GS.NGND Nguyễn Văn Chiển: Nhà khoa học địa chất sáng giá

Chủ Nhật, 10/04/2011, 10:50
Tốt nghiệp Đại học Khoa học năm 1944, chàng trai sinh viên Nguyễn Văn Chiển đã trăn trở rất nhiều về hướng đi của mình sau này. Tư duy của ông nặng về Toán - Lý hơn nên ông đã đắn đo khi GS. Hôp-Phê người Pháp ngỏ ý muốn nhận ông về phòng thí nghiệm Địa chất. Sau khi xin ý kiến thầy Hoàng Xuân Hãn, ông đã cống hiến cả đời mình cho lĩnh vực Địa chất học...

GS.NGND Nguyễn Văn Chiển là con út của một gia đình quê ở thôn Ngọc Nội, xã Trạm Lộ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Được dạy chữ Nho từ lúc 6 tuổi, rồi học chữ quốc ngữ ở trường làng bên, hết bậc sơ cấp, và Tiểu học Pháp Việt (Certificat d'études Primaires), cậu Chiển ra Hà Nội, thi vào học Trường Bưởi. Nhưng cũng chỉ học được mấy ngày thì bố mất, người mẹ ngoài 60 tuổi phải lo tiền gạo cho con ăn học nên người.

Hai năm liền (1935, 1936), quê nhà bị vỡ đê, cả làng phải ăn cháo, gia đình cậu Chiển trở nên khốn đốn. Đúng vào cái lúc anh học trò nhà quê tưởng chừng phải chia tay với mái trường thì cơ may lại mở ra. Nhờ học giỏi, anh được xét cấp học bổng toàn phần vào ở nội trú. Nguyễn Văn Chiển lại lao vào học, đặc biệt 2 năm cuối anh được thụ giáo hai thầy giỏi nổi tiếng là GS. Nguyễn Mạnh Tường và GS. Hoàng Xuân Hãn. Tháng 6/1941, Nguyễn Văn Chiển đỗ đầu kỳ thi tú tài toàn xứ Đông Dương.

Tốt nghiệp Đại học Khoa học năm 1944 với 4 chứng chỉ: Toán đại cương, Vật lý, Hóa học và Địa chất, ông đã trăn trở rất nhiều về hướng đi của mình sau này. Tư duy của ông nặng về Toán - Lý hơn nên ông đã đắn đo khi GS. Hôp-Phê người Pháp ngỏ ý muốn nhận ông về phòng thí nghiệm Địa chất. Ông bèn đến xin ý kiến thầy Hoàng Xuân Hãn:

- "Giỏi Toán như tôi vẫn chưa làm được gì cho đất nước. Giỏi Vật lý như anh Ngụy Như Kon Tum cũng vậy. Chúng tôi không có phòng thí nghiệm nên đành bó tay. Còn đối với các môn Địa chất, Động vật, Thực vật… thì cả đất nước là một phòng thí nghiệm bao la, chỉ sợ không có chí…".

Từ lời khuyên đó, ông đã cống hiến cả đời mình cho lĩnh vực Địa chất học.

1. Lịch sử đã đặt lên vai ông nhiệm vụ của người mở đường, người lát những viên gạch nền móng đầu tiên cho ngành Địa chất Việt Nam nhưng trước hết, với tôi, ông là một nhà giáo mực thước sau khi tạm xa cái nghề địa chất. Nhà giáo Nguyễn Văn Chiển đã có những đóng góp ngay từ buổi đầu tiên của nền giáo dục cách mạng với những tên tuổi lớn như Vũ Đình Hòe, Nguyễn Văn Huyên, Đặng Thai Mai, Tạ Quang Bửu.

GS.NGND Nguyễn Văn Chiển giới thiệu cuốn Atlas quốc gia.

