Dưới bóng "cây mùa xuân"

Thứ Hai, 11/02/2008, 11:19
“Giúp họ "vượt dốc", vượt qua nghịch cảnh cuộc đời!”,  bà Nguyễn Thị Mẫn, người được mệnh danh là người phụ nữ "vác tù và"… của quận 3, TP Hồ Chí Minh đã mở đầu câu chuyện với tôi như vậy.

Gần 20 năm nay trên cương vị Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi TP (gọi tắt là Hội), bà cùng với các cộng sự chắt chiu quyên góp từng đồng tiền quý báu, từng món quà nho nhỏ trao tận tay đúng lúc nhất cho những mảnh đời bất hạnh, cơ nhỡ.

Gần 5 tỷ đồng từ các tổ chức và cá nhân gửi tới trong dịp hội ngộ "Cây mùa xuân nhân ái Mậu Tý" cho người tàn tật và trẻ mồ côi trong TP là cả một quá trình "vác tù và" khắp nơi của những thành viên trong Hội - nơi mỗi con người làm việc chỉ bằng một chữ tâm.

Cây mùa xuân

Sáng mùng 3 Tết, tôi đã có dịp cùng bà Mẫn trò chuyện. Được cùng bà "ngược dòng thời gian" tìm hiểu ngọn nguồn của những Cây mùa xuân đơm đầy hoa yêu thương. Năm 1976 sau khi rời khỏi nhiệm vụ thư ký cho cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Định, bà về công tác tại Phòng Chính sách của Bộ LĐTB &XH sau đó tiếp tục về trung tâm "con liệt sỹ" với cương vị Phó Giám đốc lo việc ăn ở, học hành của gần 100 con em liệt sỹ của TP Hồ Chí Minh.

Sau khi các em trưởng thành, năm 1981 "má" Mẫn (Lũ trẻ mồ côi trong TP vẫn thường gọi bà như vậy), tiếp tục được phân công nhiệm vụ quản lý Trung tâm Phục hồi trẻ mồ côi suy dinh dưỡng.

Gần 20 năm gắn bó với hàng trăm đứa trẻ từ 1 tới 15 tuổi mồ côi, tàn tật ở cương vị quản lý cũng là thời gian rèn luyện cho bà khả năng… đi xin tài trợ. "Lúc đó giặc đói, giặc dốt không sợ bằng giặc suy dinh dưỡng. Nhận được những hộp sữa chuyên dùng cho trẻ suy dinh dưỡng từ các nhà hảo tâm ở các nước bạn xa xôi sao nó quý giá thế!", bà trầm tư.

Hồi đó lúc đầu chỉ một vài cháu được phát hiện từ các trung tâm Từ Dũ, Hùng Vương, có chung thân phận bị bỏ rơi với thân thể gầy còm, ốm yếu… nuôi cách gì cũng không lớn nổi, chỉ tới khi được uống chính loại sữa đó của một bà sơ người Pháp đều đặn gửi tới hằng năm, lũ trẻ ấy mới thoát khỏi vóc dáng èo uột.

Tiếp tục hành trình gắn bó với những đứa trẻ mồ côi, năm 1998 với sáng kiến của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Mè, Hội chính thức được UBND TP phê duyệt và đi vào hoạt động vì mục tiêu nhân đạo phục vụ người  khuyết tật, trẻ mồ côi.

Đã thương phải thương cho trót

Một trong những đặc điểm của các đối tượng mà Hội nhắm tới, đó là họ đều có những khó khăn, bất hạnh theo suốt cả cuộc đời chứ chẳng phải chuyện dăm bữa nửa tháng. Do vậy đến với mỗi thân phận coi như họ đã gắn bó với nhau nếu không là tất cả thì cũng là một phần cuộc đời còn lại.

