Kỷ niệm 96 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại (7/11/1917 - 7/11/2013)

Gặp lại những người bạn chiến đấu trên xứ sở Bạch dương

Thứ Tư, 06/11/2013, 13:31
Gần 23 năm không được đặt chân trên đất nước Nga, tôi vẫn mong ước có ngày được trở lại. Cuối tháng 9 vừa qua, tôi đã thực hiện được mong ước đó. Trong những ngày ở Moskva, tôi như được trở lại quê Mẹ. Mọi cảnh vật đối với tôi rất thân quen và gần gũi.

Tuy thời gian ở Moskva không nhiều, song tôi vẫn dành thời gian tìm gặp ông Ko-le-snik Ni-ko-lai Ni-ko-lai-e-vich - người bạn Nga đã cùng chia lửa với chúng tôi trên trận địa lửa phòng không ở Việt Nam trong những năm 1965 - 1966. Ông muốn mời chúng tôi đến gia đình theo đúng phong tục của Việt Nam vào ngày chủ nhật 29/9. Song chúng tôi không thể nhận lời, vì hôm đó chúng tôi sẽ đang ở Saint Peteisburg theo chương trình đã chuẩn bị trước đó.

Chúng tôi đã gặp nhau trong giờ nghỉ trưa của cơ quan ông tại một địa điểm gần Hồng trường. 2 giờ trôi đi nhanh quá, không đủ để cả tôi và người bạn Nga của tôi nói hết những điều mà mình muốn nói.

Hình như cả hai chúng tôi đang quay trở lại thời gian cách đây đã gần 50 năm. Trong thời gian từ tháng 7/1965 đến tháng 3/1966, ông Ni-ko-lai Ni-ko-lai-e-vich là chuyên gia bệ phóng tên lửa của 2 Trung đoàn tên lửa Phòng không 236 và 261. Ông luôn luôn sát cánh cùng với các chiến sĩ bộ đội tên lửa Việt Nam trong các trận đánh trả máy bay Mỹ xâm phạm bầu trời Việt Nam, góp phần vào chiến công chung của 2 trung đoàn trong thời gian đó đã bắn rơi 19 máy bay các loại của Mỹ. Với thành tích đó, trước khi kết thúc nhiệm kỳ công tác trở về nước, ông đã được Chính phủ Việt Nam tặng Huy chương Hữu nghị. Khi về nước, ông được Chủ tịch đoàn Xôviết Tối cao Liên Xô tặng Huy chương “vì củng cố hợp tác chiến đấu”.

Khi đã về nước, ông vẫn luôn nhớ đến những ngày chiến đấu ở Việt Nam và ủng hộ Việt Nam bằng những hoạt động trong các tổ chức đoàn kết với Việt Nam. Từ năm 1967 đến nay, ông là hội viên Hội Hữu nghị với Việt Nam. Đầu năm 1988, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Đoàn và từ năm 1994 đến nay là Chủ tịch Đoàn Hội CCB Xôviết tại Việt Nam – một tổ chức xã hội của những chuyên gia quân sự Liên Xô đã sang công tác tại Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Ông là tác giả - biên tập cuốn sách “Chiến tranh Việt Nam là thế đó”. Đây là một tập hồi ức của các CCB Xôviết đã công tác tại Việt Nam trong những năm 1965-1973. Cuốn sách đã được dịch ra tiếng Việt.

Do có nhiều đóng góp vào việc củng cố và phát triển tình đoàn kết chiến đấu giữa CCB Xô viết và CCB Việt Nam nói riêng và tình hữu nghị giữa Việt Nam và LB Nga nói chung, tháng 2/2013, ông được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang ký quyết định tặng Huân chương Hữu nghị và Đại sứ Việt Nam tại LB Nga đã tổ chức lễ trao huân chương đó tại Moskva. Ông được Chính phủ Liên Xô trước đây và Chính phủ LB Nga ngày nay tặng thưởng Huân chương Cờ đỏ và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác.

Hai người bạn sau gần 30 năm mới gặp lại (ngày 30/9/2013).

Ông còn tự hào đưa cho chúng tôi xem tấm ảnh hồi tháng 3/1966, ông là một Thượng sĩ được vinh dự đón Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam sang thăm chính thức Liên Xô và đến thăm Trung đoàn Tên lửa phòng không cận vệ Putilov Kirovskyi thuộc Quân khu Phòng không Moskva. Ông nói: “Hai tiếng Việt Nam đã khắc sâu vào trái tim tôi ngay từ khi đó”.

Ông Ni-ko-lai Ni-ko-lai-e-vich đã tặng tôi bản tiếng Nga cuốn sách “Chiến tranh Việt Nam là thế đó”. Chia tay nhau, tôi và ông Ni-ko-lai Ni-ko-lai-e-vich đều bịn rịn và hẹn ngày gặp lại.

