“Đôngkisốt” trong ngành giáo dục không còn đơn độc

Thứ Bảy, 01/07/2006, 13:30
Trong quá trình thầy Khoa “tác nghiệp” những cảnh quay tiêu cực ở kỳ thi này môn Toán và môn Ngoại ngữ ngày 2/6, cũng đã có hai giáo viên Trường Vân Tảo trông thi cùng thầy Khoa đã biết. Thấy việc thầy Khoa làm là chính đáng, họ ủng hộ.

Còn quá trình quay phim, do biết Chủ tịch Hội đồng coi thi và kể cả Thanh tra đều có vấn đề nên thầy Khoa đã cố tình giấu.

Sau gần 20 ngày gửi các bằng chứng cho Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tây về những sai phạm tại Hội đồng thi của Trường THPT Phú Xuyên A trong kỳ thi tốt nghiệp THPT (từ 31/5  đến 2/6/2006), vị giám thị dám tố cáo sự thật  đã chính thức công khai danh tính. Đó là thầy giáo Đỗ Việt Khoa - giáo viên Trường THPT Vân Tảo, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. 

Chúng tôi tìm về xã Vân Tảo, huyện Thường Tín gặp thầy giáo Đỗ Việt Khoa một ngày sau khi thầy có cuộc đối chất với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Hà Tây về những hành vi tiêu cực tại Trường THPT Phú Xuyên A - nơi thầy làm giám thị coi thi.

Nhà thầy Khoa cách Trường THPT Vân Tảo khoảng 100 mét, rất cởi mở, thầy Khoa bảo: “Lúc đầu cũng không định tố cáo những tiêu cực trong kỳ thi ở Hội đồng thi Trường THPT Phú Xuyên A, nhưng sau thấy học sinh quay cóp nhiều quá, mình bắt cũng không xuể, vì thế chiều 1/6, tôi quyết định gọi điện thoại cho Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long để xin ý kiến. Khi nghe tôi báo cáo về những tiêu cực xảy ra tại Hội đồng thi của Trường THPT Phú Xuyên A, Thứ trưởng đã giao nhiệm vụ cho tôi thu thập các chứng cứ để báo cáo về Bộ”.

Được sự chỉ đạo của Thứ trưởng Bành Tiến Long, thầy Khoa càng củng cố quyết tâm về chuyện chống tiêu cực của mình. Trước đây, cũng đã biết về việc “bồi dưỡng” cho giám thị trông thi và những gian lận trong thi cử, nhưng do vẫn còn rụt rè nên thầy Khoa không dám công khai chuyện này.

Theo thầy Khoa, số tiền mà mỗi giám thị coi thi nhận được tại Hội đồng thi Trường THPT Phú Xuyên A là 400 ngàn đồng. Đấy là số tiền bồi dưỡng do Hội Phụ huynh của trường này tự nguyện đóng góp, gọi là chút thù lao cho các giám thị trông coi trong kỳ thi. Ngoài số tiền 400 ngàn đồng, mỗi giám thị còn được hưởng chế độ mỗi ngày là 100 ngàn đồng, gọi là tiền ăn.  

Như vậy trong kỳ thi 3 ngày tại trường, mỗi giám thị được nhận được khoản bồi dưỡng và chi phí cho việc sinh hoạt là 700 ngàn đồng. Số tiền này được lấy từ số tiền đóng góp bắt buộc của mỗi học sinh là 150 ngàn đồng. Thầy Khoa cũng cho biết, trước khi bước vào kỳ thi, Chủ tịch Hội Phụ huynh của Trường cũng có lời nhờ vả các thầy trong Hội đồng coi thi giúp đỡ cho con em họ trong việc thi cử và chăm sóc các thí sinh trong lúc thi cử.

Trong ngày thi thứ nhất, ở phòng thi của thầy Khoa làm giám thị đã có rất nhiều cảnh học sinh quay cóp. Với tư cách giám thị của phòng thi, thầy đã báo cáo việc này lên Chủ tịch Hội đồng nhưng không nhận được sự hợp tác. Về bản thân tư cách giám thị của mình, thầy Khoa cũng cho biết, trong kỳ thi lần này, thầy cũng chưa lập biên bản nào đối với những thí sinh vi phạm quy chế thi này, vì “có lập biên bản thì cũng không xuể vì tình trạng vi phạm này là phổ biến”. Tuy nhiên, đến cuối buổi thi môn thứ 2, do thấy việc quay cóp diễn ra quá công khai, vì thế thầy đành phải ghi lại toàn bộ hình ảnh của buổi thi này để báo cáo về Bộ.

Thầy Khoa khẳng định những việc làm đó chỉ với một mục đích muốn mang lại sự trong sáng trong việc thi cử của các em học sinh. Các em học sinh hãy thi đúng bằng lực học của mình. “Không phải bây giờ tôi mới có ý thức tố cáo những hành vi tiêu cực này, mà ngay từ 2 năm trước đây khi là giám thị coi thi ở những hội đồng thi khác, lúc đó tôi cũng đã gọi điện, báo cho một người bạn cũng là phóng viên ở một tờ báo nhưng người bạn này bảo là không làm được nên tôi cũng đành thôi”.  

