Dùng nước tinh khiết để... nấu ăn

Thứ Năm, 28/08/2008, 14:56

Không phải vì giàu có nên muốn chơi trội để "lấy tiếng", từ nhiều năm qua, hàng trăm gia đình ở thị trấn Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi phải mua nước tinh khiết đóng bình để sử dụng nấu ăn, uống chỉ vì nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm quá nặng.

Những đại gia "bất đắc dĩ"

Nằm ngay cửa ngõ phía Nam của TP Quảng Ngãi và kinh tế cũng chỉ xếp vào loại "thường thường" so với những trung tâm huyện lỵ khác ở vùng đồng bằng của tỉn, thế nhưng, gần 4 năm qua, thị trấn Sông Vệ là địa phương duy nhất ở Quảng Ngãi và có lẽ cả miền Trung mà ước trên 70% gia đình ở đây phải mua nước uống tinh khiết đóng bình để nấu ăn, uống.

Nguyên nhân là do nguồn nước sinh hoạt nơi đây bị ô nhiễm quá nặng. Theo người dân thì trước đây đã bị, nhưng mức độ không nặng như bây giờ. Gần 10 năm trở lại đây, dân số tăng nên nguồn nước ngầm bị khai thác nhiều dẫn đến cạn kiệt dần, làm tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng, đặc biệt là vào mùa nắng nóng.

Anh Võ Hải Tân lắc đầu: Đừng nói gì đến dùng nấu ăn, uống; ngay cả chỉ để rửa, tắm, giặt nếu không sử dụng bể lọc thì cũng không ai đủ can đảm để dùng. Bởi lẽ nước rất đục và trên mặt còn nổi một lớp váng màu vàng giống như mỡ. Ngay cả sau khi đã qua bể lọc đến 5 lớp, thế nhưng chỉ cần để vài giờ thì dưới đáy vật chứa, đựng đóng một lớp bột màu trắng và vẫn có mùi tanh như nước gỉ sắt, anh Tạ Văn Dung (41 tuổi), người dân ở khu dân cư mới cho biết thêm

 Chồng đi làm nghề ở miền Nam, các con lớn cũng đã trưởng thành và ra làm việc ở xa nên nhà chỉ còn 2 mẹ con, thế nhưng, mỗi tháng chị Võ Thị Xuân Phụng, ở khối 1 cũng phải sử dụng hết 12 bình nước, loại 22 lít/bình. Theo giá bán hiện nay là 10.000 đồng/bình, thì mỗi tháng riêng khoản tiền mua nước để nấu ăn của 2 mẹ con cũng mất 120.000 đồng.

Chị Phụng than thở: Tốn kém nhưng cũng đành phải "cắn răng bóp bụng" mà chịu, còn hơn phải vào bệnh viện vì uống nguồn nước bị ô nhiễm. Được biết, trước đây cũng như nhiều người khác ở thị trấn, để có nước nấu ăn, uống, hằng ngày chị Phụng phải vào các giếng ở khu vực phía trong để gánh. Thế nhưng, kể khi chứng kiến 3 người chị ruột của mình lần lượt đi mổ vì bị sỏi mật, gan..., riêng người chị kế là Võ Thị Xuân Hùng đã mổ đến lần thứ 4 thì chị Phụng đâm ra sợ. Vì vậy mà hơn 3 năm qua, chị Phụng chuyển sang mua nước tinh khiết đóng bình để sử dụng nấu ăn, dù kinh tế của gia đình cũng không mấy khá giả.

Còn chị Lê Thị Nô (41 tuổi) thì để tiết kiệm ngoài sử dụng nước bình để nấu, hằng ngày chị mua thêm 2-3 gánh nước từ nơi khác chở về với giá 2.000 đồng/gánh để rửa rau quả, thực phẩm... Không riêng gì 2 trường hợp trên mà hàng trăm hộ gia đình khác trong thị trấn đều dùng "sang" như vậy.     

Chính quyền sở tại nói gì?

Theo lãnh đạo UBND thị trấn Sông Vệ thì nguồn nước sinh hoạt ở khu vực trên bị ô nhiễm không phải mới xảy ra, mà kéo dài hàng chục năm nay và ngày càng trầm trọng hơn. Sự việc này chính quyền cũng đã hàng chục lần báo cáo lên huyện. Không những vậy, mà trong những lần Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh về tiếp xúc cử tri địa phương cũng đã phản ánh. Thế nhưng, chẳng thấy gì ngoài sự ghi nhận và lời hứa.

Được biết vào năm 2001, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho Công ty Cấp thoát nước tỉnh triển khai xây dựng công trình nước sạch để cung cấp cho người dân thị trấn. Thế nhưng, vào thời điểm lúc bây giờ, do thị trấn chưa được quy hoạch chi tiết nên không thể tiến hành. Đến năm 2004, khi quy hoạch chi tiết được tỉnh phê duyệt, thế nhưng không hiểu sao dự án này vẫn "án binh bất động" cho đến nay.

Quá bức xúc nên cách đây khoảng 3 tuần, UBND thị trấn đã trích ngân sách 2,1 triệu đồng để làm xét nghiệm nguồn nước xem mức độ độc hại như thế nào và hiện đang chờ kết quả. Nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của gần 700 hộ, chiếm 70% số hộ toàn thị trấn lâm vào cảnh dở khóc, dở cười.

Ông Đặng Quang Thoại, Trạm trưởng Trạm Y tế còn cho biết: Thị trấn Sông Vệ có 3 khu vực dân cư là Sông Vệ, An Bàng và Vạn Mỹ thì riêng số lượng người mắc bệnh về đường ruột tại khu vực Sông Vệ luôn cao gấp 2-3 lần so với các nơi còn lại. Năm 2001, khi về tiếp nhận công tác tại đây, nhận thấy nguồn nước không đảm bảo nên trạm cũng đã trích tiền để làm xét nghiệm. Kết quả, nhiều chất độc hại đều vượt so với tiêu chuẩn cho phép. Vì thế, trạm đã khuyến cáo người dân không sử dụng nguồn nước này để nấu ăn, uống.

Thiết nghĩ, chính quyền Quảng Ngãi cần khẩn trương làm rõ vấn đề nêu trên, đồng thời sớm có giải pháp để ổn định cuộc sống cho người dân nơi đây

Công Nguyễn
.
.
.