Ngay sau Ngày Toàn quốc Kháng chiến (19/12/1946), Chính phủ đã quyết định xây dựng Trường Trung học kháng chiến Chu Văn An tại thôn Đông Lĩnh, xã Đào Giã (nay là xã Đông Lĩnh, huyện Thanh Ba) tỉnh Phú Thọ do giáo sư Trần Văn Khang được Bộ Quốc gia giáo dục cử làm Hiệu trưởng. Nhà trường có tất cả 13 thầy cô giáo gồm hai thế hệ: Trần Văn Khang, Trần Văn Giáp, Phạm Văn Bảng, Nguyễn Thị Thục Viên… Còn lại là các thầy rất trẻ mới tốt nghiệp đại học hoặc đang theo học đại học. Trẻ nhất là thầy Phạm Văn Hoàn 22 tuổi, mới có bằng toán học đại cương; thầy Dương Trọng Bái 23 tuổi, thầy Ngô Thúc Lanh 24 tuổi, thầy Nguyễn Thạc Cát 34 tuổi, thầy Đoàn Hựu, cô Nguyễn Thị Thứ, thầy Vũ Huyến…  Trường còn mời giáo sư Trần Văn Châu, nhà văn Hoài Thanh, luật gia Lê Kim Chung, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Toàn đến giảng thêm. Thầy Nguyễn Văn Chiển năm ấy 28 tuổi trở thành một trong những trung tâm thu hút học trò...

Tuy chỉ hoạt động thật sự có hơn 3 năm, Trường Trung học kháng chiến đã đào tạo một đội ngũ cán bộ có khả năng tự học để nâng cao trình độ. Chuyên gia đầu ngành y có bác sĩ Trần Đỗ Trinh - nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch, Chủ tịch hội Tim mạch; bác sĩ Bạch Quốc Tuyên - nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương; bác sĩ Nguyễn Tài Thu - Thầy thuốc nhân dân; giáo sư Đào Đình Đức - chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm vùng nhiệt đới… Về dược có dược sĩ Đoàn Thị Nhu - Viện trưởng Viện Dược liệu; Nguyễn Thị Kim Chi - Phó Tổng giám đốc Liên hiệp Xí nghiệp Dược… Nghệ thuật có đạo diễn Nguyễn Đình Nghi; họa sĩ Lưu Công Nhân; họa sĩ Trần Thục Phi; GS toán học Nguyễn Đình Trí; nhà giáo Trần Thục Nga; Thiếu tướng Đinh Tích Quân; Thiếu tướng - Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hưng Phúc; Bộ trưởng Đỗ Quốc Sam; Thứ trưởng Nghiêm Chưởng Châu…

Dù trong muôn vàn khó khăn của cuộc kháng chiến, Đảng và Nhà nước vẫn không quên việc đào tạo đội ngũ trí thức cho tương lai. Đang làm Hiệu trưởng Trường Sư phạm Trung cấp Trung ương ở Việt Bắc (1951) ông Nguyễn Văn Chiển được Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng giao nhiệm vụ mang thư của Bác Hồ sang Trung Quốc để cùng nước bạn tổ chức Khu học xá Nam Ninh. Hòa bình lập lại sau ngày về tiếp quản Thủ đô (1954), ông tiếp tục được tín nhiệm cử giữ chức vụ Phó Giám đốc (nay là Phó Hiệu trưởng) Trường ĐHSP Khoa học bên cạnh nhà toán học Lê Văn Thiêm.

Nhưng quản lý chỉ là nhiệm vụ Nhà nước giao cho, khi đã có người thay thế, nhà giáo Nguyễn Văn Chiển chuyển tất cả sang cho đồng nghiệp. Ông đơn thuần chỉ làm công tác chuyên môn giảng dạy và chuyên ngành ông dành nhiều tâm huyết nhất vẫn là địa chất.

