Viết tiếp bài: Cái “kết đắng” cho việc làm đẹp không đúng cách

Đừng ham “ngon, bổ... rẻ”

Thứ Tư, 08/08/2018, 09:53
Mấy năm trở lại đây, những vụ việc biến chứng do làm đẹp gây ra thậm chí là cả tử vong liên tục xảy ra. Và, thật đau lòng khi biết được rằng, hầu hết vụ việc này đều được thực hiện tại các cơ sở làm đẹp không đảm bảo uy tín, kỹ thuật viên không có trình độ tay nghề… 

Sau mỗi vụ việc, cơ quan chức năng đã có khuyến cáo đến chị em khi có nhu cầu làm đẹp. Thế nhưng tại sao vẫn liên tục có những nạn nhân mới?

Mù mắt, hoại tử thành bụng, ung thư da

Theo Đại tá, GS.TS Nguyễn Tài Sơn, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, Bệnh viện 108, thời gian qua, những biến chứng làm đẹp gần đây hầu hết đều xuất phát từ các spa hay các cơ sở thẩm mỹ không đủ năng lực hành nghề. 

Có thể kể đến như vụ việc nguyên nữ đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Phạm Thị Mỹ Lệ đột ngột qua đời sau khi rời tiệm chăm sóc sắc đẹp hồi đầu tháng 7 vừa qua. 

Trước đó, bà Lệ đến một cơ sở làm đẹp tại thị xã Phước Long, Bình Phước để “dặm lông mày”. Không biết cơ sở làm đẹp này đã cho bà uống loại thuốc gì và làm đẹp như thế nào nhưng khoảng 2 giờ sau khi rời tiệm làm đẹp, bà Lệ có dấu hiệu mệt mỏi, ngứa toàn thân rồi sùi bọt mép. 

Bà bị tử vong trên đường đưa đi cấp cứu. Vụ việc này đã tiếp tục gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh chị em phụ nữ khi đi làm đẹp.

Phòng mổ theo yêu cầu Bệnh viện 108 với đầy đủ trang thiết bị. Ảnh: minh họa.

Theo Đại tá, GS.TS Nguyễn Tài Sơn, các biến chứng hay gặp nhất là biến dạng mặt, nhiễm trùng khi chị em đi bơm môi, bơm cằm, bơm má, nhấn mí mắt, hút mỡ bụng…. Đây là các thủ thuật xâm lấn nhưng lại do những người không có chuyên môn ngành y đứng ra làm nên dễ để lại hậu quả. 

Khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình đã từng tiếp nhận không ít bệnh nhân đến trong tình trạng bị tổn thương nặng nề về thể chất sau khi đi làm đẹp. 

Di chứng để lại gây ảnh hưởng đến sức khỏe thậm chí là tính mạng. Có trường hợp bơm chất làm đầy mí mắt nhưng thật đau đớn khi hậu quả để lại là bị mù mắt. 

“Chất làm đầy đi ngược dòng làm tắc động mạch cấp máu cho đáy mắt khiến bệnh nhân bị mù mắt. Đó là chưa kể đến trường hợp chất làm đầy có thể đi vào động mạch não gây ra đột quỵ não. Hậu quả có thể dẫn đến tử vong”, Đại tá, GS.TS Nguyễn Tài Sơn cho biết. 

Nhiều trường hợp bơm chất làm đầy mũi làm tắc mạch, hoại tử da đầu mũi hay vón 1 cục ở mũi. Khoa cũng đã từng tiếp nhận bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lở loét thành bụng, hoại tử da. 

Khi được hỏi thì bệnh nhân cho biết đến một cơ sở làm đẹp để hút mỡ bụng. Các bác sỹ đã phải cắt bỏ các tổ chức bị hoại tử, tiến hành vá da, trường hợp này chắc chắn sẽ để lại sẹo xấu và biến dạng thành bụng.

Một trong những trào lưu cũng đang được rất nhiều chị em phụ nữ áp dụng trong thời gian gần đây là tắm trắng da. Tuy nhiên, Đại tá, GS.TS Sơn phản đối về cách làm đẹp này. Bởi, bản chất của việc tắm trắng da là sử dụng hóa chất để tẩy đi lớp da chết phía trên. 

