Giá sữa vẫn bình ổn đến Tết Canh Dần

Thứ Ba, 05/01/2010, 08:20
Một số hãng sữa đồng loạt đưa ra mức giá bán mới cao hơn hiện thời từ 5 đến 10%. Tuy nhiên, theo khảo sát của PV Báo CAND, vẫn còn nhiều đơn vị bán lẻ lớn đang đàm phán với nhà cung cấp để giữ nguyên giá bán, nhằm bình ổn thị trường sữa, ít nhất cho đến hết Tết Nguyên đán Canh Dần.

Nơi tăng ngay, nơi còn thương lượng

Chiều 4/1, trao đổi với báo giới về quyết định tăng giá, ông Nguyễn Tuấn Khải - Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc Công ty Sữa Ba Vì phân trần: "Công ty Sữa Ba Vì hiện có 3 nhãn hiệu sữa nước đã quen thuộc với người tiêu dùng gồm: Dozi, Frishi, và Ba Vì.

Trong ngày đầu năm mới 2010, công ty đã quyết định tăng giá từ 3,3 - 4,6% đối với nhãn hiệu sữa nước Ba Vì tùy loại hộp to hay nhỏ". Ông Nguyễn Tuấn Khải phân tích lý do: Ba Vì dùng nguyên liệu sữa tươi của bà con nông dân. Thời gian gần đây, công ty đã phải tăng giá thu mua cho bà con từ 8.300 đồng lên 8.600 đồng và bây giờ tới 9.000 đồng/kg. Hơn nữa, giá đường, điện, than cũng tăng chóng mặt. Giá các nguyên liệu đầu vào tăng tới 15 - 16% nhưng giá sản phẩm chỉ tăng có 4%. Tận hai năm nay, sữa Ba Vì mới tăng giá bán. 

Tuy nhiên, cũng chiều 4/1, bà Bùi Thị Hương - Giám đốc đối ngoại Công ty Sữa Việt Nam Vinamilk lại khẳng định: Không hề có chuyện tăng giá sữa Vinamilk trong những ngày đầu tháng 1. Lần tăng giá gần đây nhất của công ty là tháng 12/2009. Công ty đã điều chỉnh tăng các dòng sữa bột thêm 6% do bị áp lực từ giá đường và tỷ giá ngoại tệ. Còn lại, toàn bộ giá sữa nước của công ty không hề tăng. Bà Hương nhấn mạnh: Sản phẩm của Vinamilk luôn niêm yết giá theo quy định. Nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) khác lại không thực hiện quy trình này. Bởi vậy có hiện tượng, các DN nhìn nhau để tăng giá. 

Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc siêu thị Big C lại cho PV biết: Đến thời điểm này, Big C mới nhận được yêu cầu tăng giá 6% với sản phẩm sữa của Vinamilk. Tuy nhiên, gần một tháng qua, Big C vẫn kiên nhẫn thuyết phục Vinamilk giữ nguyên giá bán, ít nhất cho đến hết Tết Nguyên đán để góp phần vào bình ổn thị trường. 

Nhiều đại lý đang lợi dụng “đục nước béo cò”

Thực tế trên thị trường những ngày qua, nhiều bà nội trợ đã kêu trời vì giá sữa bột nhập tăng mạnh. Cho nên, ngay cả khi các nhà cung cấp chưa tăng giá, nhiều đại lý đã "đục nước béo cò" tăng giá ngay vì dựa theo tâm lý sính hàng ngoại của người tiêu dùng. Giá sữa bột nhập ngoại bán lẻ ở Việt Nam đã được xác định cao gấp 2 lần giá vốn, đắt một cách phi lý. Nhưng, các cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp nào hữu hiệu để kiềm chế cơn sốt giá sữa nhập ngoại vẫn chưa ngừng hạ nhiệt.

TS Hồ Tất Thắng - Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) lên tiếng: Giá sữa nội không tăng hoặc tăng ít mà giá sữa ngoại tăng nhiều trong dịp này chứng tỏ các nhà nhập khẩu vẫn bắt tay nhau "làm giá". Cách duy nhất để hạn chế bớt sự bất hợp lý này là các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra các cơ sở bán lẻ, các đại lý để giám sát việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, nhất là khi không khí Tết đang cận kề

Nhóm PV KTXH
.
.
.