Ghi từ những cung đường "nóng"

Thứ Ba, 13/09/2011, 17:54
19h, đêm 9/9 Phòng CSGT đường bộ (PC67) Công an TP Cần Thơ phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát trật tự chia làm 2 tổ, xuất quân làm nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông. Có tới 19 trường hợp vi phạm, trong đó vi phạm có nồng độ bia rượu vượt quá mức quy định khi điều khiển phương tiện giao thông là 8 trường hợp.

Không ít người nghĩ rằng, do đặc thù địa lý, sông rạch chằng chịt, hệ thống giao thông trên bộ không nhiều như các vùng miền khác của cả nước nên tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, TNGT đường thủy vẫn là chủ yếu. Thực tế không phải vậy. Tám tháng năm 2011, số vụ TNGT trên bộ của hầu khắp các địa phương ĐBSCL đều tăng nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện giao thông say rượu bia. Thói quen… "quay qua quay lại là nhậu", "gặp nhau là nhậu"… của người dân miền Tây cần được kịp thời nhắc nhở trong Tháng ATGT.

19h, đêm 9/9 Phòng CSGT đường bộ (PC67) Công an TP Cần Thơ phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát trật tự chia làm 2 tổ, xuất quân làm nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông.

Tổ công tác do Thiếu tá Lê Vũ Tiến - Đội trưởng Đội tuần tra chốt trực tại giao lộ ngã tư Lê Lợi - Trần Văn Khéo và các tuyến đường xung quanh khu vực công viên Sông Hậu. Đây cũng là khu vực tập trung hàng quán ăn nhậu sôi động nhất của khu vực trung tâm Cần Thơ mỗi khi đêm về. Và tỷ lệ dân nhậu đến quán bằng xe gắn máy chiếm đến 90%.

Thiếu tá Lê Vũ Tiến cho biết, việc kiểm tra, xử lý vi phạm, đặc biệt tập trung vào người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng bia rượu thời gian qua khá phức tạp. Đa phần, các trường hợp khi được yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn đều vượt quá mức quy định cho phép. Còn đối với các đệ tử "Lưu Linh" thì vẫn biết điều khiển phương tiện giao thông khi đã có rượu, bia trong người là vi phạm nhưng vẫn giải thích theo kiểu cố hữu là gặp gỡ bạn bè giao lưu, đối tác làm ăn phải mang rượu ra "nói chuyện" mà bất chấp hậu quả khôn lường có thể ập đến bất cứ lúc nào.

Anh Trần Chánh Tâm - người lái xe gắn máy BKS: 65H4 09… lưu thông trên đường Lê Lợi đã ở trong tình trạng "quắc cần câu". Khi bị CSGT phát hiện, anh Tâm ngậm ống thở cũng không đúng thao tác, dù được hướng dẫn đến 3 - 4 lần. Kết quả đo nồng độ cồn trong hơi thở của anh Tâm là 0,86mg/lít khí thở, vượt quá quy định cho phép. "Với lỗi này, anh sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng, tạm giữ phương tiện 10 ngày, tước giấy phép lái xe 30 ngày" - một cán bộ thông báo cho người vi phạm.

Vừa xong vụ này, tiếng còi lại vang lên. Anh Nguyễn Tấn Phát điều khiển xe tay ga BKS: 65B1 50… Qua kiểm tra, kết quả nồng độ cồn đo được trong hơi thở của anh Phát là 0,475mg/lít khí thở, vượt mức quy định cho phép.

Chúng tôi bám theo tổ công tác còn lại do Đại úy Trần Vũ Tiến cùng 20 cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát giao thông qua các tuyến phố trung tâm nội ô TP Cần Thơ như: Trần Phú - Cách Mạng Tháng Tám - Lê Hồng Phong, 3-2, 30-4,…

Lực lượng CSGT Công an TP Cần Thơ kiểm tra nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông.

