Gieo tình yêu trên đất cằn

Thứ Bảy, 10/09/2005, 07:55

Họ - một nghệ sỹ già, một thợ may đã về hưu và những em bé mà ngay từ nhỏ, nỗi ám ảnh bệnh tật, miếng cơm manh áo đã lấn át tiếng cười trẻ thơ... lại gặp nhau trong một CLB nghệ thuật. Họ đang cùng nhau chứng minh, mầm sống vẫn đâm chồi nảy lộc ngay trên những mảnh đất cằn cỗi nhất.

Cứ đến ngày chủ nhật, người nghệ sỹ già đáp một chuyến xe bus, người thợ may già đi trên chiếc xe đạp cũ, các em bỏ lại sau lưng một tuần bươn chải kiếm sống để cùng nhau học hát, học múa, học vẽ, học diễn kịch.

Tình yêu trẻ và lòng kiên nhẫn

Khi còn phụ trách mảng sân khấu thiếu nhi ở Nhà hát Tuổi trẻ, nữ đạo diễn Phan Phúc đã thấy những đứa trẻ khuyết tật hầu như không được đi xem các chương trình nghệ thuật. Trẻ nhà nghèo thì phải lăn lưng kiếm sống. Chị Phan Phúc đã đến với các em khuyết tật bằng tấm lòng của một người yêu trẻ, nhưng cách thể hiện tình yêu của chị lại mang cá tính riêng của người nghệ sỹ. Chị muốn các em vượt qua mặc cảm bản thân và biết hướng tới cái Đẹp.

Đầu tiên, được tổ chức nhân đạo CRS của Mỹ hỗ trợ, chị Phan Phúc đã tự viết giáo trình giảng dạy nghệ thuật cho trẻ em khuyết tật ở Trường Tiểu học Trung Tự, Hà Nội. Sau đó, CLB văn nghệ trẻ em khuyết tật do chị cùng nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Duy Thắng và Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Tự đứng ra phụ trách đã bắt đầu hoạt động từ năm 1997 với hơn 30 em. Chị liên lạc với những mối quan hệ cũ ở Nhà hát Tuổi trẻ, mời những nghệ sỹ có tấm lòng đến giảng dạy các bộ môn múa, hát, kịch, vẽ, nhiếp ảnh, tiếng Việt, tiếng Anh... và cả nghề may, nghề thủ công... mà không có thù lao.

Thầy Khiêu, "mẹ" Phúc bằng lòng với bữa mì tôm để dạy các em.

Dần dần lớp học có đầy đủ mỗi bộ môn 2-3 giáo viên là các nghệ sỹ, có người đã về hưu. Người nhiều tuổi nhất là thầy dạy nghề may Đỗ Viết Khiêu, tuy đã 72 tuổi nhưng thầy vẫn đạp xe đến CLB. Tất cả đều phải có lòng yêu trẻ, kiên nhẫn và luôn mày mò tìm cách truyền đạt riêng cho các em.

Mỗi em vào đây là một số phận, một dạng tật khác nhau như khiếm thị, khiếm thính, thiểu năng trí tuệ... Nhưng điểm chung của tất cả các em là rất nhút nhát, mặc cảm, chỉ riêng việc giúp các em hòa nhập được với nhau đã khó. Để dung hòa tất cả số phận ấy trong một mái nhà chung, chị Phan Phúc và các thầy cô phải lựa từng em để tâm sự, chỉ bảo. Chị dạy các em phải biết thông cảm với nhau vì "Chúng ta chỉ có quyền chia sẻ chứ không có quyền phê phán người khác" và muốn cộng đồng tôn trọng người khuyết tật thì bản thân các em phải tự hòa nhập và ứng xử lịch sự với mọi người.

Cảm hóa bằng văn nghệ

Khó có thể tưởng tượng chàng trai 20 tuổi đẹp trai, cao tới 1m70 Nguyễn Đức Cương lại là người chậm phát triển trí tuệ. Khi còn bế cắp nách, Cương bị ngã mạnh, phải khâu 8 mũi ở trán nên trí tuệ kém phát triển. Hồi mới vào CLB, Cương tuy "lớn xác" nhưng rất nhút nhát, ai động vào người là khóc ầm lên. Bây giờ, Cương có cách trò chuyện rất hồn nhiên và khá lém lỉnh, mặc dù việc học thuộc một bài hát với em là khá vất vả.

Đối với chị Phan Phúc, điều đầu tiên chị muốn các em học là cách ứng xử, nếp sinh hoạt của một người biết yêu cuộc sống rồi mới học nghề, học nghệ thuật. Mặc dù CLB còn rất nhiều thiếu thốn, trang phục biểu diễn chỉ có một ít được mua sẵn từ tiền quỹ, còn lại do các em tự cắt may hoặc thậm chí các thầy cô phải đi xin áo người lớn về cắt thành áo cho các em, nhưng tất cả đều đẹp. Chị Phúc kể: "Có lần đi biểu diễn ở các tỉnh, có người còn tưởng các em là người mẫu, diễn viên". Chị dạy các em biết tự hào và làm đẹp cho bản thân với sự say mê của người nghệ sỹ và tấm lòng của người mẹ.

Tự lúc nào, các em đã gọi chị là “mẹ”, biết tập theo chị những động tác thể hình để tạo sự cân đối cho cơ thể và che giấu khiếm khuyết. Với các em gái, chị dạy các em cách trang điểm. Thậm chí, chị dạy cả khiêu vũ để các em biết ứng xử linh hoạt ở những cuộc hội hè đông người. Tiếng như vậy nhưng chị không hề lựa chọn những em có biểu hiện năng khiếu vào CLB. Chị nói, chúng tôi không có ý định thành lập một đội văn nghệ, chúng tôi chỉ cảm hoá các em bằng văn nghệ.

Một đứa trẻ biết tự đi đến trường học là chuyện hết sức bình thường, nhưng có đến đây, tiếp xúc với các em mới thấy, việc các em biết đạp xe đến CLB, nói cười khi gặp người lạ và biết hát vài câu nghêu ngao mỗi khi thấy yêu đời là cả một kỳ tích. Hiện em nhỏ nhất trong CLB mới 8 tuổi, nhiều em như Cương đã trưởng thành, hàng ngày đi làm nghề chụp ảnh, thợ may... nhưng cứ đến ngày chủ nhật, tất cả vẫn đến CLB tập hát, tập kịch... như một nhu cầu không thể thiếu.

Từ năm 2002, CLB văn nghệ trẻ em khuyết tật đã tự hoạt động bằng nguồn thu từ việc biểu diễn và xin tài trợ. Tất cả khoản tiền chi tiêu từ mua đàn piano, máy khâu, máy photocoppy đến bếp điện, bát đĩa... cho các em sinh hoạt đều phải chắt bóp. Chị Phan Phúc cho biết: "Nếu CLB có thêm nhiều em được hạnh phúc có nghĩa là sẽ có thêm nhiều gia đình hạnh phúc và xã hội bớt đi những gánh nặng. Nhưng một trong những lý do khiến CLB chưa chiêu sinh thêm được là thiếu kinh phí". Muốn được như vậy, cần lắm những tấm lòng thơm thảo

Thanh Loan
.
.
.