Gieo tình, gặt nghĩa

Thứ Tư, 22/10/2008, 09:25
Trở về sau chiến tranh, anh Trần Huy Liệu, thương binh 2/4 ở Mai Sơn 1, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn, Ninh Bình, âm thầm lặng lẽ yêu thương, chăm sóc người vợ bệnh tật, một tay nuôi dưỡng 3 con thành tài.

Sinh năm 1949 ở một làng quê nghèo giàu truyền thống cách mạng, 18 tuổi, anh Trần Huy Liệu lên đường nhập ngũ, vào chiến đấu tại chiến trường miền Nam, thuộc Tiểu đoàn 2, binh chủng đặc công tỉnh Thủ Dầu Một cũ (nay là tỉnh Bình Dương).

Năm 1975, trong trận đánh phục kích ở QL14 (Bình Dương), anh bị thương rất nặng: Gãy xương đùi, vỡ gót chân trái mê man, đồng đội chuẩn bị mai táng thì anh sống lại. Qua 6 lần phẫu thuật, chân trái của anh bị cắt 7 phân, 6 mảnh đạn vẫn nằm trong đùi, do cơ bị cứng nên nó chỉ như 1 cái chân gỗ.

Năm 1978 xuất ngũ với giấy chứng nhận thương binh hạng 2/4, anh được chuyển về miền Bắc điều trị, sau đó vào làm việc ở trại thương binh 3 Đồi Bích - Gia Viễn, Ninh Bình. Ở đây anh gặp và kết hôn với chị Bùi Thị Nghĩ (SN 1950, Gia Xuân, Gia Viễn). Cuộc sống ban đầu của 2 vợ chồng trẻ chỉ với hai bàn tay trắng, 4 năm liền ba đứa con (hai gái, một trai) ra đời làm cuộc sống càng thêm khó khăn, nheo nhóc.

Vợ chồng anh dựng một túp lều ở gần chợ rồi mua máy khâu để làm may. Anh phải thường xuyên ngủ trên bàn cắt quần áo, nhà có mỗi chiếc giường để dành cho vợ và các con. Những năm 1980 - 1981, anh bàn với vợ vay mượn mua máy xát, máy nghiền về chạy, vài năm sau lại đầu tư thêm máy làm giò, chả, cứ thế vợ chồng con cái đỡ đần nhau.

Anh Liệu là người đầu tiên ở Mai Sơn 1 dám thử mình với những việc làm táo bạo ấy. Thời gian sau anh còn ra tận Bình Lục (Hà Nam) học nghề nuôi lợn nái, lợn thịt. Vợ anh mở một quán nhỏ bán quà vặt, trồng cấy, chăn nuôi. Với đủ thứ nghề, lay lắt lắm rồi cũng khá lên.

Giai đoạn cơ hàn nhất đã qua, không còn phải chạy ăn từng bữa nữa. Năm 1986, dành dụm mãi anh chị cũng mua được căn nhà nhỏ trú mưa, trú nắng. Với anh Liệu, chị Nghĩ như chiếc cầu vồng sau cơn mưa, người phụ nữ khỏe mạnh, nhân hậu này sẵn sàng ở bên anh, cùng anh gánh vác chuyện gia đình. Vậy mà chẳng được bao lâu, năm 1990, chị bắt đầu phát bệnh sỏi mật.

Một năm sau, bệnh càng trầm trọng hơn, bị sỏi cả trong gan, chị phải chịu đựng những cơn đau dữ dội. Anh Liệu phải chạy vạy khắp nơi chạy chữa cho chị, lại còn phải quán xuyến việc làm ăn, lo cho 3 con nhỏ dại. Ngày ấy, các con anh suýt phải bỏ học giữa chừng.

Năm 2004, hơn 1 tháng chị Nghĩ phải mổ hai lần ở Bệnh viện Việt Đức. Số tiền lên đến trên 100 triệu đồng. Hai năm sau chị thoát chết trong gang tấc khi phẫu thuật nội soi ở Viện 103. Năm 2007, cả gia đình con cháu tề tựu đông đủ chuẩn bị đón Tết và mừng chị khỏe lại thì đùng một cái, 29 Tết chị lên cơn đau, cả nhà thêm một phen kinh hãi.

Ba lần sinh nở, trải qua bao vất vả của cuộc sống mưu sinh, lại thêm bệnh tật hành hạ, với mười lần lên bàn mổ (từ 1991 - 2007), sức khỏe chị Nghĩ rất yếu, đi lại khó khăn lại bị nặng tai và thêm chứng rối loạn tiền đình, nhưng anh Liệu vẫn dịu dàng chăm sóc và luôn ở bên chị. Vẫn những bước đi tập tễnh, ngày ngày người ta thấy anh Liệu tất tả ngược xuôi, hết ở bệnh viện thăm vợ lại làm việc nhà, hết đồng áng lại chạy máy xay xát, máy làm giò chả chắt chiu từng đồng, nhịn ăn nhịn mặc cho các con ăn học.

Ba đứa con của anh đều rất chăm ngoan, học giỏi, mẹ ốm, đi học về mấy chị em xúm lại giúp bố làm việc nhà, bảo nhau học tập. Và rồi sự cố gắng của anh đã được đền đáp. Ba đứa con đều đỗ đại học. Cháu Trần Thị Bích Liên là sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG - Hà Nội, cháu Trần Thị Bích Loan đỗ 2 trường Ngoại ngữ quốc gia và ĐH Kinh tế, cháu Trần Mạnh Đạt trúng tuyển vào ĐH Bách khoa.

 Hiện các con anh đều có việc làm ổn định, cháu Liên là giảng viên Trường ĐH Dân lập Hải Phòng, cháu Loan là giáo viên một trường THPT quận Cầu Giấy, Hà Nội, cháu Đạt làm tại Ngân hàng Cần Thơ. Hai cô con gái đã lập gia đình và có những đứa con xinh xắn, giờ đỡ đần kinh tế cho bố mẹ phần nào.

Những năm qua, anh Liệu liên tục được bầu đi dự đại hội gia đình hiếu học cấp huyện, tỉnh và là đại biểu tiêu biểu về dự lễ kỷ niệm ngày 27/7 cấp tỉnh năm 2007, 2008. Gần đây sức khỏe của anh yếu dần do vết thương cũ tái phát và bệnh huyết áp cao, nhưng anh vẫn tích cực giúp đỡ bà con phát triển kinh tế, tham gia công tác xã hội.

Gần nửa đời người anh Trần Huy Liệu đã cống hiến cho Tổ quốc, trở về đời thường anh đã sống một cuộc đời đáng sống và có ý nghĩa

Đinh Thị Xuân
.
.
.