Trong những năm đầu đào tạo khóa kỹ sư địa chất đầu tiên, thầy Nguyễn Văn Chiển nhận được sự hỗ trợ quan trọng của các GS Liên Xô: GS Nhemkov, Severin… Ông luôn luôn chú ý nêu tính chủ động của người học, tạo điều kiện cho họ tự học để vươn lên. Một câu chuyện thú vị gần như giai thoại rằng, ông từng nói với một học trò gần gũi của mình: "Anh hãy cứ nhảy xuống nước đi, tôi không để anh chết đuối mà sẽ chỉ cho anh cách bơi. Chắc chắn rồi sẽ biết bơi".

Từ khóa đào tạo mở màn này dưới sự kèm cặp ráo riết và trực tiếp của thầy Nguyễn Văn Chiển, miền Bắc có được những kỹ sư Địa chất đầu tiên để phục vụ kịp thời cho nhu cầu điều tra địa chất và tìm kiếm khoáng sản của đất nước. Nhiều người về sau đã trở thành những nhà khoa học địa chất hàng đầu như: GS Phan Trường Thị, Nguyễn Thanh, Nguyễn Thượng Hùng, Phạm Xuân, Vũ Khúc...

GS Tống Duy Thanh, xúc động nhớ lại: "Thầy Chiển đã cho tôi thấy được những điều kỳ diệu từ những viên đá tưởng chừng vô tri vô giác. Thầy đã dạy tôi cách "nghe" những hòn đá nói"...

2. Nhiều thế hệ tôn vinh GS.NGND Nguyễn Văn Chiển là "người tìm đường cho ngành khoa học Trái đất ở Việt Nam". Con đường khoa học ông đã đi, cũng như rất nhiều nhà khoa học cùng thế hệ, không hề dễ dàng, suôn sẻ mà đầy gian truân, vất vả.

Địa chất là một ngành khoa học thách thức đối với những người học, ngoài trí thông minh, đòi hỏi phải có niềm đam mê thật sự mới gắn bó được. Khóa học của ông, đến năm cuối, cả lớp Địa chất chỉ còn lại vẻn vẹn có 3 người, trong đó Nguyễn Văn Chiển là người Việt Nam duy nhất.

Bằng tài năng, uy tín, trong cương vị là Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, ông đã chủ trì nhiều chương trình nghiên cứu quan trọng của quốc gia. Đó là chương trình "Điều tra tổng hợp Tây Nguyên" của tập thể 26 nhà khoa học mà ông làm Chủ nhiệm. Sau giải phóng miền Nam, ông làm chủ đề tài đồ sộ - Tập bản đồ quốc gia Việt Nam (tên gọi khác là Atlas quốc gia) thực hiện trong 7 năm liên tục cùng đông đảo các nhà khoa học tâm huyết; công trình "Địa chất miền Bắc Việt Nam"; các giáo trình như: "Địa chất đại cương", "Thạch học", "Khoáng vật học", và đặc biệt là cuốn sách "Từ điển địa chất Việt Nam" đã hoàn thiện hệ thống thuật ngữ khoa học Địa chất, mở đầu cho việc giảng dạy địa chất bằng tiếng Việt.

"Không thể đếm hết những nẻo đường địa chất mà ông đã đặt chân, những con suối, dòng sông ông đã lội qua giữa những ngày đông giá… Hình như lòng ham mê nghề nghiệp của ông là không bờ bến. Chẳng thế mà sau một thời kỳ trèo đèo, lội suối liên miên hàng tháng trời, trở về Hà Nội, ông tâm sự với học trò rằng: Cứ cảm thấy mặt đất dưới chân, nó chông chênh thế nào ấy… Có lẽ bởi vì mặt đất bằng phẳng, phố phường nhộn nhịp đó vốn không phải là môi trường sống và làm việc của một nhà địa chất thực thụ như ông…" (Tạ Hòa Phương).

Các nhà cổ sinh quốc tế còn trân trọng dùng tên ông để đặt tên cho các sinh vật cổ lần đầu tiên mới phát hiện trên hành tinh này: Squameo favosites Vanchieni Tong - Dzuy, Plethorhyncha Chieni Zuong et Rzón...

