Gặp những người trở về buôn làng từ… “bóng tối”

Chủ Nhật, 28/06/2020, 09:33
Do nhận thức hạn chế nên một số người dân làng Kret Krot, xã Hra, huyện Mang Yang (Gia Lai) đã tin theo tà đạo Hà Mòn trong thời gian dài. Đến nay, bằng sự khoan hồng, nhân ái, cấp ủy, chính quyền địa phương đã cảm hóa, đưa những người lầm đường, lạc lối trở về với gia đình, cộng đồng.

Gần chục năm lẩn trốn trong rừng sâu

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về Kưnh (SN 1992), Lũp (SN 1972), Jưr (SN 1964, cùng trú làng Kret Krot, xã H'ra, huyện Mang Yang) sau hơn 3 tháng được lực lượng Công an đưa về từ rừng là cả 3 đều hiền lành, chất phác, có chút rụt rè và đều không nói rành rọt được tiếng Kinh. Trong đó, Jưr và Lũp không biết tiếng Kinh, mỗi lần trò chuyền đều phải nhờ người thông dịch.

Thời gian ở rừng, Kưnh nổi lên với vai trò là “thủ lĩnh” do được học hành, lại nhanh nhẹn, tiếp cận tốt với công nghệ, máy móc. Kể về quá trình rời bỏ gia đình, buôn làng trốn vào rừng theo tà đạo, Kưnh nhớ lại: “Khoảng giữa năm 2012, thời tiết đã vào mùa mưa với những cơn gió lạnh thấu xương, mình cùng 2 người trong làng lén lút rời khỏi nhà, tiến vào rừng sâu vì trót tin theo tà đạo. Vào rừng rồi, mình mới biết là vợ đang mang thai đứa con thứ 2, đứa con lớn thì chưa tròn 1 tuổi. Thương vợ, nhớ con nhưng mình không dám về nhà phần vì sợ, phần vì tin theo tà đạo. Họ nói chỉ cần đọc kinh cầu nguyện thì sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn, thế giới sẽ công bằng hơn, mình không làm gì thì cũng có ăn. Ngoài ra, họ không hỗ trợ mình bất cứ thứ gì; chỉ có gia đình, vợ con mình là khổ thôi”.

Các anh Kưnh, Jưr, Lũp (thứ 2, 3, 5 từ trái sang) trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình, cộng đồng.

Ngồi bên cạnh Kưnh, cả Jưr và Lũp đều tỏ ra khá rụt rè. Jưr cùng vợ có 9 người con, Lũp có 2 vợ và 11 người con. “Nghe họ nói thấy hay nên mình tin thôi, cũng không nghĩ đi rồi vợ con ở nhà sẽ sống ra sao. Thời gian đầu, vợ có năn nỉ mình về nhà nhưng mình không về vì trót tin theo những lời đường mật, những lời hứa của các đối tượng xấu”, Jưr kể.

Ngày rời làng, cả ba lén lút rời khỏi nhà mà không thông báo cho gia đình, vợ con; lầm lũi đi trong đêm mưa, nhắm thẳng hướng rừng già mà đi. “Thời gian đầu, chúng tôi thay đổi chỗ ở liên tục, thường 1 tháng/lần. Để tránh bị phát hiện, chúng tôi dựng lán dưới các tán cây cổ thụ hoặc trong hốc đá, chặt cây rừng làm giường và đặc biệt, lán phải xa nguồn nước từ 200-500m để tránh bị phát hiện. Cả 3 chỉ ra suối tắm giặt, lấy nước khi trời tối”, Kưnh nhớ lại cuộc sống trong rừng những ngày đầu.

Theo lời Kưnh, do phải ngủ giữa rừng già, chăn không đủ ấm, màn thì không có nên cả 3 người bị những cơn sốt rét rừng hành hạ, những cơn đau thập tử nhất sinh diễn ra thường xuyên. Những lúc như thế, người nào tỉnh táo thì đi hái cây thuốc trên rừng về chữa trị cho nhau, còn ngoài ra không có bất cứ loại thuốc nào khác. May mắn là đến ngày trở về không ai bỏ mạng giữa rừng sâu.

Hằng ngày, họ thức dậy từ khoảng 4h để đọc kinh, cầu nguyện. Đến sáng thì ăn uống xong, phân công nhau người đi bẫy thú, bắt ếch, nhái, hái rau rừng để có cái ăn; người khác ở nhà đan gùi, gửi về làng nhờ bán lấy tiền mua vật dụng ở rừng. Đến tối, họ lại đọc kinh, cầu nguyện và nhóm lửa xua thú dữ trước khi đi ngủ. “Gạo, muối… thì mình nói vợ mang để chỗ kín đáo trên rẫy của gia đình, mấy ngày sau chọn lúc đêm tối mình sẽ lẻn xuống lấy mang đi”, Kưnh nói thêm.

Để duy trì liên lạc, 3 người dùng pin con thỏ chế thành nguồn sạc điện thoại. Sau đó, Kưnh leo lên các vị trí cao, có sóng điện thoại để liên lạc với các đối tượng bên ngoài. Điện thoại này chỉ dùng liên hệ với các đối tượng theo tà đạo, ngay cả gia đình cũng không biết nơi lẩn trốn của các đối tượng.

