Dựng chòi dạy chữ trên núi cao...

Thứ Ba, 09/09/2008, 08:16
Thoạt trông nó giống hệt cái chòi giữ dưa, giữ bắp của người dưới xuôi. Mái cột ngang dọc những cây đòn chỉ nhỉnh hơn cổ tay để đỡ những tấm tôn, còn cột thì khẳng khiu, to hơn ống chân người; vách che bằng bạt nilon, phên nứa rách nát và cả chiếu nữa. ấy vậy, cái chòi là nơi ăn, ở, sinh hoạt của các giáo viên từ đồng bằng lên. Họ cùng chung chí hướng nỗ lực dạy cho con em người C'Tu có được cái chữ…

Mưa rừng xối xả như bưng hũ trút, sấm chớp đùng đoàng rạch sáng bầu trời, vậy mà thầy giáo Huỳnh Ngọc Quảng cứ nằn nì chở tôi bằng xe máy về thăm ngôi trường THPT duy nhất giữa đại ngàn Tây Trường Sơn, nằm bên con đường mòn dẫn lên biên giới Việt - Lào, nơi anh đang công tác giảng dạy, thuộc xã Atiêng, huyện Tây Giang, Quảng Nam.

Chủ tịch huyện Tây Giang, ông Bh'riu Liếc nói rằng, Tây Giang mới được tách ra từ huyện Hiên, tái lập tròn 5 năm nay. Tuy được Trung ương và tỉnh Quảng Nam quan tâm giúp đỡ rất nhiều; cán bộ và nhân dân trong huyện đoàn kết một lòng cùng nhau vượt khó, song bộ mặt kinh tế, xã hội ở vùng cao này chưa khởi sắc là bao.

Cuộc sống của đồng bào, đa phần là dân tộc C'Tu, hiện vẫn còn bộn bề gian khó. Đặc biệt, công tác giáo dục vẫn chưa được như mong muốn, nhiều nơi học tập của học sinh, nơi ở của giáo viên còn tạm bợ…

Nghe lời ông Liếc, tôi mượn tạm cái áo mưa tiện lợi mỏng như cánh ve mặc để theo anh Quảng về Trường THPT Tây Giang. Đường từ thôn Agrồng nối trung tâm huyện lên trường lầy lội, trơn như thoa mỡ. Chiếc xe máy quăng quật như người say rượu, song nhờ quen đường, Quảng đã lái nó chở tôi đến nơi...

Thầy Hiệu trưởng Đinh Văn Tư nói với tôi, cả huyện mới chỉ có được ngôi trường THPT nên nhà trường tiếp nhận học sinh về học trước ngày khai giảng hơn một tuần lễ, tạo điều kiện cho các em học sinh ở các bản làng xa trường từ 50km đến 70km đường rừng, như: A Xan, Gari, Ch'ơm, Tr'hy… kịp về trường ổn định nơi ăn ở nội trú.

Năm học 2008-2009, Trường THPT Tây Giang có khoảng 900 học sinh vào học. Các em người dân tộc C'Tu nhà xa về trường nội trú để học được tỉnh và huyện hỗ trợ mỗi tháng từ 70-100 nghìn đồng.

Những năm học trước chỗ ăn, ở của các em rất tạm bợ, chủ yếu là những khu lán trại phên trống, gió lùa. Năm nay, niềm vui các em được nhân đôi, đó là tỉnh và huyện đầu tư xây dựng một khu nhà nội trú; mặc dù khung nhà bằng sắt, mái tôn, vách tôn, song mưa, gió cũng đã ấm áp.

Lo nhất là chỗ nội trú cho giáo viên của trường. Đã 4 năm qua, 45 cán bộ, giáo viên, trong đó có 40 giáo viên trực tiếp đứng trên bục giảng hằng ngày, của Trường THPT Tây Giang vẫn chưa có chỗ ở ổn định. Ngoài một số giáo viên xin, hoặc thuê nhà dân trong xã Atiêng, số còn lại chia nhau sống tạm trong nhà ăn của Trường Tiểu học Agrồng cách trường gần 1km và nhà tạm sau trường.

