Gặp người trở về từ cõi chết

Thứ Tư, 18/05/2005, 09:08

Ngày 16/5, sau gần 3 tháng nằm viện vì mắc cúm gà H5H1, bệnh nhân Nguyễn Sỹ Tuân, 21 tuổi, đã được trở về căn nhà yêu dấu của mình ở xã Thụy Lương, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, nơi mà anh đã tưởng không bao giờ được trở lại. Thành công của nền y học Việt Nam đã mang lại cho Tuân và gia đình một niềm vui vô bờ...

Chiều 16/5, tại Trung tâm Y tế huyện Thái Thụy, bác sỹ, Phó khoa Cấp cứu Nguyễn Thị Nút cho chúng tôi biết: Ngày 13/5, các bác sỹ ở Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới (Hà Nội) đưa anh Tuân về huyện. Thể lực anh còn yếu lại vừa phải qua quãng đường dài cả trăm km nên các anh, các chị quyết định đưa Tuân về điều trị thêm ở Trung tâm Y tế huyện. Sau 3 ngày theo dõi, điều trị như hướng dẫn của Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, đến nay bệnh nhân Tuân đang hồi phục tốt nên Trung tâm đồng ý với nguyện vọng của gia đình cho anh về nhà.

Ông Nguyễn Sỹ Nhân, bố đẻ bệnh nhân nhớ lại... Mồng 2 Tết, gia đình mua 2 con gà và 1 con ngan. Tuân là người trực tiếp làm lông, mổ thịt. Ngày 5 Tết, Tuân bắt đầu bị sốt, ho đến ngày mùng 7 thì đỡ nhưng ngày hôm sau lại bị sốt cao hơn. Sáng 20/2 dương lịch (tức 12 Tết), gia đình cho Tuân lên điều trị ở Trung tâm Y tế huyện. Sáng 21/2, Trung tâm Y tế huyện nghi bệnh nhân mắc H5N1 nên đã chuyển lên Bệnh viện tỉnh và ngay chiều tối hôm đó, anh Tuân phải chuyển lên Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới (Hà Nội). Cùng lên Hà Nội có cả bố mẹ và người chị của Tuân là Nguyễn Thị Nhung, 23 tuổi. Ở nhà chỉ còn lại em Nguyễn Thị Ngoan, 14 tuổi.

Sau khi cho Tuân nhập viện, hôm sau từ Hà Nội, ông Nhân điện thoại qua người hàng xóm để báo cho con gái và mọi người ở gia đình đỡ lo thì lại nhận thêm một tin sét đánh: Ngoan lại bị sốt cao và buộc phải đưa lên Bệnh viện tỉnh. Để lại vợ và con gái lớn ở Hà Nội trông nom Tuân, ông Nhân tức tốc trở lại Thái Bình. Cả khu vực cách ly ở khoa lây, Bệnh viện tỉnh Thái Bình hôm đó chỉ có một mình cháu Ngoan và bác của cháu. Gặp nhau, cả con lẫn bố đều khóc. Ông Nhân gạt nước mắt để trở về làng lo chạy tiền cứu chữa cho hai con. Ngay trong đêm 22/2, ông Nhân trở lại Bệnh viện tỉnh. Thấy Ngoan còn nhẹ hơn Tuân, ông Nhân để lại chút tiền cho hai bác cháu trông nhau, còn ông lại phải lên Hà Nội. Chiều 23/2, qua điện thoại được biết Bệnh viện tỉnh vừa quyết định chuyển Ngoan lên Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, ông Nhân lặng đi. Vậy là bệnh tình của con gái ông đang diễn biến xấu.

Ngay tối đó, Ngoan được đưa vào cùng phòng điều trị với anh trai, ông Nhân càng lo lắng hơn khi biết rằng năm ngoái có 3 người và năm nay đã 2 người cùng quê Thái Bình đã bị tử vong vì H5N1. Sau 18 ngày điều trị, bệnh nhân Ngoan đã khỏe lại và được xuất viện. Còn Tuân hầu như nằm bất động, thức ăn, thức uống đều phải truyền thẳng vào dạ dày qua đường ống, thậm chí thở cũng phải nhờ máy. Đây thực sự là một cuộc chiến của các giáo sư, bác sỹ để giành giật lại sự sống cho bệnh nhân từ tay thần chết. Trong số 18 bệnh nhân mắc H5N1 được cứu sống ở đây, không có trường hợp nào nặng như Tuân. Chính các giáo sư, y, bác sỹ lại phải động viên vợ chồng ông Nhân: "Còn nước, còn tát".

Đi lại như con thoi giữa Hà Nội về Thái Bình, vợ chồng ông Nhân đã bán đi 1 nửa đất ở, diện tích 120m2 với giá 24 triệu đồng. Khoản tiền này với người nông dân như ông Nhân là vô cùng lớn, nhưng để cứu lấy tính mạng cho anh Tuân lại quá nhỏ. Ông Nhân hiểu rõ như vậy và càng hiểu thêm tấm lòng của các giáo sư, bác sỹ ở Bệnh viện Bạch Mai và Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới.

Từ ngày thứ 43, các giáo sư, bác sỹ thông báo cho ông Nhân, tình hình sức khỏe của Tuân bắt đầu có dấu hiệu khả quan. Thế nhưng, cuộc chiến vì tính mạng Tuân còn phải tiếp tục kéo dài thêm 40 ngày nữa. Trải qua 82 ngày đêm vất vả, sáng 13/5, Nguyễn Sỹ Tuân đã được các giáo sư, bác sỹ ở Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới cho xuất viện. Và lúc 19h30' ngày 16/5, anh Nguyễn Sỹ Tuân run rẩy đặt những bước chân đầu tiên trở lại căn nhà thân yêu của mình trong niềm vui vô bờ của bố mẹ, ông bà, chú bác mặc dù hôm nay trở về anh chỉ còn 35kg so với 54kg trước khi bị bệnh. Theo gia đình, về nhà Tuân đòi ăn đủ thứ, nào chả xào, nào thịt chó... và thậm chí cả tiết canh!

Chia tay gia đình, ông Nhân dặn đi dặn lại chúng tôi, nếu có viết bài thì phải nhớ viết giúp ông một câu: Cả gia đình, họ tộc của ông vô cùng cảm ơn các giáo sư, bác sỹ ở Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đớt như bác Hà, bác Đức Hiền, bác Vân, chú Thái v.v... những người cha, người mẹ thứ hai của Tuân và Ngoan... Nếu không có họ, chắc chắn thần chết đã cướp đi 2 đứa con yêu của gia đình

Phan Anh Cường
.
.
.