Gặp "5 chàng trai IPhO 2008"

Thứ Ba, 15/07/2008, 15:21
"5 chàng trai IPhO" năm nay đều đã từng bước trên đỉnh vinh quang của các kỳ thi IPhO quốc gia, châu Á, quốc tế. Cả "5 chàng trai IPhO" đều mong muốn thi đấu "đẹp mắt", hết mình và một lần nữa giành vòng nguyệt quế, mang vinh quang về cho nước nhà.

Lần thứ hai tôi lại trở lại khách sạn Phương Nam trên đường Láng Hạ, Hà Nội - một nơi đã quá quen thuộc với các đội tuyển Olimpic quốc tế Việt Nam. Năm 2007, Bộ GD & ĐT cũng chọn nơi này làm nơi ôn luyện, ăn nghỉ của đội tuyển Toán quốc tế và năm nay là đội tuyển Olimpic Vật lý quốc tế (IPhO).

Khi tôi và một số đồng nghiệp đến, thầy giáo Nguyễn Xuân Thành, giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội, Phó Trưởng đoàn IPhO của Việt Nam đang cùng 5 học trò của mình "dùi kinh mài sử".

Căn phòng quá nhỏ bé và tiện nghi thì vô cùng đơn giản, chỉ có một chiếc bảng phoóc trắng đã cũ, hai chiếc bàn gỗ ọp ẹp và ba cái ghế nhựa, hai cái ghế gỗ, đủ chỗ ngồi cho 5 học trò. Chiếc tủ tường đã cũ cũng là nơi ngăn cách phòng học và phòng ngủ của các em.

Trong phòng ngủ, sách vở, va li bày la liệt trên giường, trên nền nhà, có cả ít bát đĩa để úp mì tôm, vài ba gói cà phê tan. Đúng là cảnh sĩ tử xa nhà. Một phóng viên buột miệng hỏi: "Các em ở như vậy có đảm bảo sức khoẻ không?".

Một ngày Bộ GD&ĐT cho các em 100.000 đồng tiền ăn, nhưng giá cả thị trường đắt đỏ như thế này, có lẽ các em cũng chỉ đủ dùng cơm bình dân. Nhưng cả "5 chàng trai IPhO" đều vui vẻ cho biết, mỗi ngày chỉ ăn hết 70.000 đồng, vẫn tiết kiệm được chút ít để mua quà cho người thân…

"5 chàng trai IPhO" năm nay đều đã từng bước trên đỉnh vinh quang của các kỳ thi IPhO quốc gia, châu Á, quốc tế. Nguyễn Đức Minh đến từ THPT chuyên Amstecdam (Hà Nội); Đỗ Hoàng Anh, ĐH KHTN (Hà Nội); Huỳnh Minh Toàn, THPT Lê Quý Đôn (Đà Nẵng); Nguyễn Tất Nghĩa, chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) và Trần Anh Vũ, THPT Dân lập Đào Duy Từ (Hà Nội). Thật đặc biệt, lần đầu tiên trong đội tuyển Olimpic quốc tế có một thí sinh đến từ trường THPT dân lập. Trong số "5 chàng trai IPhO" có Hoàng Anh và Tất Nghĩa năm trước cũng đã tham dự IPhO và đã dành HCV, HCB.

Thầy giáo Nguyễn Xuân Thành tạm dừng bài giảng và cho biết, đội tuyển được tập hợp vào tháng 5. Đã ba lần "cầm quân" đi thi ở các nước, kinh nghiệm thầy đúc rút được là muốn thành công thì điều quan trọng nhất vẫn là tư chất của từng thí sinh; thêm nữa nếu đề thi quốc gia chúng ta làm chất lượng thì sẽ chọn được thí sinh thật sự "trội", đủ sức tham dự đấu trường quốc tế.

Về phía người thầy đòi hỏi phải linh hoạt, nhạy bén, thầy phải thường xuyên suy nghĩ cấu trúc của đề thi, định hướng các bài toán cho các em, nếu không nhận đề thi, thí sinh dễ "choáng váng".

