Đuốc Xà Nu thắp sáng buôn làng Ia Khươl

Thứ Năm, 13/03/2008, 15:04
Cách thành phố Pleiku hơn 40 cây số, xã Ia Khươl nằm dưới chân núi Chư Pao hùng vĩ có 11 làng thì 9 là đồng bào dân tộc Ba Na và Jơ Rai với hơn 70% dân số trong tổng số 5.008 khẩu, 915 hộ. Đảng bộ xã có hơn 30 đảng viên thì 20 là người dân tộc thiểu số, hầu hết đều trưởng thành từ các phong trào xây dựng cuộc sống từ các buôn làng.

Bí thư Chi bộ xã Ia Khươl, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, KSo Lúi dẫn chúng tôi đến thăm già làng Đinh Chôm ở làng To Ve. Đã hơn 70 tuổi, ông được bà con dân tộc Ba Na của làng suy tôn làm già làng gần mười năm nay.

Được Đảng tin, dân quý, ông đã vận động dân làng thay đổi nếp nghĩ, cách làm cũ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi... cho gần 80 hộ, hơn 400 khẩu của làng To Ve, từ chỗ quanh năm nghèo đói, nay đời sống của bà con đã từng bước có của ăn của để. Công lao của già làng Đinh Chôm thật là lớn, bà con quý ông nhiều lắm.

Bí thư KSo Lúi cho biết, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể xã Ia Khươl đặc biệt chú trọng, phát huy vai trò của đội ngũ già làng và người có uy tín trong cộng đồng dân cư.

Định kỳ mỗi quý một lần, chi bộ xã họp với các già làng, phổ biến chủ trương, chính sách mới; nghe già làng phản ánh nguyện vọng và những kiến nghị. Từ đó, giải quyết ngay những vấn đề bức xúc, nổi cộm của từng làng. Cán bộ xã nói với bà con chưa chắc đã có kết quả bằng tiếng nói của già làng.

Ở xã Ia Khươl này, nhớ năm nào ở làng Brốck, già làng Rơ Chăm Pih phải thuyết phục từng nhà thực hiện giãn dân, tách hộ, lập vườn, làm đường giao thông... theo nghị quyết của chi bộ xã. Ông đã cùng với các đảng viên trong xã làm mẫu ở nhà mình trước rồi hướng dẫn bà con làm theo. Bây giờ thì làng Brốck nhà nào cũng có nhà ngói khang trang, không còn cảnh ở "dồn cục" nhiều hộ trong một nhà như trước đây.

Đảng viên trẻ Rơ Chăm Líu hiện là Phó Chủ tịch UBND xã được kết nạp Đảng từ năm 1993 khi mới ngoài 20 tuổi tâm sự: "Các già làng có vị trí quan trọng ở làng lắm. Em vẫn cùng với các bác ấy đi vận động nhân dân cách làm ăn mới, nhiều lúc không có cũng khó khăn lắm đấy".

Ở Ia Khươl, Hội Cựu chiến binh, tuy không chính thức nhưng coi đội ngũ già làng như thành viên của Hội. Ông Rơ Chăm Gáo, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã cho biết, hội luôn phối hợp chặt chẽ với các già làng để tuyên truyền, hướng dẫn hội viên phát triển kinh tế gia đình và xây dựng hội vững mạnh. Khi sinh hoạt hội ở các buôn làng, các vị già làng bao giờ cũng là đối tượng được mời dự.

Ý kiến của già làng như mệnh lệnh, như dao chém đá, như dây cột thú rừng - Rơ Chăm Gáo nói vậy. Đã có ý kiến của già làng là bà con đều đồng lòng thực hiện.

Dưới sự chỉ đạo của chi bộ xã, của các tổ Đảng, các đồng chí đảng viên đều được phân công phụ trách từng nhóm hộ gia đình và trực tiếp xây dựng đội ngũ cốt cán là những già làng và những người có uy tín trong làng.

Ở làng Pôk, già làng Rơ Chăm Thố là một điển hình trong việc vận động bà con ăn ở theo nếp sống mới.

Ông đã cùng những đảng viên trẻ, hội viên Hội Cựu chiến binh như Rơ Chăm Líu, Rơ Chăm Gáo... kiên trì thuyết phục dân làng bảo vệ và phát triển vốn rừng, vận động 14 đối tượng lén lút phát rừng làm rẫy để giáo dục, củng cố xây dựng các ban bảo vệ rừng ở các buôn làng như: làng Rơ Wai, Tơ Vờn, Kách, Kơ Lên... nên đã chấm dứt được tình trạng phá rừng như những năm trước.

Đặc biệt, đội ngũ già làng ở Ia Khươl đã có đóng góp rất quan trọng và hiệu quả vào giữ gìn an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn xã.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình Tây Nguyên, những già làng như: Rơ Chăm Nhưk, Đinh Chôm, Rơ Chăm Thố, Rơ Chăm Bô v.v... đã nắm chắc diễn biến tình hình Tây Nguyên qua sự lãnh đạo của chi bộ xã và các tổ Đảng, kiên trì tuyên truyền, giải thích cho bà con hiểu rõ âm mưu thâm độc của kẻ thù, không nghe và không làm theo sự xúi giục, dụ dỗ của kẻ địch.

Vì vậy, an ninh ở Ia Khươl được giữ vững, cuộc sống của bà con không bị xáo trộn, mọi người đều son sắt một lòng tin với Đảng, với cách mạng.

Từ một xã những năm trước hầu như người dân quanh năm nghèo đói, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể, xã Ia Khươl đã biết tận dụng lợi thế uy tín của đội ngũ già làng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, cuộc sống của bà con các dân tộc trong xã đã từng ngày thay đổi.

Xã đã có 35% số hộ khá, 55% hộ trung bình, 10% hộ nghèo và đã không còn hộ bị đói; gần 97% trẻ em trong độ tuổi được đến trường với trường lớp khang trang; người dân đã biết dùng thuốc khi đau ốm; 100% số làng có hệ thống nước sạch tự chảy; 11/11 làng đã có điện lưới với gần 100% hộ dùng điện. Xã có 6 đội văn nghệ cồng chiêng và ở làng nào cũng xây dựng được nhà rông văn hoá.

Đêm đêm, bên ánh lửa hồng giữa nhà rông, lũ thanh niên trong làng lại quây quần bên nhau nghe già làng kể chuyện về những truyền thuyết của buôn làng, dạy con trai đánh cồng chiêng, con gái biết múa cái xoang...

Tất cả như được cùng bên nhau trong một đại gia đình sum họp, yêu thương và chia sẻ trong một tổ ấm của cộng đồng; xứng đáng với danh hiệu vừa được Nhà nước phong tặng: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Ngọc Diễm
.
.
.