Game online: Giang hồ “dậy sóng”

Thứ Ba, 01/11/2005, 13:38

Mới chỉ vào Việt Nam độ một, hai năm, song Game online (GO) đã gây ra một cơn bão với sức tàn phá khủng khiếp. Số lượng người chơi GO cũng như các quán game đều tăng với tốc độ chóng mặt. Giới trẻ ăn game, ngủ game và đốt cả tương lai vào một thế giới không có thật.

Hiện nay game thủ của “Võ lâm truyền kỳ” (VLTK) đã lên đến con số trên 800 ngàn người, GO 3D  “Priston Tale - Giành lại miền đất hứa” (PTV) có hơn 500 ngàn chiến binh, “MU - Xứng danh anh hùng” cũng đã quy tụ hơn 500 ngàn thành viên - dù chỉ trong giai đoạn thử nghiệm. Ngoài ra còn hàng trăm ngàn game thủ của nhiều loại khác nữa như “Gunbound”, “TS online”, “RYLII”... Tổng số game thủ thường trực của GO đã lên đến 2 triệu. Lúc cao điểm, có tới 120 ngàn game thủ cùng online.

Để tận mắt chứng kiến các game thủ “ăn GO, ngủ GO”, chúng tôi dạo một vòng quanh các “phố game” của Hà Nội như: Lương Thế Vinh, Tạ Quang Bửu, Lê Thanh Nghị, Dương Quảng Hàm...

9 giờ sáng ngày 18/10, tại một quán GO trên phố Lương Thế Vinh. Mặc dù đang trong giờ học, song mấy chục dàn máy tính ở đây đều chật cứng học sinh - sinh viên. Khác với những game “cổ điển”, người chơi GO có thể vừa chiến đấu, vừa trò chuyện, trao đổi các món đồ cho nhau. Bởi vậy, các game thủ vừa chém giết, mua bán, chạy qua chạy lại gào thét xôm tụ như họp chợ.

Nhiều cậu thanh niên ngáp ngủ không cần che miệng, tôi hỏi chủ quán thì được biết họ chơi từ chiều hôm qua tới tận sáng nay. “Phải chơi thế mới nhanh thăng level (cấp độ) chứ!” - một game thủ phân trần.

Một trong số những trung tâm game online bậc nhất hiện nay.
7 giờ sáng hôm sau, tại một dịch vụ Internet trên phố Tạ Quang Bửu, hàng chục thanh niên trần như nhộng - chỉ mặc mỗi chiếc quần đùi - đang ngủ mê mệt trên những chiếc ghế ngồi được xếp vội vàng thành giường.

Tuấn, người em họ của tôi, vừa dụi mắt vừa giới thiệu: “Mấy thằng này đều là bạn cùng lớp của em cả. Bọn em lập một “party” (nhóm) để cùng nhau chinh chiến - đứa ít nhất cũng lên level 7X rồi. Lúc nào anh cần đồ đạc gì, cứ gọi em một tiếng là có ngay”. Được biết lớp Tuấn có gần 20 nam sinh, vậy mà tới 15 cậu bỏ học để chơi GO.

Cùng với sự bùng nổ về số lượng người chơi, các quán game, dịch vụ chơi game cũng tăng theo cấp số nhân. Các hàng GO mọc lên như nấm sau mưa: ngõ Tự Do gần Trường ĐH KTQD, phố Tạ Quang Bửu, đường Lương Thế Vinh... Rồi phố Lê Thanh Nghị gần Trường ĐHBK - các quán GO cứ san sát như bát úp. Nhiều điểm truy cập Internet thuần túy trên phố Lương Thế Vinh nay đã phải thay đổi cấu hình các dàn máy tính để phù hợp với GO.

Bên cạnh sự phát triển chóng mặt các cửa hàng game, số lượng máy trong mỗi cửa hàng cũng tăng với tốc độ phi mã. Nếu như trước đây mỗi cửa hàng chỉ có độ mươi mười lăm máy. Song vào thời điểm này thì cửa hàng có 40-50 dàn máy cũng chỉ thuộc loại “bình thường”. Nhiều điểm game con số đã lên tới 60-70 dàn máy - như “Nét Chùa” ở tầng hai siêu thị Vinatex, thị xã Hà Đông, hay tại khu D6 - tập thể Giảng Võ. Những dàn máy này phục vụ game thủ suốt ngày đêm. Không ít điểm còn kiêm luôn dịch vụ ăn, ngủ, tắm rửa tại chỗ. Các game thủ chỉ có mỗi việc là chơi và chơi mà thôi.

