Gặp lại “cô gái Ngọc Sơn” bắt phi công Mỹ

Thứ Ba, 02/06/2009, 21:30
Bà Lê Thị Bích Hường, người con gái xã Ngọc Sơn (Thanh Chương, Nghệ An) tay không bắt giặc Mỹ sống ngày nào giờ đây sống trong căn nhà mái ngói nhỏ, dột nát, lụp xụp và chưa được hưởng một loại trợ cấp nào cả. Đồ đạc trong nhà ngoài tấm Huân chương Chiến công hạng ba, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Bằng khen của Tỉnh đội Nghệ An ra thì không có thứ gì đáng giá nổi trăm nghìn bạc…

Tại Bảo tàng Quân khu IV có trưng bày một tấm ảnh chụp người con gái trạc 25-26 tuổi, dáng người nhỏ nhắn, thấp đậm, có đôi mắt sáng đứng cạnh xác máy bay Mỹ bị bắn rơi ở Truông Bồn ngày 27/8/1966. Đó là chị Lê Thị Bích Hường - người con gái xã Ngọc Sơn (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) tay không bắt sống giặc lái máy bay Mỹ. Cạnh bức ảnh là chiếc liềm, vũ khí duy nhất của chị để chống trả tên giặc trời có vũ khí trong tay.

Sau bức ảnh là tấm Huân chương Chiến công hạng ba của Chủ tịch nước Hồ Chí Minh, tấm Bằng khen của Tỉnh đội Nghệ An số 453 tặng cho chị với thành tích "đã dũng cảm mưu trí một mình tay không quần nhau với giặc bắt sống tên Thiếu tá giặc lái máy bay Mỹ ngày 27/8/1966".

Xem các hiện vật và người trong ảnh, tôi bỗng nhớ đến người đàn bà nhỏ nhắn có tên là Hường ở xã Nam Hưng (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) cách xã tôi khoảng 5km, thỉnh thoảng vẫn xuất hiện ở chợ Gia quê tôi với gánh củi lá bán trên vai... Có phải bà Hường là chị Hường năm xưa trong câu hát mà tôi đã nghe khi còn nhỏ "Đẹp như cô gái Ngọc Sơn bắt phi công Mỹ...".

Bà Lê Thị Bích Hường vẫn tần tảo trong căn nhà của mình. Ảnh: Hữu Mai.

Đúng như dự đoán, chị Hường thấy trong bảo tàng và bà Hường ở xóm Đình Long 1, xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn là một.

Lúc này trước mặt tôi là bà Hường với dáng ốm yếu, khắc khổ đang ngồi thái rau lợn. Bà sống trong căn nhà mái ngói nhỏ, dột nát, lụp xụp và đến tận bây giờ vẫn chưa được hưởng một loại trợ cấp nào cả. Thấy có khách, bà ngừng thái rau, chống gối đi vào nhà. Đồ đạc trong nhà ngoài tấm Huân chương Chiến công hạng ba, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Bằng khen của Tỉnh đội Nghệ An ra thì không có thứ gì đáng giá nổi trăm nghìn bạc.

Bà kể: Sinh ra ở xã Ngọc Sơn, lúc còn nhỏ bà đã mồ côi cả cha và mẹ, ngày hai buổi bà đi ở chăn trâu cho mọi người. Năm 1962, ở cái tuổi "bẻ gãy sừng trâu", bà cùng người dì ruột di dân vào Đình Long, một hậu cứ quan trọng của Quân khu IV thời chiến tranh, đây là nơi tập kết vũ khí đạn dược của Quân đội phục vụ cho chiến trường miền Nam. Ở Đình Long từ 1962-1967, bà tham gia lực lượng dân quân trực chiến.

Nhờ gan dạ, dũng cảm lại ở một mình không bị ràng buộc với ai nên bà được biên chế vào "đội thép", "đội cảm tử" rà phá bom mìn thuộc dân quân xã Ngọc Sơn. Bà đã cùng với lực lượng dân quân xã Ngọc Sơn, các đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn vận chuyển bảo vệ hàng chục tấn hàng hóa quân sự phục vụ chiến đấu.

