Gặp lại nữ thanh niên xung phong trung kiên một thuở

Thứ Năm, 19/05/2011, 14:32
Trong chuyến công tác tại Quảng Bình, chúng tôi được gặp chị Nguyễn Thị Sâm, người nữ thanh niên xung phong của đơn vị C759 đã hai lần chết đi sống lại trên đồi Cha Quang để mở đường Trường Sơn đi cứu nước. Chị đã được UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Đồi Cha Quang - một chứng tích trên đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại đã chứng kiến bao sự anh dũng chiến đấu, hy sinh của lực lượng thanh niên xung phong trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ác liệt.

Hai lần làm lễ khâm liệm

Mảnh đất Tuyên Hoá, Quảng Bình khắc nghiệt nắng gió nhưng con người ở đây lại rất hiền hoà, hiếu khách. Chị Sâm mặc bộ quần áo thanh niên xung phong (TNXP), đầu đội mũ tai bèo dẫn chúng tôi đi thăm lại chiến trường xưa. Nhìn rừng cây ngút ngàn, cua dốc quanh co, núi cao, vực sâu thăm thẳm, tịnh không một bóng nhà, bóng người, chúng tôi thực sự khâm phục ý chí, sức dẻo dai của hàng vạn TNXP, dân công hỏa tuyến đã quên mình xẻ núi, bạt đèo, đào đắp hàng triệu mét khối đất đá để mở đường Trường Sơn. Ký ức bi tráng dội về làm đôi mắt của chị nhoà đi…

Ngày ấy, chị Sâm mới 17 tuổi. Bạn bè ở thôn Sơn Ngọc, xã Đức Hoá, huyện Tuyên Hoá nhiều người đã lấy chồng, nhưng chị Sâm lại tình nguyện đi TNXP. Năm 1965, tuyến đường 12A bị địch bắn phá ác liệt. Để giữ vững tuyến giao thông huyết mạch chi viện cho tiền tuyến, ngày 6/5/1965, gần 180 TNXP của huyện Tuyên Hoá vừa mười chín đôi mươi, trong đó có 70 chiến sĩ nữ, được tổ chức thành một đại đội lấy tên là C759, biên chế thành 8 tiểu đội để bổ sung lực lượng cho công trường 12A. Trong số đó, chị Nguyễn Thị Sâm trẻ tuổi nhất.

Hôm lên đường, nhiều người tưởng chị đi tiễn anh trai, bởi trông chị rất nhỏ bé. C759 được giao nhiệm vụ quản lý 10km đường từ Khe Cấy đến Bãi Dinh, cứ 1km đường lại có một tiểu đội chốt giữ. Đây cũng là đoạn đường bị bom Mỹ đánh phá ác liệt nhất.

Suốt 47 ngày đêm (từ này 18/5 đến 3/7/1966) địch đã trút xuống khu vực km21 đồi Cha Quang hàng ngàn tấn bom đạn, nhằm vùi lấp con đường, nhưng các chị vẫn bám trụ với tinh thần máu "C759 có thể bị đổ, nhưng đường của C759 không thể bị tắc". Trận chiến đấu ngày 3/7/1966 đã trở thành một sự kiện bi hùng trong cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.

Chị Sâm đang thắp hương tưởng nhớ đồng đội.

14h ngày 3/7, máy bay Mỹ ném xuống hàng trăm quả bom, ngay lập tức 5 tiểu đội TNXP C759 và 1 trung đội bộ đội công binh ứng cứu dùng mìn phá đá để san lấp mặt đường. Tiểu đội 2 và 5 gồm 8 người, trong đó có chị Sâm được giao nhiệm vụ bắn mìn ở đống đất sụt. 22h cùng ngày nhiệm vụ sắp hoàn thành thì bất ngờ địch thay đổi giờ đánh tọa độ, một loạt bom nổ đinh tai nhức óc giữa lưng chừng núi, chính diện với đội hình C759.

Chị Sâm kể: "Tôi chỉ thấy lửa loé lên và rầm rầm đất đá rơi xuống rồi ngất đi. Khi tỉnh lại thấy mình đang nằm trong bệnh viện và được nghe mọi người kể chuyện mình chết đi sống lại thật ly kỳ".

