Đừng để sự hy sinh của những nữ chiến sỹ điệp báo mãi thầm lặng

Thứ Sáu, 09/05/2014, 09:59
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, có hàng triệu người con ưu tú của nước ta đã ngã xuống. Sự hy sinh của họ đem lại cho chúng ta cuộc sống tự do, được an hưởng thái bình. Chiến tranh đã lùi xa, nỗi đau dần khỏa lấp. Nhưng câu chuyện về sự hy sinh của những nữ chiến sỹ điệp báo mà tôi “gặp” sau đây khiến người cầm bút như tôi đầy nỗi ưu tư, ám ảnh. Họ xứng đáng được tôn vinh, được tri ân.

Bài 1: Chị Nguyệt trong bài "Căm thù"

Bài “Căm thù” đăng trên nội san Rèn luyện (tiền thân của Báo CAND) số xuân 1949 đang được lưu trữ tại Bảo tàng CAND. Trong kho tư liệu của Báo CAND, bài viết này vẫn được bảo quản cẩn thận. Cách đây 65 năm, nội san Rèn luyện chỉ được lưu hành nội bộ trong lực lượng Công an. Những bài viết được viết bởi những người đặt nền móng cho Báo CAND sau này và những cộng tác viên đa số là những người trong lực lượng. Bài báo “Căm thù” viết về sự hy sinh anh dũng của bà Lê Thị Nguyệt - một nữ điệp báo. Thế nhưng, hơn 6 thập kỷ trôi qua, sự hy sinh của bà lại chưa được tri ân một cách xứng đáng.

Năm 2007, rất vô tình tôi được đồng chí Anh Tuấn lúc đó là Phó Giám đốc Bảo tàng CAND (nay chị là Giám đốc) giới thiệu một di vật của một chiến sỹ cách mạng. Đó là bản phôtô bài viết “Căm thù” đăng số xuân 1949 của nội san Rèn luyện. Cầm bài viết, trong tôi xuất hiện những cảm giác rất lạ. Đó không chỉ là bài viết cách đây hơn 60 năm, được đăng tải trên nội san vốn tiền thân của Báo CAND ngày nay, mà còn bởi nội dung bài viết. Bài báo mở đầu bằng dòng phi lộ: Sở Mật thám Hà Nội, một cái lò sát nhân. Đề lao Hà Nội - Một cái mồ sống giữa Thủ đô”.

Bài báo mở đầu bằng dòng chữ “Chị Nguyệt!”. Nữ chiến sỹ được mô tả là một nữ hoạt động viên nội thành của Công an quận 6 (nay là quận Hai Bà Trưng), Ty Công an Hà Nội. Bà bị mật thám bắt ngày 20/4/1948 cùng những đồng chí Cộng sản khác. Trong trại giam, bà bị bọn địch tra tấn bằng đủ các chiêu trò, từ hành hạ thân xác đến dỗ ngon, dỗ ngọt. Hết cương lại đến nhu, nhưng người con gái trẻ không hé răng nửa lời. Cái cảnh người chiến sỹ bị bọn mật thám lột trần, treo nữ chiến sỹ trên không trung, quàng dây điện quanh người, gí điện vào người… được tác giả bài báo ký tên P miêu tả chi tiết với thái độ đầy đau xót. Thế nhưng, người chiến sỹ ấy đã không khai. Sau 5 ngày nếm đòn roi của kẻ thù, người con gái mảnh mai, nhỏ bé ấy đã ra đi. Chị hy sinh vào ngày 25-4-1948 khi tuổi xuân còn phơi phới.

Bà Nguyệt (thứ 2 từ phải sang) cùng với bà Bắc, bà Phương trước năm 1950.

Nếu không có bài báo “Căm thù”, sự ra đi của bà Nguyệt sẽ ít người biết đến và có thể bị lãng quên. Nhưng bài báo được các cán bộ bảo tàng sưu tầm, coi đó là hiện vật và cũng là cơ sở để những người sống hôm nay ghi nhận công trạng của bà. Trước khi lên tiếng đề nghị cơ quan thực hiện chính sách với người có công làm thủ tục công nhận liệt sỹ cho bà, tôi đã gặp những người đồng chí, đồng đội của bà. Những người phụ nữ tham gia hoạt động cách mạng trước năm 1950 khi tôi gặp đều đã ngoài 80. Nhưng khi nhắc đến bà Lê Thị Nguyệt, trong họ vẫn giữ nguyên hình ảnh của người đồng đội xưa

Tôi liên hệ với bà Trần Thị Bắc, vợ Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Tài. Khi nghe tôi nhắc đến bà Nguyệt, bà bảo nên đến gặp cả bà Vũ Thị Hải Phương. Thế là tôi đến khu tập thể Trung Tự đón bà Bắc rồi cùng đến nhà bà Phương ở phố Dã Tượng. Tại nhà bà Phương, tôi được nghe kể về bà Nguyệt, được tận mắt xem bức ảnh có bà Bắc, bà Phương, bà Nguyệt. Nhìn những người con gái Hà thành tươi cười trong bức ảnh, tôi biết họ đã có một thời kỳ hoạt động cách mạng rất sôi nổi.