Cũng theo thầy Thành, vấn đề tâm lý, giữ tinh thần cho các em thoải mái cũng là điều quan trọng. Vậy thi ở nước nhà, các em có gặp sức ép không? Thầy Thành cho rằng: "5 em học sinh đều có tư chất và tư duy tốt, các em học tập rất miệt mài, nghiêm túc nên tôi tin chúng ta sẽ giành kết quả tốt nhất. Mục tiêu tất cả đều có huy chương, trong đó có huy chương Vàng. Nhưng IPhO còn mang tính thể thao, tôi vẫn động viên các em hãy thi đấu hết mình nhưng không nên quá căng thẳng vì thành tích".

Một kinh nghiệm nữa mà thầy Thành tâm đắc đó là sự chu đáo, kỹ lưỡng của người thầy. Khi bài thi của các em được chấm xong, Trưởng đoàn sẽ chấm lại, cố gắng chấm càng kỹ càng tốt, chấm kỹ cả giấy nháp của thí sinh mình thì sẽ đảm bảo quyền lợi cho thí sinh của mình.

Đề thi IPhO theo thầy Thành là một "đẳng cấp cao". Hai tháng qua, thầy và một số thầy giáo đến từ ĐH Sư phạm Hà Nội, NXB Giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục cũng phải "tăng tốc" cùng đội tuyển, cho các em giải các đề Vật lý quốc tế, châu Á, nghĩ ra các dạng bài toán khó để rèn các em khả năng tư duy sáng tạo.

Đặc biệt, các thầy rất chú ý để học sinh được làm nhiều bài toán thực nghiệm. Vì lâu nay, điểm yếu của học sinh Việt Nam bao giờ cũng là "thực nghiệm". Trong những lần trước đưa đoàn IPhO Việt Nam đi thi đấu, các thầy giáo của Việt Nam rất chịu khó mang về những bài toán thực nghiệm và cả những dụng cụ thí nghiệm cần thiết.

Đến thời điểm này, thầy Thành cũng đã yên tâm về khả năng thực nghiệm của đội tuyển. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng đã được trang bị những thiết bị thí nghiệm hiện đại nhất để phục vụ kỳ thi.

Trở lại câu chuyện với "5 chàng trai IPhO". Thật thú vị là cả 5 anh chàng này dù đã giành được biết bao thành tích đáng nể trong học tập nhưng lại đều thỏ thẻ, bẽn lẽn như con gái.

Trần Anh Vũ tâm sự, năm THCS và năm lớp 10, em học tại Hưng Yên nhưng kết quả học tập về môn Vật lý "không có gì nổi bật" (Vũ từng đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn tiếng Anh và đoạt giải nhì). Sau đó, do bố công tác ở Hà Nội, nên cả nhà chuyển lên đây và năm lớp 11, Vũ xin học ở trường THPT dân lập Đào Duy Từ, Hà Nội.

Tại đây, Vũ bắt đầu cú "bứt phá" khá ngoạn mục. Năm lớp 11, Vũ đều đoạt giải ba Vật lý thành phố và quốc gia, năm lớp 12, Vũ lại tiếp tục đoạt giải nhì cấp thành phố, quốc gia.

Vì sao Vũ thành công chỉ trong một thời gian ngắn như vậy? Vẫn vẻ bẽn lẽn và khiêm tốn, Vũ bảo tôi: "Em cứ thấy thích là học, đọc thêm nhiều sách vở liên quan và thường tự mình hệ thống lại các bài toán, làm liên tục kiến thức sẽ ngấm vào mình".

Mỗi chàng trai đều có ước mơ riêng. Tương lai xa, Tất Nghĩa - chàng trai đến từ THPT chuyên Phan Bội Châu hoài bão đi du học ở Mỹ, học về Vật lý ứng dụng, còn Huỳnh Minh Toàn mơ ước giản dị hơn, được là sinh viên của ĐH Bách Khoa Hà Nội…

Nhưng tương lai rất gần, cả "5 chàng trai IPhO" đều mong muốn thi đấu "đẹp mắt", hết mình và một lần nữa giành vòng nguyệt quế, mang vinh quang về cho nước nhà

Thu Phương
.
.
.