thời điểm đó, rất ít người biết Tư lệnh Giáp Văn Cương chỉ còn 1/3 dạ dày sau ca mổ năm 1980, nhưng ông vẫn thường xuyên ăn, ngủ với biển chỉ với mong muốn sớm nhìn thấy thành quả do mình khởi xướng.

Ngày 10/6/1989 nhà giàn đầu tiên mang phiên hiệu Phúc Tần mọc lên trên biển Đông với tư cách là cột mốc chủ quyền quốc gia đặc biệt trên biển. Mùa đông năm 1990, do mắc bệnh hiểm nghèo nên Tư lệnh Giáp Văn Cương đã mất tại Bệnh viện Quân y 108 Hà Nội. Tiếp bước vị Tư lệnh Hải quân tài ba, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân đã khắc phục mọi khó khăn, bám trụ ở nơi đầu sóng, ngọn gió vì chủ quyền biển đảo.

Trung tá Nguyễn Thế Dĩnh, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1 có nhiều năm sống tại các nhà giàn. Anh kể với chúng tôi, khi nhận nhiệm vụ ra chốt giữ nhà giàn DK1, chưa ai hình dung được cuộc sống trên những nhà giàn giữa biển sẽ như thế nào. Chỉ biết rằng, ra nhà giàn DK1 ngày ấy sẽ đối diện với nhiều khó khăn, hiểm nguy và chưa ai dám chắc ngày về. Thế nhưng thật lạ là anh em rất lạc quan và vui vẻ. Tinh thần ấy xuất phát từ tình yêu Tổ quốc và biển đảo. Nhà giàn ngày ấy nhỏ và thấp. Vậy nên anh em thường xuyên phải ăn, ngủ cùng nước biển nên sức khỏe nhiều khi không được đảm bảo. Nước ngọt, rau xanh và thực phẩm tươi bấy giờ chỉ đủ cho mỗi người vài lít một ngày. Điện, đài, tivi là những thứ xa xỉ lắm! Vậy nhưng bằng tinh thần và sức mạnh của tuổi trẻ, anh em luôn vững vàng vượt qua.

Tư lệnh, Đô đốc Hải quân Giáp Văn Cương với cán bộ, chiến sĩ nhà giàn Ba Kè ngày mới thành lập.

Vào những năm 1990, 1996, 1999, 2000, do sự khắc nghiệt của thiên nhiên và sự tàn phá khủng khiếp của bão tố đã làm đổ một số nhà giàn DK1. Từ trong gian khổ và thời khắc quyết liệt của sự sống- còn, cán bộ, chiến sĩ trên các nhà giàn DK1 đã thể hiện rõ lòng trung thành với Tổ quốc. Khi nhà giàn đổ, Thượng úy Trần Hữu Quảng, Phó Chính trị nhà giàn DK1/3 Phúc Tần đã cùng đồng đội bơi nhiều ngày trên biển. Trong lúc sóng to, gió lớn, anh đã nhường chiếc ao phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng cho người đồng đội yếu nhất để rồi thanh thản ra đi vào cõi vĩnh hằng. Trước sự hung dữ của biển cả (cơn bão số 8 năm 1999), Đại úy Vũ Quang Chương, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/6 Phúc Nguyên đã bình tĩnh chỉ huy anh em xuống tàu trở về đất liền an toàn. Còn anh và đảng viên Nguyễn Văn An có nhiệm vụ thu tài liệu, cuốn lá cờ Tổ quốc vào lòng và dời nhà giàn cuối cùng. Nhưng bão tố, phong ba trên biển đã cướp đi tính mạng của các anh…

Hơn 22 năm qua, đến nay thế hệ những người lính DK1 đầu tiên vẫn tại ngũ. Có đồng chí được bổ nhiệm giữ trọng trách tại các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân. Có đồng chí được bổ nhiệm giữ trọng trách của Tiểu đoàn DK1. Có đồng chí đang ngày đêm làm nhiệm vụ tại các nhà giàn DK1giữa biển khơi. Nhưng nguồn động viên lớn nhất của các anh chính là những đứa con học giỏi và hiếu thảo.

Trong số các điển hình của cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp có thể kể đến Thiếu tá Phạm Văn Kiện, làm việc tại nhà giàn DK1/19 đã có 26 năm công tác trong quân ngũ và 17 năm liên tục làm việc tại các nhà giàn DK1. Niềm vui lớn của anh trong năm 2011 chính là việc con gái đầu Phạm Thị Thu Hằng thi đỗ vào trường Đại học Ngoại thương Hà Nội với điểm rất cao. Con trai thứ hai của anh là Phạm Hồng Sơn liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi và nằm trong đội tuyển toán của Trường THCS An Viên (huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên).

Đồng đội của Thiếu tá Phạm Văn Kiện là Trung tá Dương Văn Minh, Tiểu đoàn DK1 có con gái đầu Dương Thị Hồng, thi đỗ trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh với điểm rất cao, được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao học bổng. Ngoài cháu Hồng, anh Minh còn có hai người con nữa Dương Văn Khánh và Dương Thị  Huyền Trang cũng đang học đại học tại TP Hồ Chí Minh.

Và cuộc sống của người lính nhà giàn DK1 hôm nay.

Những niềm vui ấy lại phải chia sẻ những thiệt thòi mà các anh phải gánh chịu: Nhiều người do làm việc ở xa đất liền không về được lo tang lễ khi cha, mẹ họ qua đời. Rồi đến việc vợ sinh con các anh không có mặt cũng là chuyện bình thường. Có trường hợp ở trong đất liền gia đình đã định ngày cưới cho anh em và phát thiệp mời họ hàng, bạn bè đến dự lễ cưới, nhưng cuối cùng chú rể lại không thể về được do nhiệm vụ cần phải tiếp tục ở lại. Đó là những thiệt thòi lớn. Còn chuyện lính Hải quân làm nhiệm vụ ở các nhà giàn DK1 lấy vợ muộn, lính Hải quân làm nhiệm vụ ở nhà giàn DK1 nhiều tuổi mà không có bạn gái… cũng là chuyện thường.

Nói đến đây, tôi lại nhớ lời Trung tá Phạm Đăng Dinh, Phó Chủ nhiệm Hậu cần Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân khi anh cùng chúng tôi trên tàu HQ.624 đi chúc Tết anh em ở các nhà giàn DK1: Những lúc đi biển dài ngày, ngồi trên tàu đã thả neo chỉ thấy trên là trời, dưới là biển cả mênh mông sao thấy nhớ nhà vô cùng. Dẫu lúc đó chẳng ai nói với ai điều gì nhưng trong thâm tâm ai cũng nghĩ, giờ này vợ, con và người thân mình đang làm gì. Và những lúc có việc cần có bàn tay của người đàn ông trong nhà thì ai sẽ thay mình gánh vác?. Nghĩ là vậy thôi, nhưng mình vẫn biết đồng đội và hậu phương luôn mong muốn mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Nguyễn Hưng
.
.
.