Theo bà Hải Phương, chính bà là người đưa bà Nguyệt vào tổ chức. Bà cũng là người phân công công tác, tiếp nhận tin tức mật báo của bà Nguyệt. Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), bà Phương, bà Bắc, bà Duyên (vợ nhạc sỹ Xuân Oanh), bà Nguyệt… hoạt động trong tổ cứu thương. Một thời gian sau, tổ cứu thương giải tán. Bà Phương hoạt động trong lực lượng Công an. Bà Nguyệt đi sơ tán ra ngoại thành rồi sau đó quay trở lại trong thành. Do chưa bị lộ và có mối quan hệ với gã Tây lai nên bà Nguyệt được đưa vào hoạt động nội gián. Tin tức bà thu thập được, chuyển cho bà Phương. Thế nhưng, cùng thời điểm này ở Công an quận 6 có một người tên Hùng cùng quê với bà Nguyệt phản bội. Hắn báo cho tên Tây lai biết bà Nguyệt là Công an. Bà Nguyệt bị bắt, bị tra tấn dã man và hy sinh. Thời gian bà bị giam cầm, bị tra tấn và hy sinh đã được tác giả tên P viết trong bài báo “Căm thù”.

Theo bà Phương, bà từng đề nghị công nhận liệt sỹ cho bà Nguyệt. Thế nhưng, người ta đã từ chối với lý do bà Nguyệt không còn nhân thân. Cùng bởi lý do này nên tôi đã tìm đến nhạc sỹ Xuân Oanh. Bởi vợ của nhạc sỹ tên Duyên, cùng quê với bà Nguyệt. Nhạc sỹ Hồng Đăng đưa tên đến nhà người nhạc sỹ viết ca khúc “19-8” đầy khí thế cách mạng. Nhạc sỹ Xuân Oanh cho biết, lúc sinh thời, vợ ông có nói đến việc bà cùng quê, cùng họ Lê với bà Nguyệt. Đó là làng Đìa (còn gọi là làng Bảo tàng), xã Bình Hồ, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Mặc dù xác định được quê của bà Nguyệt nhưng rất khó để xác định ai là thân của bà. Được biết, bà Nguyệt vốn lên Hà Nội ở với người chị cùng cha khác mẹ. Nay, người chị ấy ở đâu, thân thích có còn ai không thì chưa xác định được.

Sau khi trao đổi với cán bộ Cục Chính sách người có công, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về trường hợp của bà Lê Thị Nguyệt, tôi được biết, trong trường hợp không còn người thân thì cơ quan, đơn vị của người có công đứng ra đề nghị. Thế là tôi lại liên hệ với Phòng Tổ chức cán bộ, Công an TP Hà Nội. Tại đây, tôi được hướng dẫn đến Công an quận Hai Bà Trưng. Tôi tập hợp những tư liệu sưu tập được để bàn giao cho Công an quận Hai Bà Trưng. Một thời gian sau, một cán bộ của Phòng tổ chức cán bộ, Công an TP Hà Nội liên hệ với tôi hỏi về trường hợp bà Lê Thị Nguyệt. Thế nhưng, 7 năm đã trôi qua, sự hy sinh của nữ điệp báo Lê Thị Nguyệt vẫn chưa được ghi nhận, chưa được tri ân.

Ngày 6/5, trao đổi với với tôi, đồng chí Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng CAND vẫn đầy trăn trở về việc này. “Vật chứng”, chứng minh cuộc chiến đấu dũng cảm, ngoan cường của nữ điệp báo Lê Thị Nguyệt vẫn đang được lưu giữ, bảo tồn trong bảo tàng. Những nhân chứng sống, họ cũng chính là đồng đội, là chỉ huy của bà, sẵn sàng xác nhận những điều mắt thấy, tai nghe về quá trình hoạt động cách mạng của bà Nguyệt vẫn đang còn. Hiện tại, những người này đều ở đã tuổi xấp xỉ 90. Thời gian không chờ đợi ai cả, thế nên càng không nên để việc làm hồ sơ truy tặng liệt sỹ cho nữ chiến sỹ điệp báo Lê Thị Nguyệt chậm trễ.

“Mái tóc của chị Nguyệt dài và đen nhánh. Khi cùng hoạt động, chị em chúng tôi vẫn trêu chị, “Nguyệt ngồi bên cửa sổ hong mái tóc dài chờ chàng hoàng tử đến đón”. Thế nhưng, bọn mật thám tàn ác đã dùng mái tóc này quấn chị lên xà nhà để tra tấn…”, bà Trần Thị Bắc nói về kỷ niệm với người đồng đội năm xưa đầy ngậm ngùi. Chi tiết bà Nguyệt bị tra tấn đến tuột cả da đầu được mô tả rất rõ trong bài “Căm thù”. Chỉ chi tiết ấy thôi cũng thấy nữ chiến sỹ này đã kiên gan như thế nào trước sự tàn bạo của kẻ thù. Bà đã chấp nhận hy sinh, chứ nhất quyết không chịu hé nửa lời với kẻ thù. Sự hy sinh ấy xứng đáng được tri ân

Cao Hồng
.
.
.