Đến Saint Petersburg chúng tôi coi như đến cố đô của nước Nga. Tại thành phố cổ kính này có bao nhiêu kỷ niệm cách đây gần 30 năm thi nhau ùa về trong tôi. Thời gian ở đâu đối với tôi cũng ít. Tuy thế, chúng tôi vẫn len lỏi đến từng góc phố để tìm nhà ông Xi-đo-rov – chuyên gia không mặc áo lính đã sang Việt Nam vào thời kỳ cuối thập niên 60 đầu thập niên 70 của thế kỷ trước để giúp cơ quan chúng tôi xây dựng trung tâm thông tin phục vụ an ninh – quốc phòng. Ông đã được Chính phủ Việt Nam tặng Huy chương Hữu nghị, Bộ Nội vụ Việt Nam tặng Huy chương “Bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Năm 1985, tôi có dịp ở Lê-nin-grát 5 tháng, tôi đã đến thăm gia đình ông Xi-đo-rov một số lần. Theo địa chỉ cũ, chúng tôi lần tìm cho được nhà số 5 trên phố Bla-go-đat-na-ya và nhờ vào lòng nhiệt tình chỉ đường của người dân địa phương nên chúng tôi nhanh chóng tìm ra được nhà ông bà Xi-đo-rov.

Các chuyên gia Liên Xô tham gia ngày thứ bảy lao động XHCN tại công trình 75810, người đẩy xe là đồng chí Xi-đo-rov.

Thế là cuộc hội ngộ sau gần 30 năm đã diễn ra trong sự xúc động tới đỉnh cao của tôi và ông Xi-đo-rov. Tôi thật bùi ngùi khi tôi và ông ngồi vào chiếc ghế đi văng mà cách đây gần 30 năm tôi và ông bà Xi-đo-rov đã mấy lần từng cùng ngồi xem tivi, thế mà lần này không có bà Li-đia A-lek-se-ev-na. Hồi năm 1996, người vợ thân thương của ông Xi-đo-rov đã ra đi đột ngột do bị tai biến mạch máu não. Tôi càng xúc động, bàng hoàng khi nghe ông cho hay: Ông đang bị ung thư dạ dày và sắp phải vào viện để mổ. Ở tuổi 84 và mấy năm nay, bệnh hiểm nghèo đã làm cho ông yếu đi rất nhiều so với trước. Song vì quá vui mà lại là niềm vui bất ngờ nên ông Xi-đo-rov cứ chạy ra bếp rồi lại chạy vào phòng khách, muốn đem tất cả những thứ gì đang có trong nhà để tiếp những người bạn từ Việt Nam tới. Tôi đã giúp ông thực hiện công việc này.

Ông đưa cho chúng tôi xem tập ảnh mà các ông đã chụp trong thời gian công tác ở Việt Nam, muốn cùng chúng tôi nhớ lại những tháng năm các ông đã vượt qua nhiều khó khăn về thời tiết, về điều kiện sinh hoạt trên đất nước đang ngày đêm có chiến tranh để giúp chúng tôi trong việc lắp đặt, khai thác, sử dụng các loại thiết bị hiện đại, phục vụ thông tin an ninh – quốc phòng. Hình ảnh ông là một “thanh niên” rất khỏe đang kéo chiếc xe chở đất trong ngày thứ bảy lao động xã hội chủ nghĩa tại công trình nói lên lòng nhiệt tình của các chuyên gia Liên Xô đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và công cuộc xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc Việt Nam.

Ôi, ước gì sức khỏe của ông bây giờ cũng được như thế! Nhìn ông tôi thấy càng thương ông khi ông ốm mà không có người vợ ở bên cạnh. Tôi lo cho sức khỏe của ông khi ông phải mổ. Ông muốn chúng tôi ngồi lâu hơn nữa. Song thấy ông mệt, mặt khác chúng tôi cũng cần chuẩn bị để tạm biệt ông trở về Moskva. Cuộc chia tay tràn đầy những cảm xúc khó tả. Tôi cố nén tiếng khóc muốn bật ra để nói với ông rằng: Chúc ca mổ sắp tới đến với ông sẽ đem lại cho ông bình an và sức khỏe, để ông đón đứa chắt ngoại sắp ra đời. Con trai ông có một con gái đã đi lấy chồng. Tôi ôm ông và nói: “Nhất định chúng ta còn gặp nhau”. Ngậm ngùi, quyến luyến chúng tôi chia tay nhau.

Tạm biệt nước Nga trong mùa thu vàng rực rỡ, lòng tôi xôn xao khó tả. Cảm ơn các bạn Nga đã dành cho chúng tôi những tình cảm như những người thân. Tôi rất cảm ơn anh chị Xa-sa đã tạo điều kiện cho tôi có cơ hội trở lại nước Nga, được gặp lại những người bạn đã từng cùng nhau chia lửa. Tôi cầu mong cho ông Xi-đo-rov sẽ vượt qua cuộc phẫu thuật định mệnh sắp diễn ra

Tháng 10 năm 2013
N.C.K.
.
.
.