Thiềng Liềng - ấp đảo xa với những điều kì diệu

Gặp "người quan trọng", cả ấp phải thuộc số điện thoại

Chủ Nhật, 05/02/2017, 07:59
Ở nơi mênh mông biển và nước, được trang bị duy nhất một túi cứu thương và chiếc kẹp rốn sơ sinh, nghĩa là chẳng có gì trong tay so với một bệnh viện nơi trung tâm thành phố với những trang thiết bị y tế hiện đại...

Ở nơi mênh mông biển và nước, được trang bị duy nhất một túi cứu thương và chiếc kẹp rốn sơ sinh, nghĩa là chẳng có gì trong tay so với một bệnh viện nơi trung tâm thành phố với những trang thiết bị y tế hiện đại, làm việc trong điều kiện tối thiểu như vậy, nhưng với 26 năm bám đảo, lo chuyện sức khoẻ cho 800 nhân khẩu, y sĩ Nguyễn Ngọc Hà – Trưởng trạm Y tế Thiềng Liềng - Thạnh An - Cần Giờ từ lâu đã được coi là người "thầy thuốc nhân dân" trong lòng người dân ấp đảo Thiềng Liềng.

Những trải nghiệm với đời, với nghề mà chúng tôi được anh chia sẻ chỉ có thể kết luận bằng một chữ "Tâm" giản dị, thương người như thể thương thân. Nhiệm vụ nặng nề, bà con ở đây còn gọi anh với 3 chữ đầy yêu thương: "Người quan trọng". Vì hầu như gia đình nào cũng phải lưu số điện thoại của anh. Thậm chí thuộc vì anh cũng là “đường dây nóng” trong mọi nhu cầu cấp cứu trên ấp đảo.

Y sĩ Nguyễn Ngọc Hà khám bệnh cho người dân trên đảo Thiềng Liềng.

Điều kiện quá xa xôi, trạm y tế hiện mới chỉ có anh và một cán bộ thuộc Quân dân y nữa được giao nhiệm vụ chăm lo sức khoẻ cho người dân nơi này. Điều đặc thù nữa là ai cũng coi anh như bác sĩ riêng của gia đình mình và có thể gọi điện bất cứ giờ nào, ngày cũng như đêm. Nhưng bản thân anh cũng xác định, đã là cán bộ y tế nơi này thì phải luôn trong tư thế “sẵn sàng chiến đấu”.

Tốt nghiệp năm 1990, anh Hà về Trạm Y tế Thiềng Liềng công tác trong hoàn cảnh không có điện, không có bất cứ máy móc, phương tiện gì. Làm việc hoàn toàn trong cảnh dã chiến. Có bệnh nhân vào cấp cứu thì hoặc nhờ người cầm đèn pin hay chạy máy nổ để lo sơ cứu cho bệnh nhân.

Ca nào vượt quá khả năng thì nhanh chóng nhờ tới ca nô của lực lượng Biên phòng Thạnh An hỗ trợ chuyển bệnh nhân về thành phố. Nhưng lo nhất là những ca sản phụ chuyển dạ trên đảo. Vì không có phương tiện mà anh cũng không phải chuyên khoa sản.

Thế nhưng, nhiều ca đẻ rớt ngay tại nhà đã được anh xử lý rất "mát tay", mẹ tròn con vuông. Anh chia sẻ: "Mình làm với tinh thần thương người như thể thương thân. Cả ấp ai cũng nghèo, đau, bệnh, ai nỡ lòng mà lấy tiền của bà con? Ai cần gì mình giúp nấy! Cho được gì mình ráng cho. Đừng bắt họ phải cực hơn nữa!".

Còn nhớ vào một đêm mưa bão, dông gió khủng khiếp, Trạm y tế Thiềng Liềng tiếp nhận một bệnh nhân tai biến. Bình thường sẽ chuyển thẳng lên Bệnh viện Cần Thạnh-Cần Giờ. Nhưng sóng quá lớn, biển động, đò không chạy nổi. Nếu liều chạy, nguy cơ chết cả mình và bệnh nhân trên đường đi.

Chưa kể, quãng đường với 2 lần đò biển sẽ lấy mất giờ vàng cấp cứu. Anh quyết định gọi hỗ trợ ca nô của Biên phòng Thạnh An, nhưng không về Cần Thạnh mà cho ca nô vượt biển đưa bệnh nhân chạy thẳng lên Phòng khám Đa khoa An Nghĩa.

Tại đây có xe cấp cứu, đủ phương tiện để xe chạy theo đường bộ sẽ thuận lợi hơn; lại có điều kiện giúp bệnh nhân hồi sức trước khi lên cấp cứu ở bệnh viện thành phố. Mọi tính toán của anh là chính xác. Bệnh nhân đó được cấp cứu kịp thời.