Đã thế, GO còn được các nhà cung cấp cổ xúy hết mình. FPT đã tổ chức hai festival nhằm giới thiệu những GO sắp sửa được tung lên mạng. Không chịu thua kém, Vinagame cũng tổ chức “Đại hội võ lâm, vinh danh thiên hạ” - một ở Hà Nội và một ở Tp. HCM - để cổ xúy cho VLTK.

Trong các sự kiện về tin học, viễn thông... GO luôn được giới thiệu ở những nơi bắt mắt nhất. Ở “Tuần lễ tin học 2” vừa qua tổ chức ở Hà Nội, người ta có thể thấy tấm panô khổng lồ giới thiệu GO “Risk your life II” (RYLII - Con đường đế vương II) của VASC. Còn với “Roadshow” của Asiansoft thì len lỏi tận vào các quán game để tiếp thị cho “TS online”. Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC) cũng lập hẳn một ban chuyên nghiên cứu về GO, xây dựng kế hoạch phát triển GO cho riêng mình. Ước tính, trong năm 2006, thị trường GO VN sẽ tăng trướãng 400%; doanh thu về GO trong năm 2006 đạt 12 triệu USD.

Quên thế giới thực

Phải nói rằng, sự ra đời của game trực tuyến đã tạo cho người chơi một “thế giới ảo” hoàn hảo. So với những game truyền thống như “Half-life” hay “đế chế” - mỗi bên nhiều nhất cũng chỉ 8 người được tham gia cùng một đội để đấu đá nhau - người chơi GO có thể huy động vài chục game thủ ở bất cứ đâu cùng vào chiến đấu một lúc. Tôi được tận mắt chứng kiến cuộc so tài của hai phái Hoa Sơn và Thiên Sơn trên đỉnh Tung Sơn trong trò chơi VLTK. Do có mối hiềm khích từ lâu (cả trong cốt truyện của Kim Dung lẫn trong đời sống thực) - mấy chục nhân sĩ của hai phái - quyết tìm nhau để một trận “sống mái”. Theo chân các cao thủ phái Hoa Sơn, tôi được tận mắt mục kích trận thư hùng có một không hai này.

Lúc ấy là 22 giờ, hàng chục chiếc xe máy rầm rập đổ bộ vào một quán game trên phố Lê Thanh Nghị. Mấy chục dàn máy (đã được đặt trước) được khởi động. Các game thủ đăng nhập vào trong game rồi bắt đầu tìm nhau “thanh toán”. Những tiếng la hét, thậm chí gào thét từ những game thủ khi phát hiện ra đối thủ hay khi bị “đồ sát” (giết chết) khiến quán game không khác một cái chợ vỡ. Các game thủ say sưa tàn sát nhau đến 10 giờ sáng hôm sau mà cục diện vẫn chưa ngã ngũ. Kẻ bị trọng thương thì về thành dưỡng thương. Người bị “đồ sát” thì tạm thời rút khỏi chiến trường - tới khi phục hồi lại sức mạnh thì lại ra chơi tiếp. Chưa biết trận “thư hùng” sẽ đi về đâu nếu nhiều game thủ của cả hai phái buộc phải lui binh vì vướng một kỳ thi quan trọng.

Qua tìm hiểu, tôi còn được biết một số phòng nam của ký túc xá MT còn thành lập được cả đội chuyên chơi GO. Các đội game này được chủ đại lý Internet ưu ái tới mức cho chơi game “chịu” triền miên. Vinh “gà”, một game thủ tiết lộ: “Họ khôn lắm. Chơi game chịu, các game thủ “oánh” quên trời quên trăng luôn. Đến khi hỏi về chi phí thì mới ngã ngửa người ra: “Tổng thiệt hại” lên tới gần 10 triệu đồng. Thế là bao nhiêu tiền học phí, tiền ăn của bọn em phải nộp vào game hết!”.

Với những thế mạnh như vậy, GO đang thực sự khiến các game thủ quên thế giới thực mình đang sống.

