Giữ rừng bằng hương ước

Thứ Ba, 02/04/2019, 10:43
Hằng năm, thôn Đông Dương, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng, Quảng Trị đều bầu ra một ban bảo vệ rừng. Ban này làm việc theo hương ước của thôn đã đề ra từ nhiều năm trước đó. Cùng với công tác tuần tra bảo vệ, xử lý khi rừng bị xâm hại theo hương ước, ý thức về bảo vệ môi trường sống của người dân nơi đây cũng luôn được đặt lên hàng đầu.


Ông Nguyễn Kim Khánh, Trưởng làng Đông Dương chia sẻ: Hương ước được xây dựng dựa trên một số điều luật có liên quan của Nhà nước, như Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng… Đặc biệt, có sự quy định, lồng ghép ý thức, trách nhiệm của người dân địa phương đối với việc bảo vệ môi trường sống xung quanh nói chung và việc bảo vệ rừng trên địa bàn nói riêng.

Chẳng hạn, bên cạnh quy định cấm xâm hại rừng dưới bất kỳ hình thức, hoạt động nào, mỗi người dân đều có trách nhiệm chung là bảo vệ rừng, tố giác đối tượng, hoạt động xâm hại rừng với ban bảo vệ rừng hoặc chính quyền, ban ngành chức năng sở tại. Bất kỳ ai vi phạm quy định này đều bị xử lý mức tương đương với hành vi xâm hại rừng...  

Dẫn chúng tôi đi dưới tán cây rừng lâu năm, xanh tốt, nhiều cây to 3-4 người ôm, ông Khánh nói giọng đầy tự hào: Đây quả thật là tài sản rất to lớn, nó không phải bằng tiền bạc, vật chất khác, mà là nguồn sống quý giá vô cùng của con người. Rừng che chắn cho chúng ta khỏi sự tàn phá của thiên tai; rừng là lá phổi khổng lồ giúp lọc và cung cấp cho chúng ta nguồn không khí trong lành; rừng còn có tác dụng giữ đất, giữ nước, là những thứ cần thiết tối thiểu nhất cho sự sống của vạn vật xung quanh… Giữ rừng, vì thế là giữ cho nguồn sống được trường tồn và phát triển. Bao năm qua, người dân làng Đông Dương chúng tôi đã thấy được rất rõ những lợi ích to lớn này!

Ông Khánh bên một cây rừng bị bệnh được người dân điều trị và chăm sóc bằng cách bôi thuốc và bó chiếu quanh thân. 

Nhìn cánh rừng nguyên sinh rộng hơn 6ha, với nhiều cây gỗ quý và hơn 100 loại cây thuốc nam ở đây, không mấy ai nghĩ rằng những hình ảnh này lại thuộc về một làng quê trên vùng cát bãi ngang Hải Lăng, Quảng Trị. Len lỏi giữa rừng là những khe nước nhỏ miệt mài đổ về 2 đầm nước lớn của làng Đông Dương.

Anh Phan Văn Mười, một người nông dân ở làng này bộc bạch: Bà con ở làng với tổng cộng hơn 200 hộ dân đều được hưởng lợi từ rừng rất nhiều. Đơn cử, gia đình tôi chỉ có 0,5ha đất cát, nhưng với việc trồng rau màu và cây mướp đắng, mỗi năm cũng có thu nhập gần 100 triệu đồng.

Lực lượng Kiểm lâm tham gia kiểm tra rừng do người dân làng Đông Dương tự quản lý, bảo vệ.

Chia sẻ thêm về câu chuyện bảo vệ rừng ở làng Đông Dương, ông Trần Văn Tí, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị phấn khởi, nói rằng chính quyền và ngành chức năng liên quan đã nhiều lần tổ chức biểu dương, tuyên truyền, nhân rộng ý thức, trách nhiệm cũng như phương pháp quản lý, bảo vệ rừng bằng chính hương ước của người dân rất hay ở đây.

Rõ ràng, từ sự nhận thức, cũng như tinh thần và trách nhiệm này, người dân không chỉ bảo vệ được rừng một cách tốt nhất, mà còn có được rất nhiều lợi ích to lớn do rừng mang lại…

Thanh Bình
.
.
.