"Gia đình cứu hộ" trên đỉnh đèo Voi

Thứ Năm, 07/08/2008, 09:28
16 năm nay, hai vợ chồng ông bà Lưu Bình Phúc (70 tuổi) và Nguyễn Thị Quảng (62 tuổi) sống trên đỉnh đèo Voi (đèo Phước Tượng), cách TP Huế gần 100km đã làm một công việc lặng lẽ đó là cứu những người không may bị tai nạn giao thông trên đèo...

Bỏ lại sau lưng TP Festival Huế thơ mộng và quyến rũ, chiếc Wave Alpha đưa chúng tôi về với Đà Nẵng. Khi lên tới đỉnh đèo Voi (đèo Phước Tượng), cách TP Huế gần 100km thì trời đã xế trưa. Anh em chúng tôi quyết định dừng chân ở đỉnh đèo để uống nước giải khát tiếp tục cuộc hành trình. Những tưởng uống lon nước Bò húc mát rượi rồi đi, nhưng chính người bán nước đó có một công việc lặng lẽ, không tên đã cuốn hút chúng tôi. Đó là việc cứu những người không may bị tai nạn giao thông trên đèo mà hai vợ chồng ông bà Lưu Bình Phúc (70 tuổi) và Nguyễn Thị Quảng (62 tuổi) vẫn làm 16 năm nay.

Cứu chữa kịp thời những vụ TNGT trên đỉnh đèo

Biết chúng tôi là nhà báo muốn hỏi về việc cứu người của hai vợ chồng, ông Phúc mỉm cười nói: "Có chi mô mà mẹ nó kể rứa, mình làm phúc làm phước giúp người ta rứa thôi, kể mần chi ngại lắm". Bà Quảng móm mém cười bảo rằng ông ấy là thế đó, chẳng thích khoe khoang hay nói về công trạng của mình đâu.

Đưa tay chỉ về phía cua của con đèo, bà Quảng nói, thấy thế chứ đèo này nguy hiểm lắm, dài trên 3km nhưng tai nạn giao thông làm chết người xảy ra liên tục. Mặc dù đèo Phước Tượng không dốc và chông chênh như đèo Hải Vân và Phú Gia, nhưng lại đứng đầu bảng về tai nạn giao thông và hiểm nguy luôn rình rập.

Ngôi nhà của vợ chồng ông Phúc.

Như để chứng minh, bà Quảng dắt tay tôi ra lề đường chỉ vào đoạn dốc của đèo kể: "Cách đây hơn 15 ngày, lúc đó khoảng 11 giờ trưa, có một chiếc xe tải chạy hướng Nam Bắc đâm phải 2 người đi xe máy cùng chiều. Lúc đó cả nhà bà đang ngồi ăn cơm trưa, nghe tiếng "rầm", biết lại có tai nạn, ông Phúc bỏ bát cơm xuống chạy ra thì thấy hai người đi xe máy đang bị bánh xe tải đằn lên trên người.

Mấy người đi đường dừng lại cãi nhau với lái xe, chẳng ai chịu gọi cấp cứu hay giúp họ. Ông Phúc liền chạy đến lôi hai người bị nạn ra và băng bó vết thương, đồng thời bà vào gọi điện cho Công an và xe cấp cứu tới đưa đi bệnh viện. Nhưng nghe đâu vì bị nặng quá nên đã có một người chết và một người mê man bất tỉnh.

Hay như tháng trước, ông Phúc vừa đi chăn dê trên núi về, thấy một đám người bu đông chính giữa đèo. Mọi người đều xì xào "chắc chết mất, não văng ra như thế thì làm sao sống được". Ông Phúc rẽ đám đông vào thì thấy một người đang nằm bất tỉnh bên cạnh chiếc xe máy nát bét. Ông bồng anh ta dậy và kiểm tra xung quanh người, thì ra miệng anh ta đang nhai kẹo cao su trắng rơi ra dính vào đầu, mọi người tưởng là não. Xong rồi ông bồng anh thanh niên đó với bê bết máu cho lên xe máy chở về Bệnh viện Phú Lộc cấp cứu kịp thời và anh ta đã thoát chết.

