Gặp lại ‘chị’ Năm Thanh giữa rừng Mã Đà

Thứ Ba, 25/08/2015, 11:15
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, một ngày cuối tháng 7/2015, giữa rừng Mã Đà, trời chợt đổ cơn mưa, chúng tôi ngồi nghe ông Năm Thắng hoài niệm về một thời “giả gái” đại náo đội tình báo Thiên Nga mà không khỏi ngỡ ngàng và khâm phục.

Nhìn Năm Thắng bây giờ “đố” ai có thể nhận ra “cô Năm Thanh” ngày nào. Da trắng đã thay bằng da ngăm đen. Eo thon đã thành bụng phệ. Tóc đen dài nay đã ngắn lại lấm tấm muối tiêu. Con người độc nhất vô nhị đó chính là Huỳnh Văn Thắng (Năm Thắng) – chiến sỹ tình báo, từng có 5 năm mang tên một cô gái Huỳnh Thị Thanh, là đội viên biệt đội Tình báo Thiên Nga của địch.

Huỳnh Văn Thắng xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, cái nôi của phong trào Đồng Khởi những năm 1960. Cha và 4 anh trai đều đi làm cách mạng, Năm Thắng là con út nên ở nhà chăm sóc cho mẹ.

Giữa lúc cuộc chiến tranh đang khốc liệt với sự càn quét của địch trong trận Tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Năm Thắng tận mắt chứng kiến người anh trai thứ ba Huỳnh Văn Tạc và nhiều người trong xóm bị giặc giết ngay tại quê nhà. Quá đau đớn và căm phẫn trước cái chết của anh trai, Năm Thắng quyết chí trả thù cho anh.

Sau Tết Mậu Thân 1968, phong trào đấu tranh chống Mỹ-ngụy ở Bến Tre lên cao, địch thành lập tổ chức tình báo Thiên Nga, tung lực lượng mật vụ, thám báo vào các tổ chức kháng chiến để cài cắm, chỉ điểm khiến nhiều cơ sở cách mạng bị lộ, nhiều cán bộ bị bắt tù đày và giết hại.

Chị "Năm Thanh" ngày xưa và...

Năm 1969, Năm Thắng được cử đi học lớp cứu thương và làm việc tại căn cứ cách mạng. Lúc này, tại quận Mỏ Cày, lực lượng Thiên Nga đã hoạt động khá mạnh. Ty Công an Bến Tre đã tìm cách để cài người của ta vào trong lực lượng Thiên Nga với mục đích tìm hiểu phát hiện những kẻ chỉ điểm, thám báo mà Thiên Nga đã cài cắm.

Trong một lần Năm Thắng chăm sóc sức khỏe cho ông Ba Hội, Trưởng ty Công an Bến Tre, đột nhiên ông Ba Hội hỏi: “Tao thấy mày trắng trẻo, xinh xắn như… con gái. Hay là mày giả gái vô làm trong đội Thiên Nga đi”. Năm Thắng đồng ý và chấp nhận dấn thân ở tuổi 17.

Ông Thắng nhớ lại: “Làm con gái gia nhập đội tình báo Thiên Nga đã khó, tui là đàn ông phải “giả gái” còn khó gấp vạn lần. Tui phải về nhà để má dạy làm… con gái”. Năm Thắng học cách đi giày cao gót, mặc áo ngực, để tóc dài, gội đầu lá sả, bồ kết, nói năng, điệu bộ õng ẹo... Vẫn chưa thể trở thành phụ nữ hoàn toàn, Năm Thắng quyết định tới gặp bác sỹ Châu nhờ tiêm một liều hoocmon để trở thành phụ nữ. Mặc dù đã được bác sĩ cảnh báo, việc tiêm thuốc có thể khiến ông sau này khó trở lại làm đàn ông, nhưng trung thành với lời thề, Năm Thắng quyết chí hóa thân.

