Gian nan cai nghiện ở vùng biên

Thứ Hai, 10/12/2007, 09:00
Thống kê của Bộ đội Biên phòng Sơn La cho thấy: Tệ nạn sử dụng trái phép chất ma túy đang là vấn đề nhức nhối tại khu vực biên giới tỉnh Sơn La. Hiện tỉnh Sơn La có 19 xã biên giới, mà có tới 1.930 đối tượng nghiện ma túy.

Mẹ già mang rau đến góp cho con cai nghiện

Chúng tôi về Sơn La vào đúng trung tuần tháng 11. Câu chuyện về việc cai nghiện cho đồng bào vùng giáp biên, chuyện triệt phá diện tích tái trồng cây thuốc phiện ở vùng biên giới hôm nay rôm rả, sôi nổi trong cái rét se sắt cuối năm.

Thống kê của Bộ đội Biên phòng Sơn La cho thấy: Tệ nạn sử dụng trái phép chất ma túy đang là vấn đề nhức nhối tại khu vực biên giới tỉnh Sơn La. Hiện tỉnh Sơn La có 19 xã biên giới, mà có tới 1.930 đối tượng nghiện ma túy.

Thay vì sử dụng thuốc phiện vừa tốn công, mất sức, các con nghiện hiện nay chủ yếu sử dụng heroin và ma túy tổng hợp với lý do hết sức đơn giản là  việc sử dụng nhanh, tiện, ít bị cơ quan chức năng phát hiện bắt giữ.

Đối tượng nghiện nhiều thế nên việc cai nghiện đã trở thành vấn đề rất được chú trọng tại nơi đây. Tìm những biện pháp, hình thức cai nghiện có hiệu quả, chống tái nghiện thực sự trở thành bài toán khó đối với nhiều ngành, nhiều cấp.

Trong cuộc tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Sơn - cán bộ văn hóa xã hội xã Chiềng Sơn (huyện Mộc Châu) cho biết: Chiềng Sơn là một xã có 8,25km đường biên giới.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện toàn xã Chiềng Sơn có 190 người nghiện. Công tác phòng chống ma túy đối với xã Chiềng Sơn làm hết sức quyết liệt. Từ cuối năm 2005 đến nay, Chiềng Sơn đã tổ chức bốn lớp cai nghiện cho 176 người nghiện.

Ông Sơn kể rằng ở Chiềng Sơn có những câu chuyện cai nghiện rất cảm động. Đó là trường hợp có một bà mẹ già, năm nay đã 70 tuổi, lưng còng vẫn mang từng mớ rau đến đóng góp ủng hộ cho việc cai nghiện.

Có những em bé lại mang củi đến đóng góp cho các cô, các chú nấu cơm để tổ chức cai nghiện ở cộng đồng. Chính những việc làm đó đã góp phần chuyển đổi tư tưởng đối với người nghiện và thông qua đó, tỷ lệ tái nghiện so với những năm trước đây hạn chế rất nhiều.

Còn ông Trần Đức Lý, cán bộ văn hóa xã hội xã Chiềng Khương (huyện Sông Mã) cho biết: Chiềng Khương là xã biên giới với 23,15km đường biên, địa bàn có cửa khẩu quốc gia. Toàn xã hiện có hơn 10 ngàn nhân khẩu. Ông Lý khẳng định tình trạng tệ nạn nghiện hút ma túy tại địa phương vẫn còn khá bức xúc.

Với đặc điểm đường biên giới dài nhất nhì so với các xã của tỉnh Sơn La, cho nên việc vận chuyển tiêu thụ, buôn bán, rồi tàng trữ, chứa chấp chất ma tuý rất nhiều. Theo thống kê năm 2006 cả xã có 181 người nghiện. Địa phương đã tiến hành cai nghiện nhiều đợt cho các đối tượng từ cai nghiện tại cộng đồng, cai nghiện tập trung tại Trung tâm Lao động xã hội của tỉnh.

Theo lực lượng Biên phòng Sơn La mặc dù đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên trên thực tế hiệu quả của công tác cai nghiện tại các xã vùng biên vẫn còn thấp, hầu hết các con nghiện đi cai về đều tái nghiện.

Nghiện nặng, không có công ăn việc làm, không thu nhập nên phần lớn các con nghiện đều tham gia việc vận chuyển thuê hoặc tổ chức buôn bán lẻ để tìm nguồn tài chính phục vụ cho việc hút, chích.

Gian nan cuộc chiến xóa nạn tái trồng cây thuốc phiện

Các chiến sĩ Biên phòng Sơn La cho chúng tôi biết: Tháng 11,12 là thời điểm bắt đầu vào "mùa" tái trồng cây thuốc phiện tại các xã vùng cao khu vực giáp biên.

Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, tại khu vực biên giới người dân thường tái trồng cây thuốc phiện ở các khe núi trong những cánh rừng già, địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn. Thậm chí, có những trường hợp các đối tượng trồng cây thuốc phiện đã sử dụng hình thức "gieo hạt hai lần" để đối phó với cơ quan chức năng.

Với thủ đoạn trên, nếu cơ quan chức năng phát hiện chặt phá lớp cây phía trên thì vẫn còn lại lớp cây vừa được gieo phía dưới. Qua thống kê năm 2006-2007 tại địa bàn biên giới Sơn La đã phát hiện tổng diện tích tái trồng thuốc phiện hơn 110 nghìn m2.

Con số này thực tế đã giảm hơn 79 nghìn m2 so với năm trước đó. Ngay sau khi được phát hiện, toàn bộ số diện tích tái trồng này đã được phá nhổ kịp thời. Một trong những vấn đề nan giải là hầu hết các diện tích tái trồng thuốc phiện trên bị phát hiện đều vô chủ, không tìm được đối tượng trồng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Được biết, để giải quyết tình trạng cai nghiện trên địa bàn tỉnh, Sơn La đã có nhiều biện pháp như tổ chức hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy và bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định. Cụ thể là đã cắt cơn nghiện cho hàng ngàn người, thành lập hơn 1.000 câu lạc bộ sau cai nghiện đưa người nghiện vào tham gia sinh hoạt.

Tuy nhiên, đối với các xã vùng biên, do địa bàn rộng, đi lại khó khăn vậy nên việc giải quyết vấn đề cai nghiện, xóa nạn tái trồng cây thuốc phiện đang thực sự gặp nhiều khó khăn, phức tạp cần sự nỗ lực của nhiều ngành, nhiều cấp.

Điều đơn giản nhất ở các xã, bản vùng cao, vùng sâu chỉ riêng việc vận động các đối tượng nghi nghiện đi kiểm tra đã là một vấn đề nan giải. Đấy là chưa nói đến các biện pháp quản lý sau khi tiến hành cắt cơn, chống tái nghiện.

Sử dụng đồng bộ các biện pháp từ ngăn chặn tình trạng buôn bán, tàng trữ ma túy, đồng thời có những biện pháp quyết liệt, cụ thể trong việc tiến hành cai nghiện, giải quyết việc làm sau cai mới có thể đem lại được hiệu quả cụ thể 

Đức Thọ
.
.
.