Dự án đường sắt Yên Viên-Hạ Long: Liên tục lỡ tiến độ

Thứ Tư, 30/06/2010, 14:38
Nhà thầu đã từng đẩy tiến độ thi công lên mức cao với mục tiêu sẽ hoàn thành xây dựng vào ngày 30/9, nhằm vào sự kiện đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Song, với những diễn biến thực tế giỏi lắm thì đến cuối năm 2010 mới có thể hoàn thành.
>> Khởi công xây dựng tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân

Nâng cấp cải tạo tuyến đường sắt Yên Viên - Hạ Long nối liền mạch vận chuyển hàng hóa, hành khách từ vùng than, cảng Quảng Ninh đến Thủ đô Hà Nội là dự án trọng điểm của Bộ GTVT đã được Thủ tướng phê duyệt triển khai từ năm 2004. Đây là dự án có quy mô đầu tư lớn, có ý nghĩa rất quan trọng về mục tiêu phát triển kinh tế đối với 4 tỉnh, thành, nơi hơn 128km đường sắt đi qua. Do đó, mọi điều kiện thuận lợi đã được ưu tiên dành cho công tác triển khai thi công dự án.

Thế nhưng, tại Quảng Ninh, đoạn từ cảng Cái Lân ra ga Hạ Long (thuộc gói thầu 9) hiện nhà thầu vẫn án binh bất động, vì thời hạn bàn giao mặt bằng bị đẩy lùi hết lần này đến lần khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ hoàn thành đã được xác lập. 

Tuyến  đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân không chỉ là mạch giao thông đường sắt đi qua 4 tỉnh, TP Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương và Quảng Ninh mà còn là dự án thành phần của trục hành lang kinh tế Đông - Tây thuộc chương trình hợp tác phát triển kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc. 

Trong số 128,2km chiều dài của dự án, phần lớn là cải tạo, nâng cấp thành khổ đường lồng 1.435mm và 1.000mm, phù hợp, đồng bộ với 45km đường sắt được xây dựng mới. Với thiết kế kết cấu mới cho phép tàu vận hành với tốc độ 120km/h cho tàu khách và 80km/h cho tàu hàng, đạt tiêu chuẩn đường cấp 2 (theo phân cấp kỹ thuật mới). Riêng đoạn Hạ Long - cảng Cái Lân là đường cấp 3. Toàn tuyến sẽ có 15 ga và 34 cầu, trong đó có cầu Phả Lại lớn nhất dài 2.713m.

Để phù hợp với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách theo các giai đoạn và sự phát triển của cảng Cái Lân, dự án tách thành 4 tiểu dự án: Hạ Long - Cái Lân và cầu vượt Bàn Cờ; Phả Lại - Hạ Long; Lim - Phả Lại và Tiểu dự án Yên Viên - Lim.

Thi công cầu vượt Bàn Cờ qua QL18 tại Cái Lân thuộc gói thầu 9, dự án đường sắt Yên Viên - Hạ Long.

Mọi việc đều suôn sẻ, nhà thầu đã từng đẩy tiến độ thi công lên mức cao với mục tiêu sẽ hoàn thành tất cả mọi việc xây dựng vào ngày 30/9, nhằm vào sự kiện chào mừng đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Song, với những diễn biến thực tế tại đoạn đường sắt từ cảng, ga Cái Lân đến ga Hạ Long (thuộc gói thầu 9), cầm chắc khả năng tiến độ nói trên bị đẩy lùi cả trăm ngày, giỏi lắm thì đến cuối năm 2010 mới có thể hoàn thành. Điều đáng nói là, gói thầu 9 trị giá trên 1.000 tỷ đồng, mỗi một ngày chậm, nhỡ tiến độ, chẳng những nhà đầu tư, nhà thầu bị thiệt hại kinh tế nặng nề mà các công đoạn khớp lắp mang tính kỹ thuật cũng bị ảnh hưởng, có thể dẫn đến sai số lớn phải điều chỉnh rất tốn kém và phức tạp.

Điểm mấu chốt của tiểu dự án này là gói thầu số 9, thi công cầu vượt Bàn Cờ và mở đường vào cảng, ga Cái Lân do liên danh nhà thầu là Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long, Công ty CP Công trình Đường sắt và Công ty CP Xây lắp dầu khí I thi công. Đây là gói thầu quan trọng và cũng nhiều phần việc nhất của dự án, như thi công cầu vượt quốc lộ 18A và đường sắt có chiều rộng 22m, dài 240m; 2 nhánh cầu dẫn rộng 10,5m dài 120m; đường dẫn vào cảng rộng 32m, dài 1.700m. Sau hơn 2 năm nỗ lực, đến nay tiểu dự án thực hiện được khoảng 80% phần việc thì… "tắc".

Theo Ban Điều hành dự án, đường từ mố A2 cầu vượt Bàn Cờ đến nút giao bằng vào cảng Cái Lân cơ bản hoàn thiện. Nhưng đến tuyến đường vuốt nối lên mố A1 thì có đôn đốc đến mấy nhà thầu cũng không thể thi công. Nguyên nhân ách tắc không có gì mới, đơn giản, đã được kiến nghị với chính quyền địa phương rất nhiều lần vẫn chưa có kết quả. Đó là vướng mắc từ 10 hộ dân nhất quyết không chịu bàn giao mặt bằng để thi công.

Riêng tại gói thầu 9 có 23 hộ có đất thuộc phạm vi thu hồi bàn giao dự án kiên quyết chưa cho kiểm đếm với lý do muôn thuở: Giá bồi thường thấp. Chính quyền địa phương đã phải điều chỉnh đưa ra nhiều phương án về giá bồi thường cao hơn so với mức cũ, đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ đầy đủ về vật kiến trúc, hoa màu, vật nuôi, nhà tái định cư, chuyển đổi nghề nghiệp… cho các trường hợp đủ điều kiện theo quy định nhà nước.

Có được cam kết này, 13 hộ đã bàn giao mặt bằng. Nhưng 10 hộ cuối cùng vẫn "nói không" với Ban đền bù, giải phóng mặt bằng TP Hạ Long. Gần đây, một số hộ dân ở các gói thầu khác dù đã bàn giao mặt bằng nhưng quay trở lại tái chiếm những mong được bồi thường, hỗ trợ thêm. Trong số đó có nhiều người "đòi" lại mặt bằng vì lý do chưa thấy đất tái định cư ở đâu.

Những vướng mắc nêu trên hoàn toàn thuộc thẩm quyền xử  lý và giải quyết của chính quyền TP Hạ Long và UBND tỉnh Quảng Ninh. Dù với lý do gì cũng phải thấy rằng, việc để chậm, lỡ và "thủng" tiến độ hết lần này đến lần khác đối với dự án lớn, quan trọng và phức tạp (về tính chất kỹ thuật) sẽ tác động rất xấu đến nhiều mặt

Lê Minh Triết
.
.
.