GS.NGND Nguyễn Văn Chiển sáng lập Hội Địa chất Việt Nam và là Chủ tịch đầu tiên của Hội, Ủy viên lãnh đạo của Liên hiệp của Hội Khoa học Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng học hàm Liên ngành Khoa học Trái đất và Mỏ. Ghi nhận công lao của ông, Nhà nước ta cũng đã trao tặng ông những phần thưởng cao quý như danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Huân chương Lao động hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học & Kỹ thuật (2005) cho công trình "Bản đồ Quốc gia Việt Nam" do ông làm Tổng biên tập cùng tập thể tác giả. Đây là công trình một thời GS.NGND Nguyễn Văn Chiển kiên quyết từ chối nhận giải thưởng Lê-nin của Liên Xô (vinh dự như giải thưởng Nobel) chỉ vì có bên đòi nhận công mà đóng góp không xứng đáng.

Một nhà khoa học đã viết rằng: "Mỗi giải thưởng đều làm vinh dự cho người nhận, nhưng cũng không hiếm trường hợp người nhận làm vinh dự cho giải thưởng. Đó là những người quá cỡ mà kích thước của giải thưởng không trùm lên hết được, hoặc người ấy đa diện mà giải chỉ trao được cho một mặt nào đó... Nhưng những người như vậy thì hiếm lắm. Họ sống khiêm nhường, giản dị, lặng lẽ như một loại quặng quý ẩn chìm giữa nhân gian... Người tôi muốn nói đến ở đây là GS. Nguyễn Văn Chiển - người mở đường, bậc sư biểu, một chuyên gia hàng đầu của ngành Địa chất Việt Nam...".

3. Tôi lại tới GS.NGND Nguyễn Văn Chiển khi cụ mới ở bệnh viện về đang mệt nặng. Chìa bàn tay gầy guộc nắm tay tôi, cụ bảo: "Ông mệt lắm, không kể thêm chuyện cho cháu nghe được nữa…".

Tôi nhìn sang cụ Nguyễn Thị Thứ, là chỗ dựa tinh thần của cụ ông trong những lúc khó khăn nhất. Cả cuộc đời bà lặng lẽ tiếp sức cho chồng đi trên con đường khoa học gập ghềnh. Bà âm thầm chia sẻ, cảm thông cùng ông bao nỗi buồn vui trong cuộc sống. Hai ông bà cứ lặng lẽ cống hiến như con tằm nhả đến những sợi tơ cuối cùng mà không một lời đòi hỏi. Bà đã tự nguyện xây dựng một "hậu phương" vững chắc, một mái ấm gia đình hạnh phúc, để làm điểm tựa cho ông vững tin dấn bước vào khoa học.

Hai người con của ông bà đều noi theo nếp nhà, trở thành những nhà khoa học. Con gái đầu Nguyễn Hòa Bình, học một khóa kéo dài 7 năm ở nước ngoài, học đủ các ngành Điện tử công nghiệp, Điện tự động và Điện khí hóa Trường Kỹ thuật điện Lêningrat (Liên Xô). Tốt nghiệp kỹ sư, về nước, cô là cán bộ công tác tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Con trai Nguyễn Hoa Cương, Tiến sĩ ngành thăm dò địa chất và dầu khí, hiện đang công tác trong chương trình hợp tác liên doanh Việt - Mỹ về dầu khí.

***

Ngày 25/7/2009, cụ Nguyễn Văn Chiển về cõi vĩnh hằng. Người xưa có câu: "Nhân sinh tự cổ thùy vô tử/ Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh" (Người ta từ xưa đến nay có ai không chết? Lưu lại một tấm lòng son trong sử xanh). Tôi nghĩ những nhà khoa học đã lưu tấm lòng son với sử xanh trong thế kỷ XX này, không thể thiếu GS.NGND Nguyễn Văn Chiển

Kiều Mai Sơn
.
.
.