Gặp lại người Anh hùng mở đường ra đảo Cồn Cỏ

Thứ Bảy, 22/06/2013, 15:56
Nhà của Anh hùng Lê Văn Ban ở cách Bến đò B Tùng Luật, xã Vĩnh Giang (Vĩnh Linh, Quảng Trị) chỉ tầm 200m. Cách đây gần 50 năm, từ bến đò lịch sử này, người thanh niên ấy đã cùng với một số thanh niên cùng làng, vận chuyển thành công ra đảo Cồn Cỏ 60 chuyến hàng là lương thực, đạn dược để tiếp tế cho bộ đội đánh giặc.

Chiến tranh đã lùi xa, Tùng Luật hôm nay thật bình yên, từ cây cầu Cửa Tùng bắc qua dòng sông Bến Hải nhìn vào ngôi làng, đẹp như tranh vẽ. Song nhắc đến Bến đò B thì không ai có thể quên những hủy diệt tàn khốc ngày đó của bom đạn kẻ thù...

Anh hùng Lê Văn Ban nay đã ngoài 80 tuổi, có phần nghễnh ngãng song gợi về quá khứ oanh liệt ấy thì ông kể rất trôi chảy, không quên một chi tiết nào. “Năm 1965, Mỹ đánh rất dữ ở vùng biển đảo Cồn Cỏ. Lần đầu tui nhận nhiệm vụ vận chuyển lương thực, đạn dược ra đảo cho bộ đội, đi cùng với 5 người. Anh Trần Quên được giao làm thuyền trưởng, là đảng viên dự bị, còn 5 chúng tôi đều là đoàn viên. Lúc chúng tôi chèo thuyền đến cách đảo chừng 3km thì máy bay Mỹ oanh kích, pháo ngoài hạm đội của chúng bắn vào xối xả. Anh Quên và 3 đồng chí khác hy sinh. Sau trận ấy, tui tiếp tục xung phong ra đảo và được giao nhiệm vụ thuyền trưởng” - ông Ban nhớ lại.

Cũng trong năm 1965, ông và nhiều thanh niên khác ở làng vận chuyển được nhiều chuyến hàng ra Cồn Cỏ. Trong một chuyến ra đảo với 12 chiếc thuyền, bom và đạn pháo của Mỹ đã bắn trúng 3 chiếc, khiến nhiều đồng chí hy sinh...

Anh hùng Lê Văn Ban hạnh phúc tuổi già bên người vợ tảo tần, hiền thảo của mình.

Sau trận đánh quyết tử với kẻ thù trên biển đảo Cồn Cỏ, rồi được dân quân du kích xã biển Triệu Lăng, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đón vào bờ nuôi giấu, chuyển trở lại ra miền Bắc, chàng trai ở làng chài Tùng Luật đã nghĩ ra một cách khác tiếp tế lương thực, đạn dược cho bộ đội ở đảo. Đó là thay vì đi vào ban đêm, anh và những người khác tổ chức đi vào buổi trưa.

“Ăn cơm xong, chúng tôi xuống thuyền, chèo chậm ra đảo, trên các hàng hóa đều có ngụy trang bằng các ngư cụ. Đến tầm 20h, lúc cảnh sát ngụy ở bờ Nam sông Bến Hải bắt đầu tập trung quan sát vào tàu thuyền của ta, thì ta đã lọt ra khỏi “điểm ngắm” của chúng. Lúc này cũng là lúc tăng tốc, bằng sức người và buồm để thuyền nhanh cập đảo. Thường là sau 4h đồng hồ, anh em ra đến được đó, tập kết hàng nhanh lên đó rồi quay trở vào chứ không ở lại như những lần trước. Sáng kiến này đã giúp ta vận chuyển trót lọt hàng chục chuyến hàng ra đảo mà không hề bị địch phát hiện” - ông Ban kể lại.

Ngày 1/1/1967, chàng trai ở làng chài Tùng Luật - Lê Văn Ban - người mở đường máu ra đảo Cồn Cỏ đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, ông ở lại mảnh đất Tùng Luật, nơi chôn rau cắt rốn của mình để phụng thờ cha mẹ và hương khói cho đồng đội đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh ở mảnh đất này.

Người làng Tùng Luật và huyện Vĩnh Linh còn biết tới ông nhiều hơn trong một lần ông bám biển trở về, cầm trên tay chiếc mái chèo, đi ngang qua địa đạo Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, Vĩnh Linh. Nhiều cựu chiến binh Mỹ đã hỏi ông Ban: “Trên tay bạn đang cầm cái gì vậy?!”. Ông trả lời mộc mạc: “Dân tui gọi đây là cái mái chèo, dùng để chèo thuyền.

Trong chiến tranh, người dân quê tui đã dùng chiếc mái chèo này để chèo thuyền đưa bộ đội vượt các con sông, hành quân và vào chiến trường. Tui và nhiều đồng chí cách mạng khác cũng đã dùng chiếc mái chèo này để vận chuyển lương thực, đạn dược ra đảo Cồn Cỏ tiếp tế cho bộ đội ở đó. Nay hòa bình rồi, dân tui lại dùng mái chèo này để ra biển đánh bắt con cá, con tôm nuôi sống gia đình và các con ăn học”. Đoàn cựu chiến binh Mỹ sau khi lắng nghe ông Ban giải thích công năng của chiếc mái chèo, đã im lặng hồi lâu rồi cùng nhìn ông đầy cảm phục.

Sau nhiều năm bám biển, đến năm 2003, ông Ban do tuổi cao sức yếu, đã chọn nghề khác - đầu tư đúc bờ lô, bán kiếm sống và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Ông còn được nhiều người quý mến bởi tấm lòng nhân ái bao dung. Hằng tháng, ông nhận lương hưu đều trích từ 300-500 nghìn đồng, giúp đỡ những hoàn cảnh neo đơn bệnh tật. Anh hùng Lê Văn Ban cũng vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị trao tặng Bằng khen vì đã có công trong việc chăm sóc thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng và giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với những hộ gia đình có hoàn cảnh đặt biệt khó khăn ở địa phương

Thanh Bình
.
.
.