Minh Tuấn là học sinh lớp 11 Trường THPT Việt - Đức. Nhân những ngày hè rỗi rãi vừa qua, cậu lập một tài khoản trong “Gunbound” chơi cho đỡ buồn. Không ngờ cậu say mê đến mất ăn mất ngủ. Lúc nào cậu cũng bồn chồn, không biết nhân vật của mình lên đến cấp bao nhiêu? Cậu có thể ngồi cả ngày ở quán Net nếu bố mẹ không cho người đi lôi về. Nay đã vào học, Tuấn càng có cơ hội "chăm sóc" cho nhân vật của mình bằng cách biến hầu hết các giờ học thêm lẫn học chính khóa thành những giờ “ngồi đồng” ở quán game.

Quang Anh, học sinh lớp 12 Trường THPT Lương Văn Can - một lần “thử” xem tại sao thiên hạ đi đâu cũng thấy nói đến VLTK. Chỉ có vậy mà cậu đã nhanh chóng trở thành một con nghiện của game này. Bị bố mẹ quản thúc thời gian quá chặt, cậu nghĩ ra đủ mọi cách để trốn ra quán game.

Khi cả nhà đã ngủ say, Quang Anh lại leo qua cửa sổ từ tầng ba xuống để đi chơi game đến tận 5 giờ sáng lại leo vào. Sự việc chỉ vỡ lở trong một lần, mẹ Quang Anh thấy đèn trong phòng con mình vẫn sáng, bà ngỡ con học khuya mới mang cho con tô cháo gà. Bà mẹ chỉ biết ngồi khóc mà không dám làm to chuyện vì sợ... xấu hổ với hàng xóm.

Tưởng sau lần ấy vì thương cha mẹ mà Quang Anh bớt chơi game đi. Nhưng không, cậu vẫn say với VLTK như điếu đổ. Trung, chủ quán game gần nhà Quang Anh cho biết: “Do bị cha mẹ quản thúc chặt, tối nào cũng vậy, cứ đến “giờ giới nghiêm” là cậu ta lại dúi vào tay tôi 50.000đ, nhờ “cắm tăm” vào chuột để nhân vật tự chơi. Khi nào hết số tiền đó thì log out (thoát khỏi mạng) hộ nó. Nhờ vậy chỉ trong 6 tháng, nhân vật của Quang Anh đã lên cấp độ 9X (từ 90 đến 99). Nó cũng nuốt trọn tất cả số tiền cha mẹ cho để ăn sáng, học thêm và tiêu vặt.--PageBreak--

Dân chơi GO Trường ĐHBK không ai không biết TB với nickname chơi game là Gianghoquaikhach. Hiện cậu đã thuộc vào hàng đại cao thủ của VLTK với level 10X (từ 100 đến 110: level thay đổi từng ngày tùy người chơi ít hay nhiều). Để đạt được tới mức đó TB đã phải đánh đổi không biết bao nhiêu thứ. Năm nay đã là năm thứ 7 trên ghế trường ĐH, song TB vẫn chưa thể tốt nghiệp do nợ quá nhiều môn mà nguyên nhân chính là do chơi game triền miên.

GO còn trở thành “cần câu cơm” của không ít game thủ. Họ chỉ cần bỏ thời gian đi sưu tập các món đồ như: gươm, giáo, áo giáp, mũ, kiếm... tùy theo game rồi bán lại cho những kẻ không có hoặc không đủ thời gian để kiếm. Mỗi món trung bình cũng được từ 400 đến 800 ngàn đồng tùy mức độ quý hiếm của món đồ đó. Không chỉ có vậy, nhiều người còn chấp nhận “cày thuê” cho nhiều game thủ muốn đạt level cao mà không có thời gian luyện. Vào mạng  người ta có thể thấy thị trường mua bán, trao đổi đồ diễn ra khá tấp nập. Thậm chí nghe nói còn có cả một công ty chuyên “cày thuê” cho các game thủ!

Những hậu quả không ngờ

Phải công nhận rằng sự ra đời của GO là một sự phát triển vượt bậc của công nghệ giải trí. Song với những ai không làm chủ được bản thân thì GO thực sự là một “cuộc chơi không có hồi kết”.