Chính từ đặc điểm này nên chuyện giúp đỡ không chỉ là miếng cơm manh áo, không chỉ là chỗ trú chân trong lúc nhất thời mà còn phải là cả một quá trình mà mục đích cuối cùng là đưa họ hòa nhập được với cuộc sống đời thường. 

Thân thể hình hài oặt oẹo do di tật bẩm sinh khiến cô bé Huỳnh Thị Sậm (Cần Thơ) nhiều lần muốn quyên sinh do không còn niềm tin vào cuộc sống, hay như cô bé Võ Kim Tiền (Long An) đang tuổi thanh niên phơi phới bỗng cảm thấy đất trời như đổ sụp khi hay tin mình mang bệnh ung thư buộc phải tháo khớp mất một chân, rồi tiếp tục mang khối u di căn trong phổi…

Thế nhưng không chỉ nỗ lực tự nuôi bản thân bằng nghề chân chính, 2 em tiêu biểu cho 122 trường hợp trẻ mồ côi, khuyết tật được Hội hỗ trợ, nuôi dưỡng, đào tạo nghề đã và đang giúp đỡ được nhiều người tàn tật khác vươn lên trong cuộc sống.

Để làm được điều này, những thành viên trong Hội đã đến với Kim Tiền, với Huỳnh Thị Sậm không chỉ bằng tình thương mà còn bằng nhiều biện pháp cụ thể. Má Mẫn tìm cách đưa các em lên TP học máy tính, học Anh văn, học vẽ, rồi xin vào làm việc tại Công ty Dược phẩm Pharmedic. Với mức lương hơn 1 triệu, hiện tại cả 2 em đã thay đổi hẳn tâm lý vượt qua những trở ngại tật nguyền và còn có cơ hội giúp lại gia đình ở quê.

Dưới bóng Cây mùa xuân của Hội, nhiều tổ chức và cá nhân khác tự nguyện tìm tới Hội cùng làm việc thiện. Trước hết là chương trình suất học bổng quý giá. Mà người mở màn cho dự án chính là một vị khách Đài Loan - ông Huiteli - Giám đốc Công ty Fusheng Việt Nam đã hỗ trợ được 650 suất học bổng và bền bỉ với chương trình suốt 5 - 6 năm nay.

Với trung bình 1 suất học bổng từ 500 ngàn tới 1,5 triệu/suất và theo phương châm hỗ trợ cho tới khi các em tự lực được với cuộc sống hoặc đã "thoát nghèo"mới thôi. Với sự giúp đỡ của nhiều "Mạnh Thường Quân" khác, Hội tiếp tục nhận được 1.497 suất học bổng gửi tới con em người khuyết tật, mồ côi trong TP trong năm mới.

Rồi chương trình xây trường nội trú cho học sinh khuyết tật học nghề tại Hóc Môn mà người khởi xướng cũng từ một người nước ngoài - bà Vreni Zollinger (Pháp). Mọi sự bắt đầu từ khi bà tới tham quan Trung tâm dạy nghề của Hội và tỏ vẻ băn khoăn khi thấy học trò khuyết tật phải đi lại quá vất vả. 81.000 USD là số tiền được hưởng thừa kế từ người cha để lại, bà đã dành trọn cho việc xây khu nội trú của trung tâm.

Dù bà hiện vẫn phải sống trong cảnh một nách nuôi 5 người con ăn học cùng 1 người chồng tâm thần tại Pháp… Người phụ nữ đầy lòng từ bi này còn tự quyên góp thuốc men, quần áo, giầy dép, tập vở… hằng năm gửi sang Việt Nam nhờ Hội trao tận tay những mảnh đời khó khăn…

Để người tàn tật "tàn nhưng không phế", để không chỉ có một mùa xuân yêu thương mà còn là muôn mùa xuân yêu thương đến với những mảnh đời không còn là… bất hạnh, những con người thiện nguyện đã trồng nên "Cây mùa xuân"... Xin được vinh danh họ trong ngày Xuân Mậu Tý...

Huyền Nga
.
.
.