Y sĩ của ấp đảo nên anh cũng phải quản lý toàn bộ “chị em” trong diện sinh đẻ của ấp, quản lý việc khám thai có đều không, tiêm ngừa... nhưng đảo ở vị trí biệt lập giữa biển khơi, quá xa các bệnh viện trung tâm thành phố nên các trường hợp sản phụ có diễn tiến sinh nở bất ngờ, trở dạ quá nhanh, chuyện đẻ rớt ở nhà là chuyện thường. Khi ấy, mọi sự đều trông cậy cả vào ông y sĩ. Như có trường hợp sản phụ vô tình bị trượt chân té khi đang làm việc.

Đò từ ấp Thiềng Liềng cập bến xã đảo Thạnh An.

Nghe gia đình hốt hoảng la gọi trong điện thoại, anh bình tĩnh gọi điện cho nữ hộ sinh từ xã đảo Thạnh An cấp tốc lên đò chạy qua. Còn mình vội đeo túi cứu thương chạy tới nhà sản phụ. Bên trong túi cứu thương chỉ có vài thứ lặt vặt sơ cấp cứu cơ bản cùng 1 chiếc kẹp rốn. Kẹp rốn dùng cho trường hợp đẻ rớt. Chống việc băng huyết và đợi nữ hộ sinh tới cắt rốn cho thai nhi. Hay 1 trường hợp khác xảy ra năm 2004. Khi đó đã là 11h khuya, bà mẹ sản phụ gọi cho anh mà lạc cả giọng: "Nó đẻ rồi!".

Anh vừa chạy vừa liên lạc qua điện thoại hướng dẫn bà mẹ chăm sóc sản phụ. Tới nơi, tiếp tục trấn an tinh thần cả gia đình, đồng thời hướng dẫn sản phụ làm theo chỉ dẫn của anh thông qua liên lạc với nữ hộ sinh tại Thạnh An. Bằng cái cách “hội chẩn” từ xa như vậy, anh đã thực hiện thành công nhiều ca sanh nở tại ấp đảo trong tình trạng rất nguy cấp như vậy.

Làm việc trong điều kiện tối thiểu, nhưng cường độ làm việc thì tối đa. Trách nhiệm của người thầy thuốc trước tính mạng của người dân khiến anh có lúc là bác sĩ nội khoa, có khi thành bác sĩ nhi khoa, lão khoa!.

Chỉ sơ cấp cứu ban đầu nhưng có không ít tình huống mà lần đầu tiên anh phải đối mặt, chưa từng được học hay thực nghiệm bao giờ. Kể cả cấp cứu hàng loạt bệnh nhân liền một lúc.

Đêm đó khi đang ở trong nhà, anh nghe tiếng bà con la ầm ĩ. Anh vừa mở cửa, cũng kịp lúc một nhóm người dân đưa vào 4 người đàn ông máu me đầy người, có người mang trên mình nhiều vết đa chấn thương.

Anh kể: "Một thoáng qua hơi lo lắng vì chỉ có một mình, tôi nhanh chóng kêu bà con hàng xóm, gần 10 người hỗ trợ. Người đỡ bệnh nhân lên giường, người lấy nước sôi, bông băng. Chúng tôi tiến hành băng ép, khâu vết thương. Giờ phút khẩn cấp đó cầm máu nhanh cho bệnh nhân là điều cần nhất. Có bệnh nhân sau khi băng ép xong phải chuyển đi gấp vì quá nặng do chấn thương đầu với những vết rách dài, mất máu".

Liệt kê tình trạng từng bệnh nhân, nhưng như anh nói, tất cả những chẩn đoán đều bằng sự cảm nhận nghề nghiệp vì không có phương tiện như siêu âm hay CT-Scaner mà chụp chiếu, kiểm tra tổn thương.

Bữa đó, cấp cứu xong cho 4 người thì người anh cũng dính đầy máu bệnh nhân nhưng cũng phải ra đò, theo bệnh nhân về Trạm y tế xã Thạnh An. Đêm đó, anh trực cạnh bệnh nhân cho tới sáng mới bắt đò về lại Thiềng Liềng.

Cùng với lực lượng cán bộ y tế đang làm việc tại Phòng y tế xã đảo Thạnh An, y sĩ Ngọc Hà trực chiến tại ấp đảo Thiềng Liềng, cùng duy trì công tác khám, điều trị cho toàn bộ người dân trên ấp.

Ngoài công tác sơ cấp cứu ban đầu, chuyển viện cấp cứu, anh còn phải lo công tác phòng, chống dịch bệnh cho cộng đồng, nhất là các dịch bệnh nguy hiểm cho trẻ như: quai bị, thủy đậu, tay chân miệng; công tác tiêm chủng an toàn cho trẻ, công tác phòng, chống dịch vi rút Zika; phòng, chống HIV/AIDS.

Năm 2016, các chỉ tiêu chăm lo về sức khỏe của xã Thạnh An đều đạt và vượt kế họach từ 146% đến 171%; kéo giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng xuống dưới 2%. Trong nhiều thành tích đó đã có sự đóng góp đáng khâm phục của người y sĩ với 26 năm bám đảo ấy.

Huyền Nga
.
.
.