Gieo con chữ nơi đỉnh Tây Côn Lĩnh

Thứ Bảy, 16/09/2017, 08:59
Bằng tình yêu nghề, thương trẻ, vượt qua những khó khăn về cơ sở vật chất, tất cả các thầy, cô giáo từ miền xuôi lên giờ đã thích nghi, ở lại làm giáo viên cắm bản tại đỉnh Tây Côn Lĩnh…

Cách UBND xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang hơn 9km, nhưng từ đây để đến được điểm Trường mầm non và tiểu học Chúng Phùng (thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Túng Sán) cao nhất, xa nhất này chúng tôi phải di chuyển nhờ bằng xe máy của người bản địa và vượt qua đoạn đường đất cheo leo một bên núi, một bên vực trong suốt hơn một giờ đồng hồ. Nơi đây, điện lưới còn chưa về tới hết các điểm bản. 

Điểm trường Chúng Phùng hiện nằm cheo leo nơi đỉnh Tây Côn Lĩnh. Muôn vàn khó khăn đang bủa vây nhưng chẳng thể cản được quyết tâm ngày đêm “gieo chữ” chốn thâm sơn cùng cốc này của các thầy, cô giáo cắm bản.

Có lên đến đây, giữa đại ngàn heo hút mây trời này mới cảm nhận được sự cống hiến của các thầy, cô giáo cắm bản thật cao cả. Điểm trường Chúng Phùng nằm chênh vênh trên đỉnh núi, cách điểm trường chính hơn 9km với quãng đường dựng đứng, một bên vách, một bên vực. Lớp học tại đây được che chắn bởi nhiều tấm gỗ. Mỗi phòng chỉ rộng chưa đầy 6m², mùa đông gió lùa qua các khe hở hun hút thổi lạnh tím tái. 

Cô giáo Phạm Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Túng Sán chia sẻ, điểm Trường Tiểu học Chúng Phùng hiện có 33 em học sinh (tất cả đều là con em người dân tộc Mông) với 3 thầy giáo cắm bản từ miền xuôi lên; bên cạnh có một lớp mầm non với 26 em học sinh và 2 cô giáo. 

Tại đây, nguồn nước sử dụng khá thất thường, đời sống sinh hoạt còn nhiều khó khăn, các hộ dân thuộc diện nghèo chiếm đa số. Bằng tình yêu nghề, thương trẻ, vượt qua những khó khăn về cơ sở vật chất, tất cả các thầy, cô giáo giờ đã thích nghi, ở lại làm giáo viên cắm bản…

Một buổi lên lớp dạy học sinh vùng cao của thầy giáo điểm trường Chúng Phùng.

Chỉ vào chiếc máy phát điện được cất giữ cẩn thận tại góc phòng, món quà mà điểm trường mới được Đoàn thiện nguyện “Vì cuộc sống bình yên” – gồm các cán bộ, chiến sĩ Công an vận động được từ các nhà hảo tâm đến tặng, cô Hương chia sẻ: “Từ ngày có chiếc máy phát điện, bà con phấn khởi lắm. Nguồn điện tuy không phải lúc nào cũng được thắp lên, người dân chỉ sử dụng vào các buổi họp, buổi tối sinh hoạt văn hóa, hay giao lưu văn nghệ của thôn nhưng như vậy thôi cũng đủ thấy giá trị rất thiết thực cả về vật chất lẫn tinh thần rồi. Một khoảng thời gian ánh sáng bừng lên trong các đêm tối nhưng là điều gì đó rất xa xỉ của người dân nơi đây từ lâu vẫn mơ ước. Các bạn phải chứng kiến tối ngày đầu tiên chúng tôi chạy máy phát, người dân quây chật kín bên cạnh, các em nhỏ ngơ ngác nhìn lên chiếc bóng đèn mới tỏ trong sự tò mò đến tội…”.

Vừa trở về với đống hàng hóa lỉnh kỉnh, thầy giáo Đinh Văn Viễn, giáo viên lớp 1 cho biết, ở đây chỉ có một ngày duy nhất họp phiên chợ vào thứ ba, vậy nên anh phải dậy từ sớm ra chợ mua lương thực đủ cho mọi người sử dụng cả tuần. Nói xong, anh lại vội vàng cất hàng hóa để lên lớp cho kịp. 

“Những năm qua, được sự quan tâm của các ban, ngành, các Mạnh Thường Quân nên điều kiện học tập của các em học sinh cũng khá lên rất nhiều. Hiện sách, vở, bút, học phí đã không phải lo nữa nên việc bỏ học cũng đã giảm đi nhiều. Ngoài ra, với những món quà từ các tổ chức từ thiện rất thiết thực như quần áo, dép, ủng nên dù mưa, nắng các em vẫn chăm chỉ đi học đủ, không bỏ học…” – thầy Viễn tâm sự.

Tại căn phòng học chừng hơn sáu mét vuông gần đó, thầy giáo Tạ Minh Thanh, một trong những giáo viên tiểu học có thâm niên “cắm bản” đang dạy các em tập đọc. Hai mươi bảy năm trong nghề, hầu như chưa một điểm trường nào anh chưa đặt chân tới. Gắn bó lâu, những kỷ niệm vui, buồn với dân bản trong anh nhiều không kể xiết. 

Nhờ gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều đồng bào nên khả năng nói tiếng dân tộc của anh cũng khá tốt, tất cả những trường hợp bỏ học, ngay khi có ý định đều được anh tới tận nhà động viên kịp thời. Có những chuyến anh leo bộ hơn một giờ mới tới nhà học sinh, hiểu văn hóa người bản xứ nên khi được gia đình mời cơm, coi như khách quý, anh vui vẻ nhận lời. 

Anh bảo: “Các thầy cắm bản như mình đều hiểu và biết tiếng một số dân tộc ở đây. Điều này quan trọng lắm, vì chỉ khi hiểu văn hóa dân tộc thì lúc tìm đến động viên con em họ tới trường mới hiệu quả và cũng không làm phật ý bà con. Vào mỗi dịp vụ mùa thu hoạch thảo quả, do gia đình bận rộn nên các em hay bỏ học để phụ giúp. Đó cũng là thời điểm các thầy giáo như bọn mình năng xuống bản nhiều hơn, vừa giúp bà con lại động viên để các em tới trường, bài học không bị chậm lại… 

Ở đây, sáng nào các em học sinh đến trường cũng chuẩn bị sẵn nắm cơm để dùng vào bữa trưa. Nhiều em mang theo chỉ có cơm trắng không, thấy thương lắm. Vào mùa mưa, con đường đất vừa gồ ghề, dốc lại thêm trơn trượt, học sinh đi học rất vất vả. Có những hôm chiều tối mưa to quá, thầy trò chẳng về được đành thổi cơm ăn, ngủ luôn tại lớp học…”.

Chúng tôi chia tay các thầy cô giáo điểm trường Chúng Phùng cũng là lúc mặt trời khuất sau đỉnh Tây Côn Lĩnh. Nhìn các em học sinh người Mông hân hoan rảo bước trở về nhà sau một ngày lên lớp “nuôi” con chữ, chúng tôi chợt nhớ đến những bộc bạch, mong ước của các em học sinh nơi đây. Hi vọng, với sự dìu dắt bằng tất cả tình yêu thương, những mơ ước của các em sẽ sớm thành hiện thực…

Xuân Trường
.
.
.