Gây tai nạn lao động chết người: 3 doanh nghiệp sẽ ra hầu tòa

Thứ Sáu, 05/11/2010, 10:34
Trước thực trạng hàng loạt vụ tai nạn lao động (TNLĐ) dẫn đến những cái chết thương tâm xảy ra trong thời gian gần đây ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước vẫn không được đưa ra xử lý nghiêm khắc, thì việc Đoàn điều tra TNLĐ TP HCM mới đây đã đề nghị cơ quan Công an, Viện Kiểm sát  khởi tố hình sự 3 vụ TNLĐ nghiêm trọng gây chết người, là một tín hiệu đáng mừng để thiết lập lại kỷ cương an toàn lao động, một vấn đề mà lâu nay các cơ quan chức năng còn xem nhẹ.

Ngày 4/11, trả lời phóng viên Báo CAND về việc đề nghị khởi tố 3 vụ TNLĐ, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Chánh thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP HCM cho biết, căn cứ vào tình tiết vi phạm của vụ TNLĐ, hằng năm Đoàn điều tra tai nạn lao động TP HCM đã đề nghị cơ quan Công an và Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp khởi tố vụ án khi điều tra nguyên nhân gây TNLĐ có đủ các yếu tố để khởi tố vụ án.

Tuy nhiên, còn nhiều vụ mà Đoàn kiểm tra đề nghị khởi tố nhưng chưa được khởi tố, làm cho việc xử lý không mang tính nghiêm minh của pháp luật. TP HCM là một địa phương có số doanh nghiệp hoạt động lớn nhất cả nước, trong đó rất nhiều công trình xây dựng vừa và lớn, và nhiều công trình trọng điểm quốc gia…

Không đảm bảo an toàn gây ra những cái chết thương tâm của người lao động cần được điều tra xử lý.

Thời gian qua, loại hình doanh nghiệp xây dựng được thành lập theo luật doanh nghiệp phát triển mạnh, đã thu hút một lực lượng lớn lao động thời vụ đến từ các tỉnh. Tình trạng người sử dụng lao động ở các doanh nghiệp hầu như chỉ quan tâm đến lợi nhuận, mà không mấy quan tâm đến công tác an toàn vệ sinh lao động, nên tình hình TNLĐ xảy ra vẫn ở mức cao.

3 vụ TNLĐ mà Đoàn điều tra đề nghị khởi tố từ đầu năm 2010 đến nay đều rơi vào doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Doanh nghiệp đầu tiên trong danh sách đề nghị khởi tố là Công ty Cổ phần đầu tư - xây dựng và Thương mại Thái Bình Dương.

Tại thời điểm ngày 16/5/2009, khi công ty này thi công tại công trình xây dựng cao ốc số 12 Tôn Đản, phường 13, quận 4, hợp đồng với tư nhân Lê Minh Quyền thực hiện công việc vận chuyển xà bần, đã xảy ra vụ xe ép làm chết nạn nhân Nguyễn Đức Huy (23 tuổi) là phụ xe. Đoàn điều tra TNLĐ TP HCM tổ chức cuộc họp vào ngày 20/1/2010, Công an quận 4 đã có Quyết định khởi tố vụ án.

y dựng vẫn là một trong những lĩnh vực để xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người. Ảnh: Thu Uyên

Vụ thứ hai xảy ra tại Công ty cổ phần Xây dựng - sản xuất - thương mại - dịch vụ Cam Ranh. Công ty Cam Ranh có hợp đồng với Hợp tác xã Thống nhất phục vụ vận chuyển cọc bê tông.

Vào lúc 1h45' ngày 15/3/2010 tại địa điểm bãi cọc bê tông ở địa chỉ số 420/10/2A đường 41, phường 16, quận 8 thuộc Công ty Cam Ranh, xe cần cẩu BKS 54S - 6660 (của Hợp tác xã Thống nhất) đang cẩu các cọc bê tông từ bãi lên xe, đã xảy ra vụ rơi cọc bê tông trúng vào phụ cẩu Nguyễn Hoài Nam (16 tuổi), nạn nhân được đưa đi cấp cứu và chết tại Bệnh viện Triều An. Đoàn điều tra tai nạn lao động TP HCM đã đề nghị cơ quan Công an quận 8 và Viện KSND quận 8 khởi tố vụ án.

Vụ thứ 3 xảy ra tại Công ty TNHH Đức Phương, nhà thầu thi công, có hợp đồng giao cho ông Hồ Văn Quý chịu trách nhiệm thi công phần thô căn nhà dân số 230, đường Đất Mới, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân.

Lúc 9h ngày 21/7/2009 tại công trình xây dựng nhà dân, tấm ván cốp pha kích thước 3430 x 200 x 20mm rơi từ tầng 2 công trình trúng vào đầu nạn nhân Nguyễn Văn Lực (55 tuổi), nạn nhân được đưa đi cấp cứu và chết vào lúc 11h00 ngày 25/7/2009 tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Đoàn điều tra tai nạn lao động TP HCM tổ chức cuộc họp vào ngày 28/10/2010 đã đề nghị cơ quan Công an quận Bình Tân và Viện KSND quận Bình Tân khởi tố vụ án.

Trong nhiều năm nay, TP HCM luôn là một trong 10 địa phương dẫn đầu về số vụ TNLĐ chết người. Trong 10 tháng năm 2010, trên địa bàn  xảy ra 84 vụ TNLĐ chết người (TNLĐ trong lĩnh vực xây dựng chiếm gần 80%), điều này cho thấy các doanh nghiệp trong ngành xây dựng chưa quan tâm đến thực hiện biện pháp an toàn vệ sinh lao động trên công trường.

Nguyên nhân dẫn đến tai nạn chủ yếu do thiết bị không đảm bảo an toàn (chiếm tỷ lệ 29,76%); vi phạm quy trình, biện pháp làm việc an toàn (chiếm tỷ lệ 7,14%); không có quy trình, biện pháp làm việc an toàn (chiếm tỷ lệ 34,52%)... Nhìn lại năm 2009, các doanh nghiệp cơ sở sản xuất kinh doanh đóng trên địa bàn TP HCM đã xảy ra 1.319 vụ TNLĐ, riêng TNLĐ chết người là 111 vụ, làm chết 112 người (tăng 18 vụ, 19,35% so với năm 2008).

Sở LĐ-TB&XH TP HCM cũng đang lên kế hoạch thống kê, đánh giá tình hình TNLĐ trong 5 năm liền để nêu bật những mặt còn tồn tại của doanh nghiệp trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, lên kế hoạch công tác bảo hộ lao động giai đoạn 2011-2015 nhằm giảm tình hình TNLĐ trên địa bàn thành phố. 

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tiến, Chánh thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cho biết, hiện nay đang diễn ra tình trạng nhiều địa phương không kiểm tra thường xuyên việc chấp hành các qui định về an toàn lao động, thậm chí TNLĐ xảy ra, chính quyền cũng không biết. Thực tế thì các quy định về luật pháp hiện đã khá đầy đủ. Qui trình xử lý các vụ TNLĐ nghiêm trọng gây chết người hiện nay là thanh tra lao động cấp Sở phối hợp liên ngành với Công an điều tra.

Trong quá trình điều tra nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm hình sự thì các Sở có thể đề nghị các cơ quan pháp luật khởi tố hình sự. Nếu các địa phương cương quyết trong việc điều tra và khởi tố các vụ TNLĐ sẽ đẩy nhanh việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn lao động đối với cả chủ sử dụng và người lao động.

Thu Uyên
.
.
.