Trong quá trình hoạt động trong rừng, 3 đối tượng này tiếp tục móc nối, lôi kéo một số cơ sở trong làng Kret Krot lén lút nhóm họp đạo trái pháp luật; tiếp tế, nuôi giấu số đối tượng lẩn trốn và liên lạc, nhận sự chỉ đạo của các đối tượng theo “Tà đạo Hà Mòn” ở Kon Tum để tiếp tục hoạt động cho đến ngày bị bắt.

Về trong vòng tay yêu thương

Khoảng 3h30 ngày 19-3, tại khu vực núi Jơ Mông (giáp ranh giữa xã H'ra và xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, Gia Lai), Công an tỉnh Gia Lai phối hợp với đơn vị nghiệp vụ (Bộ Công an) đã bắt giữ 3 đối tượng gồm: Kưnh, Lũp, Jưr khi các đối tượng vẫn còn đang ngủ say giữa đêm tối rừng già. Cả ba dù đã được chính quyền và người thân nhiều lần vận động ra trình diện nhưng vẫn ngoan cố lẩn trốn trong rừng, chỉ đạo các đối tượng bên trong hoạt động chống đối chính quyền.

Cả ba đối tượng được dẫn giải về trụ sở Công an huyện Mang Yang. Sau khi hoàn tất cả thủ tục liên quan, Jưr và Lũp được cho trở về nhà sinh hoạt bình thường; riêng Kưnh được ở lại trụ sở Công an huyện thêm một thời gian. “Những năm tháng ở rừng, ngày nào mình cũng nhớ vợ con, nhớ làng. Không nói ra nhưng ai cũng biết mình đã chọn sai con đường. Họ gọi điện nói không được về vì về là bị bắt, bị ở tù, bị đánh nên chúng tôi không dám về. Nhiều khi, mình nghĩ sẽ chết già ở trên rừng này thôi. Mình biết ơn cán bộ vì đã đưa mình nhà, về với làng”, Lũp nói trong nước mắt.

Với Kưnh, quá trình “cùng ăn, cùng ở” với cán bộ, chiến sỹ Công an huyện, Kưnh đã được cảm hóa, hiểu được bản chất xấu xa của tà đạo để không tin, không làm điều sai trái nữa. Từ đó, Kưnh đã tin, quý mến cán bộ, chiến sỹ và không bất hợp tác như thời gian đầu nữa.

“Những ngày đầu, chúng tôi đưa cho lon nước ngọt thì Kưnh khen nước gì mà ngon quá, ở rừng chưa bao giờ được uống. Đã có thời điểm Kưnh bật khóc vì các bạn được về nhà còn mình thì còn ở lại Công an huyện. Tuy nhiên, sau khi được giải thích, Kưnh đã hiểu và chấp hành tốt. Giờ thì Kưnh đã biết uống cà phê, ăn phở chứ không như lúc ở rừng nữa”, Đại úy Hoàng Thái Sơn, Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Mang Yang vui vẻ nói.

Kể thêm về quá trình truy bắt các đối tượng, Đại úy Sơn cho biết, khu vực đối tượng lẩn trốn là rừng già, rộng khoảng 500ha. Qua công tác trinh sát, các anh phát hiện các đối tượng đang ở trong 1 hang đá giữa vực sâu, xung quanh là vách đá cao dựng đứng. Để tiếp cận đối tượng, các anh chọn lúc đêm khuya khi các đối tượng đã ngủ say.

Việc tiếp cận, bắt giữ đối tượng phải diễn ra vào ban đêm vì các đối tượng đã ở rừng nhiều năm, rất nhanh nhẹn và thông thuộc địa hình. Quá trình tiếp cận, tổ công tác đã gặp tình huống bất ngờ là đối tượng Lũp đi soi ếch về, rọi đèn pin xung quanh. Rất may, anh em đã kịp thời ẩn mình và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trao đổi thêm với chúng tôi, ông Sum (người uy tín làng Kret Krot) chia sẻ, ngày Kưnh về, trong làng không ai nhận ra Kưnh mảnh mai, đen chũi như lúc trước nữa. Sau thời gian ở huyện, Kưnh mập mạp, trắng trẻo hơn nhiều. Bà con cùng buôn làng  nói với nhau phải tìm cách giúp đỡ gia đình những người mới trở về làm ăn, phát triển kinh tế, không tin theo cái xấu, không làm điều sai trái nữa.

“Với chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, Kưnh, Lũp, Jưr đã không phải nhận án phạt tù. Thay vào đó, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tìm cách hỗ trợ các gia đình phát triển kinh tế như mở các lớp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây cà phê, chăm sóc cây lúa nước… Chúng tôi luôn bên cạnh động viên, giúp đỡ các anh sống lương thiện, sớm hòa nhập cuộc sống bình thường, phát triển kinh tế và làm giàu trên mảnh đất quê hương”, Đại úy Hoàng Thái Sơn nói thêm.

Chí Hào
.
.
.