Trước tiên, toàn bộ thời gian, tiền bạc lẽ ra đã được sử dụng vào những mục đích tích cực khác thì đã bị ném vào trò chơi một cách vô ích. Trung bình mỗi game thủ ngồi 3-5 giờ mỗi ngày (thực tế nhiều game thủ còn ngồi gấp 2-3 lần) thì số thời gian, tiền bạc bị bỏ phí không phải là nhỏ. Hiện tại, đã có GO VLTK là thu phí - và theo xu hướng chung, tất cả các game trực tuyến đều sẽ thu phí. Đến khi đó thiệt hại về vật chất của các game thủ sẽ không dừng lại ở đó.

Thứ nữa, việc buôn bán đồ đạc trong GO là rất phổ biến. Những món đồ giá trị có khi lên tới vài triệu đồng. Chính vì thế mà nảy sinh chuyện đánh cắp đồ đạc của nhau hoặc “đồ sát” trong VLTK để cướp đồ diễn ra thường xuyên. Nhiều game thủ còn cài các phần mềm ăn cắp password của bạn chơi để “luộc đồ”. Điều này khiến cho những mối hiềm khích sẵn có giữa các game thủ bị đẩy lên cao - những vụ xô xát, tranh chấp trong đời thực không phải là chuyện hiếm.

Mặc dầu ở bất cứ website để lập account của các GO đều khuyến cáo game thủ phải biết “điều chỉnh” thời gian để sao cho việc chơi game không ảnh hướãng đến công việc khác. Song, nó hầu như chỉ để “cho có”. Hầu như các game thủ chỉ liếc qua giống như những người nghiện thuốc lá liếc qua dòng chữ: “Hút thuốc có hại cho sức khỏe”.

Mới đây, Bộ Văn hóa - Thông tin và các bộ, ngành liên quan dự định ban hành quy định và biện pháp kỹ thuật để hạn chế thời gian chơi của các game thủ, yêu cầu nghệ sĩ, ca sĩ không tham gia cổ xúy cho GO... song tác dụng của nó thì còn phải chờ dài dài. Trong khi ấy, các GO vẫn bùng nổ và các tài khoản mới được lập không ngừng tăng thêm.

Nuhoangbongtoi là nickname của Nga - sinh viên HNN. Từ ngày được anh bạn tặng một account (tài khoản) trong VLTK, Nga đã trở thành một “con nghiện” chính cống của game này không kém bất kỳ một game thủ nào. Mỗi ngày, Nga dành không dưới 10 giờ để chăm chút cho nhân vật của mình. Nhiều khi, cô còn ngồi quán Game đến khi quán đóng cửa. Lúc này cổng ký túc xá cũng đã khóa, Nga đành offline (xuống mạng - ra về) ở nhà anh bạn hoặc một nhà nghỉ nào đó. Và chỉ có trời mới biết hai người đã làm gì với nhau trong thời gian đó. Kỳ học vừa rồi, trong danh sách những người phải thi lại nhiều nhất cả khóa, Nga “vinh dự” xếp đầu bảng.

Vuongtrungduong - nickname của TU - hiện là “cựu” học sinh Trường THPT Kim Liên có lần tâm sự với tôi: Từ ngày tham gia MU online, TU đã để hết tâm trí cho nhân vật của mình. Gia đình, bạn bè, học hành đều bị TU bỏ rơi. Cả một năm học, lúc nào TU cũng chỉ mau chóng được online để chăm chút cho nhân vật ảo của mình. Nhân vật bị chết hay mất máu, TU buồn mất vài ngày. Nhân vật lên level, cậu vui như bắt được vàng. Sau 1 năm gắn bó với game, cậu đã lên đến nấc đáng nể (ở VN game thủ đạt trình độ như cậu chỉ trên đầu ngón tay). Đùng một cái, MU online kết thúc phiên bản thử nghiệm. Tất cả mọi thứ TU gom góp trong cả năm biến mất như một làn gió thoảng. Cũng vì chơi game quá độ, bỏ bê học hành, từ một học sinh giỏi, tương lai rất xán lạn, TU đã thi trượt ĐH. Chán nản, thất vọng, TU lại lao vào chơi VLTK. Tương lai sẽ chờ đón cậu như thế nào đây?

Minh Tiến
.
.
.