Vào lúc 10h ngày 27/8/1966, đang đi chăn trâu phiên cho hợp tác xã tại chân núi Tranh thì một tốp máy bay Mỹ đến ném bom tại Truông Bồn. Để bảo vệ hàng hoá và vũ khí, lực lượng bộ đội đóng quân trên địa bàn đã đánh trả quyết liệt, bắn rơi hai máy bay Mỹ. Tên Thiếu tá giặc lái máy bay nhảy dù xuống quả đồi vắng gần nơi bà chăn trâu.

Sẵn có chiếc liềm bứt củi trong tay, bà băng băng chạy lên đồi nơi gã giặc đang loay hoay mở dù. Mở được dù, gã giặc cao lớn một tay mở điện đài, một tay lăm lăm khẩu súng ngắn chạy thẳng lên đồi chờ máy bay trực thăng Mỹ đến cứu. Không để gã giặc chạy thoát, bà chạy tắt lên đón đầu.

Tới nơi để phủ đầu, một  tay bà cầm hòn đá, một tay cầm chiếc liềm gí vào giữa mặt anh ta. Bị bất ngờ lại thấy người đàn bà nhỏ nhắn mặt đằng đằng sát khí huơ liềm trước mặt đã làm cho gã giặc hốt hoảng giơ tay xin hàng. Dẫn giải anh ta tới chân đồi thì lực lượng bộ đội và dân quân đã có mặt kịp thời để áp giải về bàn giao lại cho cấp trên.

Với thành tích trên, bà vinh dự được kết nạp vào Đảng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huân chương Chiến công hạng ba, được Tỉnh đội Nghệ An tặng Bằng khen, được đi báo cáo thành tích cho các đơn vị bộ đội chiến đấu trên địa bàn tỉnh Nghệ An...

Sau đó, bà được cử đi học văn hóa để đào tạo nguồn cán bộ lâu dài, nhưng khổ một nỗi khi xuống tới quân khu, kiểm tra văn hóa thấy bà không biết chữ nên cấp trên đành phải trả về địa phương để bà tiếp tục hoạt động trong lực lượng dân quân xã cho đến hết chiến tranh.

Cuối năm 1968, trong một lần hiệp đồng cùng với lực lượng TNXP mở đường phục vụ chiến đấu, bà đã gặp ông Nguyễn Đình Bảo, hai người yêu nhau và trở thành vợ chồng. Năm 1977, sau 19 năm cầm súng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, ông được chuyển về địa phương với chế độ thôi việc.

Đến hôm nay sau hơn 40 năm chung sống, ông Bảo - bà Hường đã thành ông thành bà, nhưng vẫn chưa được hưởng một chế độ đãi ngộ gì của Nhà nước. Thành tích của ông bà hầu như bị người ta quên đi sau khi cắt một phần xã Ngọc Sơn nhập vào xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn.

Từ khi về xã Nam Hưng đến nay, địa phương này không ai nhắc đến bà. Ở xã Ngọc Sơn, khi đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, họ cũng "quên" mời bà trong khi nhà bà chỉ cách UBND xã 5km.

Năm 1998, về lại huyện Thanh Chương với sự giúp đỡ của UBND huyện, bà Hường đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất. Hiện tại, hai người con của ông bà đã có gia đình riêng làm ăn xa ở các tỉnh phía Nam, không có điều kiện đỡ đần bố mẹ, cuộc sống của ông bà Hường còn gặp muôn vàn khó khăn.

Chào bà ra về, thấy bà ngồi thái cây chuối cho lợn trong căn nhà dột nát, tôi hỏi bà có ước gì không, bà nói: Ước có căn nhà nhỏ, hai ông bà có đồng phụ cấp để sống hết tuổi già...

Qua bài viết này mong chính quyền xã Nam Hưng, xã Ngọc Sơn có biện pháp giúp đỡ bà Hường - người đã góp một phần nhỏ bé của mình cùng đất nước làm nên chiến thắng

Nguyễn Hữu Mai
.
.
.