Năm Thắng chính thức xuất hiện với một thân phận mới, hình dáng mới, tên gọi mới - Huỳnh Thị Thanh (Năm Thanh). Tổ chức bố trí đưa “chị” Năm Thanh lên thị xã Bến Tre làm căn cước giả, mang mật danh F5, bước vào trận tuyến mới, nơi mà “chị” phải độc lập tác chiến ngay tại hang hùm - tổ chức thám báo Thiên Nga.

Vốn xinh đẹp, khéo léo, lại có duyên ăn nói, Năm Thanh nhanh chóng nhập vai thiếu nữ bán hàng rong gánh xôi chè đi khắp các ngõ ngách để nghe ngóng tình hình, trà trộn vào tận trụ sở của đội Thiên Nga để bán. Tận dụng cơ hội, Năm Thanh làm quen với đám con gái trong đội thám báo Thiên Nga, đặc biệt là gây sự chú ý với Sáu Dung – Đội trưởng đội Thiên Nga để nhận được sự quan tâm đặc biệt.

...ông Năm Thắng bây giờ, một tỷ phú rừng Mã Đà.

Để tạo lòng tin, Năm Thanh cố tình nói bóng gió: “Hồi hôm thấy mấy người lạ mặt đeo súng đi vô ấp, chắc có đánh nhau”. Rồi hôm khác thì: “…Nghe mấy bà trên chợ nói tối nay Việt cộng về nghe”... Cứ thế, dần dần Sáu Dung đã chú ý đến con nhỏ bán hàng rong nhiều chuyện này. Một hôm, nhân vụ Năm Thanh cãi nhau với mấy thành viên nữ trong đội Thiên Nga về chuyện làm đổ nồi chè, Sáu Dung đã kêu Năm Thanh vào trong phòng và bảo: “Em bán hàng rong lời lãi được bao nhiêu đâu. Nghe chị, vô đội Thiên Nga vừa nhàn hạ vừa có tiền nhiều”. “Nhưng đâu phải tụi nó nhận tui liền đâu. Nó phải thử tui qua mấy bận, coi kết quả báo cáo của tui có đúng không. Rồi nó về nhà tìm hiểu tui nữa” - ông Năm Thắng kể.

Để tạo niềm tin với bọn mật vụ, cấp trên đã tạo cớ về những thông tin giả để Năm Thanh cung cấp khá chính xác như: “Đêm nay, Việt cộng sẽ đánh ở Ngã Ba” thì y như đêm đó, súng đạn nổ rầm trời ở Ngã Ba. Hôm khác: “Tối nay sẽ có du kích phục kích ở mé đồn”… thì quả thực có nhiều dấu vết du kích mai phục. Những thông tin đó khiến Sáu Dung tin cậy Năm Thanh và làm giấy tiếp nhận vô đội. Cũng từ đó, lực lượng Công an Bến Tre có thêm một chiến sĩ tình báo mang mật danh F5 - Huỳnh Thị Thanh.

Năm Thanh được đội Thiên Nga giao hàng ngày bán hàng rong, đi lại trong các địa bàn Định Thủy, tìm hiểu các thông tin về Việt cộng để báo cáo lại cho chúng. Sáng sáng, Năm Thanh còn phải tập trung vô trụ sở đội Thiên Nga để sinh hoạt, triển khai kế hoạch. Từ đây, Năm Thanh đã làm quen được nhiều tên chỉ điểm, chiêu hồi cỡ “gộc” để mật báo tổ chức xử lý.

Năm 1973, nhờ thân với Sáu Dung, Năm Thanh đã biết được thông tin ở ban Thám báo có hai thành viên nhiều lần chỉ điểm, bắt giữ nhiều cán bộ cách mạng nằm vùng. Trong một lần tỉ tê tâm sự, Sáu Dung cho biết đó là Phạm Văn Hương và Nguyễn Văn Tư chuyên nghề bán men rượu và mua mía đường dạo. Năm Thanh báo cáo ngay cho tổ chức xử lý hai tên chỉ điểm đó. Lần khác, Năm Thanh mật báo cho tổ chức mật phục, bắt tên chiêu hồi Ba Đằng.