Bom Mỹ làm cho cả tiểu đội của chị bị đất đá vùi lấp. Có một chiến sỹ công binh ở đội bên cạnh được đồng đội tới cứu, khi vừa đào qua ngực, đồng chí này đã nói ngay: "Bên cạnh tôi có một người nữ nữa". Đào mãi vẫn không thấy chị Sâm, họ định bỏ cuộc, nhưng chiến sĩ công binh vẫn cố thuyết phục "các anh thương nữ hơn thương nam". Lại đào tiếp. 10 phút sau, anh Trần Văn Hào đã đào trúng vào chiếc mũ dừa chị Sâm đội trên đầu, reo lên "thấy rồi". Họ bới được chị ra khỏi lòng đất, bụng chị phình to, sùi bọt mép. Không thấy chị còn sống, đồng đội đưa chị ra cửa ngầm nằm chờ xe chở quan tài vào đưa chị đi mai táng.

4h sáng hôm sau, xe chở quan tài mới tới, lúc khiêng chị khâm liệm bỗng một đồng đội phát hiện ngực chị vẫn còn ấm đã hét lên "còn sống, còn sống". Họ cấp tốc xúc đất đổ lên xe cho chị nằm khỏi xóc và chở chị băng rừng đến Bệnh viện quân đội 14. Bác sĩ thăm khám cho chị đã lắc đầu, nhắc đơn vị chuẩn bị làm thủ tục cho chị về khâm liệm. Nhưng không ngờ, sức sống mãnh liệt của người con gái chưa tròn đôi mươi lại lớn đến thế. Chị tỉnh lại khiến các bác sỹ sửng sốt, bàng hoàng. Lúc này chị mới biết, 7 đồng đội của mình đã hy sinh cùng nhiều bộ đội công binh và  67 chiến sĩ bộ đội, TNXP bị thương.

Để ghi nhớ chiến công vẻ vang và sự hy sinh anh dũng đó, C759 đã quyết định lấy ngày 3/7/1966 để làm tên gọi cho ngọn đồi Cha Quang. Và đồi Cha Quang lại có thêm tên gọi "Đồi 37" từ ngày ấy.

Một lần chết đi sống lại tưởng đã là một sự kiện đáng nhớ trong đời người, nhưng chị Sâm lại tiếp tục trải qua một lần "tưởng chết" thứ hai. Đó là 2 năm sau, trong một lần bị bom B52 của Mỹ giội xuống lán trại, do sức ép của bom khiến chị bị ngất. Chị được đơn vị khiêng vào bệnh viện cấp cứu. Lúc này cơ thể chị rất yếu, toàn thân bất động và đặc biệt là không tiếp nhận bất cứ thuốc men nào. Tưởng chị đã chết, đơn vị đành khiêng chị về để làm lễ truy điệu. Nhưng kỳ lạ thay, đúng lúc tưởng chị vĩnh biệt đồng đội để ra đi thì như một sợi dây thần kỳ nào đó, một đồng chí phát hiện ngực chị còn ấm, họ lại cấp tốc đưa chị đi cấp cứu. Và chị đã sống, đã không chịu khuất phục trước kẻ thù.

Cuộc sống giữa đời thường

Cả tuổi thanh xuân cống hiến cho con đường huyền thoại, di chứng của chiến tranh đã khiến cho sức khỏe của chị Sâm giờ yếu đi nhiều. Vết thương trên đầu trong lần chị bị vùi lấp được anh Hào cứu vẫn hằn nguyên. Chị kể: "Năm 1979 tôi chuyển về làm công nhân cầu đường ở Tuyên Hoá, lúc này chồng tôi thì ở xa, ba mẹ con ốm đau luôn. Công ty thì hay di chuyển, ba mẹ con không thể đi theo được nên phải về mất sức". Sinh được hai cô con gái, tư tưởng "trọng nam khinh nữ" của chồng đã khiến cuộc sống hôn nhân của anh chị không hạnh phúc. Chồng chị bỏ vào Nam, hai đứa con gái cũng đi lấy chồng trong Nam, ở mảnh đất cằn cỗi mưa nắng khắc nghiệt chỉ còn mình chị.

Căn nhà lá chị lợp từ năm 1998 đến nay đã xuống cấp, tường nhà nứt toác, vá víu. Mỗi khi trời mưa, nhìn nước dột xuống từ mái nhà, chị lại nhớ đến những năm tháng gian khổ đã qua mà bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Không có lương hưu, không có thu nhập, chị trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn để trang trải cuộc sống, sớm tối bầu bạn với thiên nhiên, với những công việc xã hội, tham gia vào các đoàn thể để nhân lên niềm vui

Trần Hằng - Anh Hiếu
.
.
.