Tình người trong hoạn nạn

Có một điều rằng, mặc dù cứu giúp nhiều người nhưng vợ chồng ông bà không bao giờ nghĩ đến chuyện tiền nong hay trả ơn. Một lần, có một ông ở miền Bắc, nghe nói làm chức vụ gì đó to lắm. Đi trên xe 24 chỗ ngồi, tự nhiên qua đèo thì bị ngất xỉu, chân tay co quắp, người cứng lại. Ông bà đem vào nhà cạo gió, đánh gió… sơ cứu, chừng nửa giờ sau đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời và may mắn cho ông đó vẫn còn sống. Hằng năm có dịp đi qua đèo, họ lại mua quà biếu và gửi tiền bày tỏ lòng cảm ơn, nhưng ông bà chẳng nhớ ai vì số người mang ơn vợ chồng ông bà quá nhiều.

Kể được một lúc, bà Quảng dừng lại thở dài: "Lạ lắm chú à, hễ cứ có tai nạn là người ta cứ kêu vợ chồng tui. Không ai chịu cấp cứu hay giúp người ta cả. Mà cũng lạ, vợ chồng tui có phải là Công an hay bác sỹ chi mô mà có cái gì họ cũng kêu cả, bất kể ngày hay đêm".

Biết là vất vả nhưng được cái bà con ai cũng tín nhiệm và quý mến nên vợ chồng ông bà cũng thấy thanh thản. Tuy nhiên, có những vụ TNGT thảm khốc mà nạn nhân chết tại chỗ, không ai dám đến gần. Những lúc như thế ông tự mình đến tắm rửa, lo khăn áo chôn cất nạn nhân dưới núi, chờ người thân đến nhận người. Nhưng cũng có những nấm mồ sau 2-3 năm vẫn chưa có ai đến nhận vì không biết người chết đó là ai. Vì thế, hàng năm cứ đến ngày rằm, lễ, tết ông bà đều hương khói đàng hoàng cho những nấm mồ vô chủ đỡ hiu quạnh. 

"Cả nhà như một đội cứu hộ"

Không những cứu chữa, mai táng kịp thời cho những vụ TNGT mà vợ chồng ông bà còn can ngăn thành công những vụ xô xát, đánh nhau. Có lần, một chiếc ôtô tông vào một tốp học sinh trên đường đi học về làm 3 em chết và 2 em bị thương. Sợ quá tài xế ôtô bỏ chạy, người nhà của mấy em cầm dao, rựa truy lùng và đòi lấy mạng tài xế để trả thù.

Cùng với Công an, chính quyền, vợ chồng ông bà đã đến từng nhà khuyên giải đúng sai và ngăn được một cuộc đổ máu xảy ra. Hay có lần gặp những học sinh khoảng lớp 8, lớp 9 bỏ đi bụi, ông bà thấy được gọi vào nhà khuyên bảo, cho ăn uống và hỏi số điện thoại, nhà ở đâu để đưa về. Nếu để chúng nó lang thang thì tội lắm và dễ sa vào con đường tội lỗi, vì ông bà xem chúng nó cũng giống như con của mình.

Vợ chồng ông bà có 10 đứa con, 6 trai, 4 gái. Tất cả đều thành đạt. Hiện tại ông bà đang sống với hai đứa con, một đứa đang học và một đứa mở gara ôtô sửa chữa trên đèo tên là Được. Anh Được nói: "Bây giờ cả nhà em giống như là một đội cứu hộ. Ai cũng biết sơ cấp cứu. Nếu nhẹ thì lấy xe chở xuống bệnh viện, còn nếu nặng thì canh giữ hiện trường và gọi Công an đến".

Trời đã về chiều. Ông Phúc rủ tôi lên đỉnh núi để xem đàn dê hơn 40 con của vợ chồng ông và xem lan rừng nở. Ông nói, mùa này lan rừng thơm và đẹp lắm. Nhưng mặt trời đã dần xuống núi, chúng tôi phải hẹn ông bà vào một dịp khác. Từ trên đỉnh đèo Phước Tượng xuôi vào Nam trên chiếc Wave Alpha chầm chậm, chúng tôi nghĩ chẳng phải lên núi xem lan rừng nở làm gì. Chính vợ chồng ông bà với công việc cứu người thầm lặng 16 năm nay là đóa hoa lan đẹp nhất mà chúng tôi biết. Một vẻ đẹp bình dị, lóng lánh nhân tình đang tỏa hương giữa đời thường

Trần Ánh
.
.
.