Trên thực tế đây là phương pháp sử dụng mỹ phẩm có chứa nhiều hormon corticoid làm cho da mỏng, có thể nhìn thấy cả các mạch máu và trắng lên. Tuy nhiên, việc sử dụng mỹ phẩm tắm trắng da sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc của da. Nếu ra nắng, làn da được tẩy trắng sẽ bắt nắng nhiều hơn, khi đó da sẽ bị xạm hơn. Khi không tắm trắng thường xuyên thì làn da sẽ trở lại với màu sắc như ban đầu. 

Hiệu quả của việc tắm trắng, tẩy trắng da là nhất thời, không bền vững. Đặc biệt, đi kèm với nó là những nguy cơ như ung thư da nên chị em phải đặc biệt cân nhắc khi áp dụng các phương pháp làm đẹp này.

Điếc không sợ súng

Trong câu chuyện với chúng tôi, Đại tá, GS.TS Nguyễn Tài Sơn tỏ ra băn khoăn về việc tại Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được cho phép mở các lớp đào tạo làm đẹp. Đặc biệt, còn có hẳn một tổ chức hoạt động theo hình thức liên đoàn trong đó có chủ tịch, phó chủ tịch điều hành hoạt động. 

Tổ chức này tập hợp những người không làm trong ngành Y nhưng được đào tạo để làm đẹp. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, các học viên thường tự đứng ra mở các cơ sở làm đẹp. 

Họ quảng cáo ầm ĩ, liên tục đánh đúng vào tâm lý muốn làm đẹp nhưng giá cả lại thấp để lôi kéo được càng nhiều người đến làm đẹp càng tốt. Người này truyền tai người kia cùng nhau kéo đến các cơ sở làm đẹp thế này. 

Lẽ dĩ nhiên, khi mới mở các cơ sở làm đẹp, họ chỉ chăm sóc da, nhưng sau đó họ tiến hành làm các thủ thuật xâm lấn như bơm môi, nhấn mí... và hậu quả tất yếu từ các cơ sở làm đẹp như thế đã xảy ra, nhưng dường như chị em phụ nữ “điếc không sợ súng”.

Đại tá, GS.TS Nguyễn Tài Sơn cũng bức xúc khi các spa không có chuyên môn về phẫu thuật thẩm mỹ nhưng vẫn tiến hành các thủ thuật tiêm trích như tiêm tế bào gốc, propeptit… các sản phẩm làm đẹp không rõ nguồn gốc, không có hướng dẫn tiếng Việt hay tiếng Anh, đôi khi các nhân viên làm đẹp cũng không biết gì về các sản phẩm này. 

Nạn nhân của kiểu làm đẹp vì lợi nhuận này chính là các khách hàng nhẹ dạ cả tin nghe lời quảng cáo đường mật mà bỏ tiền làm đẹp và rước họa vào thân. 

Cách đây khoảng 3 năm, Bộ Y tế đã thành lập một số ban trong đó có một ban chuyên về các hoạt động trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ. Ban đã đưa ra dự thảo phạm vi hoạt động, nêu rõ thế nào là phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp không xâm lấn, xâm lấn ít, xâm lấn nhiều; người tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ cần phải có những chứng chỉ gì… 

Đây giống như công cụ để Bộ Y tế theo dõi hoạt động của các spa, thẩm mỹ viện… đồng thời cũng là công cụ để xem xét các nhân viên làm việc trong các cơ sở làm đẹp có làm đúng quy trình, phạm vi hay không? Tuy nhiên, cho đến nay văn bản này chưa được ban hành.

Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của phái đẹp, tuy nhiên, làm đẹp luôn phải là an toàn, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu thẩm mỹ và đúng quy định. 

Theo Đại tá, GS.TS Nguyễn Tài Sơn, khi có nhu cầu làm đẹp, chị em phụ nữ không được áp dụng phương pháp làm đẹp “ngon, bổ, rẻ” mà phải tìm đến các cơ sở uy tín được cấp giấy phép đầy đủ. 

Theo quy định, các spa không được hút mỡ bụng, bơm môi, cắt mí… Còn các thẩm mỹ viện được làm các thủ thuật nhất định theo quy định của Sở Y tế. Chỉ có các bệnh biện thẩm mỹ mới có thể làm được các phẫu thuật liên quan đến làm đẹp. 

Trong đó các phẫu thuật viên phải có chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ tốt nghiệp khóa đào tạo chuyên về phẫu thuật thẩm mỹ.

Mai Hương-Trần Hằng
.
.
.