Công việc của Năm Thanh khá thuận lợi, nhưng trong cuộc sống của “chị” gặp nhiều áp lực khi “giả gái”. Hàng xóm biết Năm Thanh làm cho giặc, trút hết mọi lời cay độc, khinh khi vào tai người mẹ và xóm làng. Nhưng đau khổ hơn, khi hàng ngày Năm Thanh phải chịu đựng trong hình hài phụ nữ, tiếp xúc với những thành viên đội Thiên Nga. Thậm chí mỗi khi chúng tỏ vẻ thân mật, tiếp xúc, Năm Thanh cũng phải tìm cách tế nhị để né tránh.

Đặc biệt, nhiều tên biệt kích “cáo già” như: Mười Râu, Tư Nghệ… luôn tìm cách tán tỉnh, rủ rê “người đẹp” Năm Thanh đi chơi… Những lần như thế, Năm Thanh tế nhị “tránh né” từ chối, tìm cách thân thiết với vợ của mấy tên “dê xồm”đó để làm bình phong. Lần cuối cùng, gần đến ngày miền Nam giải phóng, Năm Thanh đã gặp tên Lộc, con trai đại tá Khiêm – Tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre) si tình đòi cưới làm vợ. Năm Thanh báo cáo tổ chức xin rút lui an toàn…

Nhớ lại chuyện suýt bị làm dâu, ông Huỳnh Văn Thắng cười khà khà: “Cả đám Thiên Nga đều dụ tôi, được làm con dâu đại tá Khiêm là nhất, mắc mớ chi mà lấn cấn. Nó không cưới được quay qua thù ghét thêm mệt. May quá trong lúc đang căng thẳng như vậy thì chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, bọn chúng lo chạy nên quên luôn chuyện cưới”.

Sau ngày đất nước giải phóng, việc đầu tiên mà Năm Thanh làm, đó là gặp lại bác sĩ Châu để chích thuốc, quay trở lại “đời trai”. Với 4 mũi chích, Năm Thanh đã bình phục, được trở lại làm chính mình, cái tên Huỳnh Văn Thắng được lấy lại. Như bao người đàn ông khác, Năm Thắng lấy vợ và sinh được 5 người con.

Từ năm 1984 –1994, Năm Thanh bỏ sang Campuchia làm ăn với nghề bán bánh bò, bánh tiêu, tích góp được ít vốn ông trở về Kiên Giang lập gia đình và khởi nghiệp. Tuy nhiên, cuộc đời lại quá khắc nghiệt với ông, khi phát hiện mình bị bệnh gan, ông gần như tuyệt vọng. Năm 1995, sau khi chữa hết bệnh gan, sức khỏe hồi phục, ông lại được làm cha một lần nữa với sự ra đời của bé Huỳnh Thị Kim Triệu như một điều kì diệu mà cuộc đời đã ban cho ông.

Ông mang đàn con nhỏ lên rừng Mã Đà, Đồng Nai để lập nghiệp. Từ mảnh đất thuê, ông đã tích cóp mua được 14 mẫu đất và phát triển mô hình VAC trở thành trang trại vàng, tỷ phú rừng Mã Đà.

Giờ đây, Năm Thắng cất một ngôi nhà tường khang trang ngay tại nền nhà cũ ọp ẹp khởi nghiệp ngày nào. Ông cười rất hạnh phúc và mãn nguyện khi vượt qua dốc cao đời người để thành đạt. Và niềm vui nhất với ông bây giờ chính là các con đã có gia đình riêng, sống ổn định… Riêng cô con gái rượu Kim Triệu thì đang quyết chí học tập ngoại ngữ, học võ để thi vào trường Công an. Nối nghiệp cha và người bác là ông Tư Hoàng - nguyên Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai.

Ngọc Lan (CAND số đặc biệt)
.
.
.