Đừng để nhếch nhác ở nơi thắng cảnh chùa Hương

Thứ Sáu, 22/04/2011, 11:00
Giữa tháng 3 âm lịch, khi hoa gạo đang đỏ rực trên các sườn núi, dòng người đổ về chùa Hương vẫn đông nườm nượp. Hương Sơn vừa là thắng cảnh thiên nhiên, vừa là di tích lịch sử, tâm linh thu hút khách thập phương đến tham quan. Bởi vậy du khách hành hương mong được hưởng sự thoải mái, thanh thản đến với cõi Phật. Tuy vậy, nhiều khách tham quan cho rằng, không gian văn hóa ở đây đang bị xâm hại, cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh và kiên quyết.

Ngay từ bãi gửi xe, đường vào bến Đục, những người làm nghề chèo thuyền, đổi tiền lẻ cứ bám riết lấy khách. Mặc cho khách từ chối hay tỏ vẻ khó chịu, nhiều người vẫn không rời đoàn khách lạ. Chỉ tới khi khách vào đến nơi bán vé tham quan và vé đi đò của Ban tổ chức thì họ mới chịu buông tha. Chị Phạm Thị Tiến, một Việt kiều lần đầu tiên về thăm chùa Hương tỏ rõ sự bất ngờ khi chứng kiến cảnh này.

Qua đền Trình, khách thanh thản thả lòng trên dòng suối Yến nước xanh sẫm. Hai bên bờ, những cây hoa gạo nở đỏ rực trên sườn núi. Nhưng, thỉnh thoảng những chiếc xuồng máy chạy vụt qua khiến cho các con thuyền chèo tay mong manh chao đảo. Khách ngồi trên xuồng ngồi im thin thít, thấp thỏm sợ nước tràn vào thuyền.

Khi vừa bước lên bờ, tiếng nhạc chế đã ồn ào, phá vỡ cảnh quan ở đường đến cửa chùa. Những bài hát khiến cho khách phải nghe vừa buồn cười, vừa thấy lố bịch. Không chỉ là tiếng nhạc chế, tiếng loa mời khách mua "củ mài chú Béo" cũng gây ồn ào trước cửa chùa Thiên Trù, khiến khách có cảm giác đây là hội chợ ẩm thực hơn là con đường hành hương về đất Phật. Để gây ấn tượng và hiệu quả cho việc mời chào, người bán hàng còn lấy cả đặc điểm của khách đưa vào loa: "Anh đẹp trai ơi", hay "anh cao to, anh mặc áo xanh"… Đông đảo khách phải ngoái lại nhìn làm cho vị khách bị gọi tên phải ngượng ngùng.

Gần đến động Hương Tích, hình ảnh đập vào mắt khách là một đội cờ bạc bịp chắn lối người đi. Để thu hút người chơi, nhóm thanh niên này đếm tiền trước mắt khách. Một vài người trong nhóm vờ làm người chơi, hăng hái đặt tiền để đánh lừa người xem. Nhiều khách qua lại biết trò lừa của họ nên tránh xa, nhưng vẫn có người tưởng dễ ăn nên nấn ná xem và tham gia, trong số đó có cả phụ nữ.

Cờ bạc bịp hoạt động trên đường lên động Hương Tích.

Một điều đáng phê phán nữa là ở lối lên động bày bán rất nhiều đồ chơi bạo lực, điển hình là các loại súng thuộc hàng "khủng". Những khẩu súng được làm giống như thật, đặc biệt có loại giống súng hơi, bắn đạn nhựa có thể gây sát thương. Người bán phát giá mỗi khẩu súng này là 160.000 đồng. Với số tiền không quá lớn, lại mang tâm lý đi chơi nên nhiều phụ huynh không tiếc tiền mua cho con trai khi chúng nhìn thấy và đòi mua.

Được biết, trong thời gian khai hội cho đến giữa tháng 2, Công an TP Hà Nội đã thu giữ gần 100 khẩu súng đồ chơi bắn đạn nhựa. Đó là loại đạn hạt cườm, do nước ngoài sản xuất, có độ sát thương cao. Kèm theo, thu giữ một lượng lớn sách tử vi, lá số, sách mê tín dị đoan không nguồn gốc bày bán trái phép tại khu vực Thiên Trù và dọc đường vào động Hương Tích.

Có lẽ để tránh lực lượng chức năng nên các đối tượng cờ bạc bịp chọn địa điểm hoạt động ở đoạn giữa đường lên động Hương Tích, phải mất thời gian leo núi nhiều và từ cáp treo đi xuống cũng khá xa. Và cũng chỉ ở gần động Hương Tích mới xuất hiện nhiều đồ chơi bạo lực bày bán ngang nhiên dọc đường.

Thiết nghĩ, để trả lại không gian văn hóa linh thiêng nơi đất Phật ở chùa Hương, lực lượng Công an và quản lý văn hóa phải có biện pháp liên tục kiểm tra, chấn chỉnh hàng quán bán dọc đường lên động, hạn chế việc phát loa các nội dung không phù hợp nhằm bán hàng. Người vi phạm phải bị xử lý nghiêm và làm cam kết thì mới mong chùa Hương trở lại là điểm đến hấp dẫn với khách thập phương vào mùa lễ hội

Minh Phương
.
.
.