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm trước, thầy Khoa cũng đã định đưa những việc làm này ra công luận bằng cách nhờ một người quen ở một cơ quan báo chí khác. Nhưng người này cũng trả lời thầy là không làm được. Sang kỳ thi năm nay, thầy Khoa đành âm thầm làm một mình. Để làm việc này, thầy Khoa đi mượn chiếc máy quay phim của một người bạn. Vì chiếc máy quay nhỏ độ phân giải thấp, nên chất lượng hình ảnh thầy quay không được nét. 

Thầy Khoa đã có trong tay toàn bộ những cảnh quay cóp, tiếp tay cho tiêu cực ngay tại khu vực thi của Hội đồng thi Phú Xuyên A. Tuy nhiên, vì không phải là người quay phim chuyên nghiệp và lại phải quay trong điều kiện giấu giếm nên những hình ảnh mà thầy Khoa cung cấp cho Bộ GD-ĐT cũng còn rất hạn chế. Hơn nữa, trong quá trình quay, thầy cũng đã gặp phải sự cản trở của của một đồng nghiệp (một học trò, một người cháu) mà theo như thầy nói - do không biết thầy đang quay phim nên đã lấy bàn tay che mất khuôn hình.

Trò chuyện với chúng tôi, thầy Khoa bảo, khi biết việc thầy đã cung cấp toàn bộ những cảnh quay cũng như những phao thi mà thầy thu được trong buổi thi cho Bộ GD-ĐT, nhiều người cho rằng thầy “điên”. Họ bảo, thầy đã và đang động vào cái việc mà đã trở thành lệ trong việc thi cử đối với ngành giáo dục từ nhiều năm nay. Thực tế theo nhiều giáo viên cho biết, việc quay cóp của học sinh thì không thể đổ lỗi cho cá nhân hay tập thể cụ thể được vì tình trạng gian lận này đã trở thành nếp chung của ngành giáo dục mất rồi.

Trích thư ngỏ của thầy Khoa: "...Tôi kêu gọi các em học sinh và các thầy cô giáo: Hãy lên tiếng cùng tôi chấm dứt tiêu cực này. Đừng dối mình, hay im lặng mãi thế. Năm nay nếu các em trượt nhiều, đừng  vội trách thầy. Các em hãy chịu thiệt một chút. Sang năm, các em  sẽ được thi lại mà. Các em mất 1-2 năm thôi, quá ngắn ngủi so với  cuộc đời  một con người. Nhưng 1-2 năm đó rất quý: Hàng chục thế hệ sau sẽ  không  bị làm hỏng nữa. Nền giáo dục  sẽ trở về đúng nghĩa của nó. Tính trung thực của thầy trò ta mới không bị đánh cắp nữa...”. 

Nhiều người bảo thầy là một giáo viên trong ngành đã lâu năm, nhưng sao cho tới thời điểm này thầy mới tố cáo những hành vi tiêu cực nêu trên? Thầy Khoa đã trả lời: “Vì tôi thiếu phương tiện, thiết bị, thiếu vị trí, chỗ đứng của mình trong xã hội. Hơn nữa, trước đây niềm tin của thầy đối với các cơ quan chức năng cũng chưa có, vì thế thầy chưa thể làm được việc này!”.

Cũng theo thầy Khoa thì kỳ thi tốt nghiệp THPT, tại các trường THPT trên toàn tỉnh Hà Tây đều có thu tiền của học sinh, cụ thể như Phú Xuyên A thu của mỗi học sinh là 177 ngàn đồng, Thường Tín A: 115 ngàn đồng, Nguyễn Trãi: 120 ngàn đồng, Tô Hiệu: 80 ngàn đồng, Trần Đăng Ninh là 70 ngàn đồng, Phú Xuyên B là 200 ngàn đồng. Và việc chi tiêu cho giám thị của mỗi trường một mức khác nhau. 

Thầy Đỗ Việt Khoa, 38 tuổi, tại xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Năm 1992, thầy Khoa tốt nghiệp Đại học Tổng hợp chuyên ngành Địa chất, hai năm sau thầy Khoa nhận công tác tại Trường THPT Đồng Quan (Phú Xuyên, Hà Tây). Là giáo viên dạy môn Địa lý, nhưng hiểu được nhu cầu phát triển của xã hội nên từ năm 1996, thầy Khoa theo học thêm chuyên ngành Toán - Tin (Đại học Quốc gia Hà Nội). Năm 2000, sau khi tốt nghiệp, thầy Khoa chính thức xin về dạy tại Trường THPT Vân Tảo. Từ đó đến nay, thầy Khoa là giáo viên dạy hai môn Toán và Địa lý của trường.--PageBreak--

Tiếp xúc với một số học sinh ở Trường THPT Vân Tảo, chúng tôi được các em cho biết, thầy Khoa là một giáo viên rất tâm huyết với nghề, với học sinh. Mọi khoản đóng góp không minh bạch do nhà trường đề ra, thầy Khoa đều lên tiếng phản đối. Dường như đối với các em, việc làm của thầy đã phần nào nói lên được những hiện tượng phổ biến hiện nay mà các em đang gặp phải trong vấn đề thi cử. Một học sinh khá của lớp 12 đã thẳng thắn nói với chúng tôi rằng: “Ngay tại Hội đồng thi của Trường Vân Tảo trong quá trình thi tốt nghiệp cũng đã xảy ra tình trạng giám thị ném bài cho thí sinh và chuyện học sinh quay cóp cũng không phải là hiếm!”.