"Chúng tôi có nhiệm vụ tuần tra kiểm soát và đặc biệt tập trung xử lý các trường hợp vi phạm, có dấu hiệu lạm dụng bia, rượu, đánh võng lạng lách gây nguy hiểm trên đường. Những trường hợp nào di chuyển về khu vực Tổ công tác của đồng chí Lê Vũ Tiến làm nhiệm vụ, chúng tôi sẽ thông báo qua máy bộ đàm kịp thời, để yêu cầu dừng xe, xử lý theo quy định, đảm bảo trật tự ATGT trên đường được thông suốt" - Đại úy Trần Vũ Tiến cho biết.

Qua thống kê từ 2 tổ công tác do Phòng PC67 tổ chức đêm 9/9, có 19 trường hợp vi phạm, trong đó vi phạm có nồng độ bia rượu vượt quá mức quy định khi điều khiển phương tiện giao thông là 8 trường hợp, đánh võng lạng lách, không chấp hành hiệu lệnh người điều khiển phương tiện giao thông là 3 trường hợp, còn lại là các lỗi khác.

Trong 10 ngày đầu ra quân (tính đến hết ngày 10/9), lực lượng chức năng của TP Cần Thơ đã phát hiện, xử lý 2.736 trường hợp, xử phạt hành chính, nộp Kho bạc Nhà nước hơn 1 tỷ đồng. Có hàng trăm trường hợp điều khiển phương tiện giao thông trong tình trạng vượt quá nồng độ cồn cho phép.

Trung tá Trần Thanh Vân - Phó Phòng PC67 Công an TP Cần Thơ cho biết thêm, dù lịch công tác, kiểm tra dày đặc; lực lượng có khi tập trung gần 100% cán bộ, chiến sĩ, nhưng vẫn không thể xử lý hết các trường hợp vi phạm.

Hà Nội: Xử lý hơn 800 trường hợp sử dụng rượu, bia tham gia giao thông

Trung tá Trần Ngọc ánh, Đội trưởng Đội Tham mưu Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội cho biết: "Sau hơn 10 ngày ra quân, lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý hơn 800 trường hợp sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Đối tượng vi phạm chủ yếu là nam giới, điều khiển môtô, xe máy. Các đối tượng vi phạm này tất cả đều bị tước giấy phép lái xe". Cũng theo Trung tá ánh, trong đợt cao điểm này, lực lượng CSGT sẽ xử lý nghiêm tất cả các trường hợp. Đối với những quán bia, rượu, Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội phối hợp với các phường yêu cầu chủ quán treo băng rôn "không uống rượu bia khi điều khiển ôtô, xe máy" và bố trí lực lượng gần các điểm đông quán nhậu để xử lý vi phạm. Tuy nhiên, do lực lượng có hạn và các quán nhậu mọc lên khắp nơi nên việc xử lý vi phạm người điều khiển ôtô, xe máy có nồng độ bia, rượu gặp không ít khó khăn.

T.Huyền

CSGT Hải Dương: Việc đo nồng độ cồn
người tham gia giao thông vẫn khó khăn

Thông tin từ Công anHải Dương, hiện lực lượng CSGT đường bộ - đường sắt đang gặp khó khăn trong việc xử lý người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt mức quy định do chỉ còn 1 máy đo nồng độ cồn đang hoạt động. Máy đo này hiện được Đội Tuần tra - kiểm soát quản lý. Chiếc còn lại của Trạm Ba Hàng làm nhiệm vụ trên QL5 bị hỏng. Được biết, 2 máy đo nồng độ cồn trên được sản xuất tại Đức, có giá khoảng 50 triệu đồng/chiếc song do điều kiện khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam đã dẫn tới trục trặc trên. Theo lãnh đạo đơn vị, CSGT Hải Dương rất cần sự đầu tư kép của tỉnh cũng như của ngành để xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng rượu, bia quá mức quy định khi điều khiển phương tiện giao thông.

D.H.

Nhóm PV ĐBSCL
.
.
.