Thầy giáo Quảng dẫn tôi ra nhà tạm các thầy, cô giáo đang nội trú. Thật lòng, tôi không dám tin vào mắt mình nữa. Vì, cái gọi là nhà tạm ấy chẳng khác gì chiếc chòi giữ dưa, giữ bắp… của nông dân vùng hạ lưu sông Thu Bồn, Vu Gia mà tôi thường nhìn thấy trên đường đi công tác.

Chòi chia làm 3 phòng, mỗi phòng khoảng 10-14m2, ngoài bếp ăn tập thể, hai phòng kia là chỗ ở cho 15 giáo viên nam và nữ. Tôi vào phòng giáo viên nam thấy bàn soạn giáo án là những cái vali gỗ kê cuối giường như thời sinh viên chúng tôi ở tập thể. Phòng ở của 7 giáo viên nữ thì khá hơn, với 2 chiếc bàn con để soạn bài; nhưng áo quần các cô không có chỗ để nên giăng kín…

Cô giáo Lý Thị Thể đang soạn giáo án trong chòi.

Bên ngoài, trời vẫn mưa như trút nước, tạt vào chỗ trống trên mái, các thầy cô giáo túm tụm lại giữa chòi để tránh bị ướt. Tôi đến bất ngờ nên họ ngỡ ngàng. Cô giáo Lý Thị Thể (26 tuổi) có dáng người gầy gò, nước da xanh rớt có lẽ vì sốt rét rừng, nói với tôi rằng, quê của cô ở Tam Kỳ. Sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, tháng 11 năm ngoái, Thể xung phong đi Tây Giang và được tiếp nhận về trường này dạy môn Anh văn.

Thể nói: "Những ngày đầu em khóc rất nhiều, muốn bỏ về ngay. Nhưng thấy cảnh các em học sinh từ các bản làng xa về ở nội trú, tự lo nấu nướng, ăn ở trong những lều tạm rất khổ để học chữ nên em không về nữa!".

Cô giáo Luyến ở cùng với Thể, tâm sự rằng, từ miền xuôi, gia đình ai nấy cũng khá giả song họ đã theo nghề sư phạm, lên núi chấp nhận ở chòi cũng chẳng nản lòng. Miễn sao dạy cho các em người C'Tu biết được cái chữ, học tập thành tài để sau này về phục vụ lại mảnh đất còn quá nghèo khó của vùng cao này.

Một giáo viên nam chỉ cho tôi thấy sân trường đang ngập nước mưa, lầy lội như ruộng cấy, rồi nói: "Nhiều học sinh của trường đã viết báo tường, mơ ước được có một sân trường tráng xi-măng sạch sẽ, không bị ngập nước để vui đùa với nhau trong giờ ra chơi. Em đọc thương quá nên tự hứa với lòng mình ở lại trường này mãi thôi anh à!"…

Thầy giáo Quảng lại nhiệt tình chở tôi tiếp tục đội mưa đến chỗ ở các thầy cô giáo tại nhà bếp Trường Tiểu học Agrồng. Nơi này có khá hơn căn chòi kia, mái tôn, vách ván. Các giáo viên căng bạt ngăn phòng chia nhau ở. Tuy nhiên, nhà cũng đã xuống cấp nghiêm trọng, hễ có mưa to, gió lớn là mọi người kéo nhau sang trường học kiên cố bên cạnh để ẩn nấp…

Tôi đem những điều mắt thấy tai nghe hỏi chuyện với anh A Lăng Thanh, Quyền Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tây Giang, thì được cho biết thêm: Hiện nay, đa phần giáo viên bậc tiểu học và trung học ở mảnh đất biên giới này vẫn chưa có nhà công vụ, chỉ ăn ở, sinh hoạt trong những nhà tạm rất khó khăn; nước sinh hoạt cho những khu nhà tạm cũng thiếu... Đặc biệt, điện thắp sáng của các xã biên giới chưa có nên học sinh tiểu học, mỗi khi tới mùa mưa, ban ngày cũng phải thắp đèn dầu để học…

Có đến được miền núi cao xa xôi hẻo lánh giữa đại ngàn Tây Trường Sơn trên tuyến biên giới Việt - Lào mới biết tấm lòng các thầy cô giáo từ miền xuôi lên đây dạy chữ cho con em đồng bào dân tộc thiểu số thật đáng được trân trọng, tôn vinh!...

Long Vân
.
.
.