Thầy Khoa cần được bảo vệ! 

Được biết, vào thời điểm tố cáo những sai phạm này thầy Khoa chưa thể công khai danh tính thì đã có thông tin từ Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tây cho rằng: “Ông giám thị tố cáo có đủ bằng chứng hay không và nếu gặp lãnh đạo Sở thì cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì?”.

Sở GD-ĐT Hà Tây cũng cho rằng, những tài liệu đó không giải quyết được, không đủ thuyết phục mà lại ép Giám đốc phải xử lý những giám thị coi thi như vậy là không chính đáng...

Cho đến sáng ngày 23/6, thầy Khoa đã có một cuộc gặp chính thức với Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tây để cung cấp các chứng cứ cho Thanh tra Sở. Được biết có cuộc gặp này đông đảo các phóng viên báo chí cũng đã có mặt tại đây. Tuy nhiên, thấy sự xuất hiện của các phóng viên, Thanh tra Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tây cũng đã định hoãn cuộc gặp. Tuy vậy cho đến 10 giờ 30 phút hôm đó cuộc gặp của thầy Khoa với Thanh tra Sở cũng đã diễn ra.

Suốt cuộc gặp hơn 2 tiếng đồng hồ giữa thầy Khoa với Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tây vẫn không hề có một lãnh đạo nào của Sở ngoài Phó Chánh thanh tra Nguyễn Cao Biền và hai chuyên viên. Thầy Khoa cũng đã cung cấp cho Thanh tra Sở các thông tin thầy thu thập được tại Hội đồng thi trường Phú Xuyên A. Tại buổi làm việc này, thầy Khoa đã trình bày 3 đề xuất của mình là: chấm lại bài thi của một số hội đồng, và nếu có thể chấm lại bài thi của toàn tỉnh; cấm thu tiền ôn thi tốt nghiệp của học sinh; Sở GD-ĐT cần phải có văn bản cấm thu tiền bồi dưỡng giám thị...

Cũng trong sáng 23/6, chúng tôi cũng đã có cuộc trao đổi với ông Uông Đình Hồng - Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tây trong giờ giải lao của Hội nghị Tổng kết năm học của Sở. Tại cuộc trao đổi này, ông Hồng cho biết: Hiện nay Sở đang cho tiến hành thanh tra và sẽ có câu trả lời chính thức vào thời gian tới. Khi chúng tôi đặt câu hỏi, với những việc tố cáo những hành vi gian lận trong việc thi cử này lên thẳng Bộ GD-ĐT thì liệu ông Khoa có gặp khó khăn gì trong thời gian tới đây không thì ông Hồng trả lời đó là việc của thầy Khoa, vì thầy đã không báo cáo lên Sở mà tường trình thẳng lên Bộ. Cũng phải nói thêm rằng, cho tới thời điểm này, trước những chứng cứ do thầy Khoa cung cấp, Sở GD-ĐT cũng chưa có động thái gì. Và theo lời của một cán bộ Văn phòng Sở, trong thời gian này lãnh đạo Sở còn phải bận đi nghỉ mát (?!).

Khi từ Vân Tảo về Hà Nội, điều ám ảnh chúng tôi nhất là ánh mắt đầy lo lắng của chị Nguyễn Thị Ngà, vợ thầy Khoa mỗi khi có điện thoại gọi cho chồng. Chị bảo, những ngày qua, lúc nào chị cũng nơm nớp một nỗi lo lắng cho sự an nguy của chồng và các con. Để an toàn cho hai đứa nhỏ, chị đã đưa các cháu đi gửi. Không hiểu rồi đây, việc tố cáo của thầy Khoa về hành vi tiêu cực có được giải quyết hay không, nhưng cho tới thời điểm này hơn lúc nào hết, việc nói ra sự thật của thầy cần được bảo vệ để còn có những người tâm huyết cần sớm nói ra sự thật mà không sợ bị trả thù.

Việc tố cáo của thầy Khoa có thể nói đã và đang trở thành một trong những “tiếng bom” nổ trong lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc vấn đề này chắc chắn sẽ không hề đơn giản vì hiện nay theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT chỉ tập trung vào giải quyết sự việc này sau kỳ thi đại học sắp tới. Những điều chúng tôi và đông đảo mọi người đều quan tâm hiện nay đó là việc liệu rằng rồi đây thầy Khoa có bị trả thù sau những việc làm chính trực của mình?

Mai Phương - Minh Tiến
.
.
.