Đồng chí Võ Chí Công, người lãnh đạo tài năng, đức độ

Thứ Bảy, 10/09/2011, 12:25
Một thế kỷ, một đời người gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, sâu nặng nghĩa tình với nhân dân, đồng chí Võ Chí Công – người con ưu tú của quê hương xứ Quảng Anh hùng, một nhà lãnh đạo tài năng và đức độ xứng đáng là một trong những học trò mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mãi mãi là tấm gương sáng về niềm tin và ý chí cách mạng để đời sau học tập...

Ngày 8/9, đồng chí Võ Chí Công, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước qua đời tại Bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) sau một thời gian lâm bệnh nặng. Dẫu biết đời người hiếm ai trăm tuổi, song sự ra đi của đồng chí Võ Chí Công vẫn để lại cho người dân bao niềm tiếc thương vô hạn về một nhà lãnh đạo tài năng, đức độ; trong suốt hai cuộc kháng chiến đánh giặc cứu nước đã gắn bó, nghĩa tình sâu nặng với đồng chí, đồng bào miền Nam và Khu V nói riêng...

Không có kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi - ý chí và niềm tin tất thắng đó của đồng chí Võ Chí Công đã hun đúc thêm cho sự bùng cháy dữ dội ngọn lửa cách mạng trong mỗi trái tim của người dân miền Nam và Khu V suốt một thời kỳ gian khổ, đánh giặc cứu nước.

Nhớ lại trận đụng độ đầu tiên với quân đội viễn chinh Mỹ ở Núi Thành (Quảng Nam), ông Hoàng Minh Thắng, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thương mại, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ), bày tỏ rằng, vào thời kỳ chiến tranh ác liệt đó, Trung ương Đảng đã lựa chọn chính xác và giao trọng trách cho đồng chí Võ Chí Công lãnh đạo Khu V đúng vào thời điểm cần thiết nhất, quan trọng nhất và thử thách nhất. Nếu không có đồng chí Võ Chí Công, không có sự lãnh đạo sâu sắc và sáng suốt, thậm chí táo bạo của Khu ủy và Quân khu thì không rõ chiến trường Khu V sẽ diễn theo kịch bản nào nữa...

Tháng 3/1965, quân viễn chinh Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng. Trước một đội quân tinh nhuệ, vũ khí hiện đại và tối tân được trang bị đến tận răng, quân và dân miền Nam đều lo lắng. Một vấn đề nóng bỏng và bức thiết nhất được đặt ra: Liệu có khả năng đánh được Mỹ không? Đánh và thắng Mỹ bằng cách nào?...

Trước tình hình đó, đồng chí Võ Chí Công đã cùng Khu ủy Khu V bình tĩnh chú trọng công tác tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân không sợ Mỹ, dám đánh Mỹ, với phương châm đánh cả về quân sự, chính trị, phát huy thế mạnh chiến tranh nhân dân, luôn giữ vững thế tiến công với giặc. Đồng chí Võ Chí Công đã cùng đồng chí Chu Huy Mân (lúc bấy giờ là Tư lệnh Quân khu V), chủ trương chỉ đạo quân và dân Quảng Nam thực hiện trận đánh phủ đầu đầu tiên vào quân xâm lược Mỹ.

Ngày 7/5/1965, Bộ Tư lệnh Quân khu V giao nhiệm vụ cho Ban Chỉ huy Tỉnh đội Quảng Nam, phát động chuyển tư tưởng bộ đội, du kích từ đánh ngụy sang đánh cả ngụy lẫn Mỹ; tổ chức vành đai bao vây, tiêu diệt quân Mỹ ở Kỳ Liên, Kỳ Hà, không cho chúng phát triển ra vùng giải phóng. Đặc biệt, lựa chọn một đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ chốt giữ Núi Thành làm mục tiêu tấn công...

Trận đánh đầu tiên vào quân viễn chinh Mỹ kết thúc thắng lợi đã làm nức lòng quân và dân cả nước, mở ra một niềm tin sắt đá: Đánh và thắng Mỹ! ông Hoàng Minh Thắng kể thêm: Không dừng lại ở trận đánh Núi Thành, ngay sau đó đồng chí Võ Chí Công còn giao nhiệm vụ cho đồng chí Bảy Hữu, lúc này là Thường vụ Khu ủy Khu V, nhanh chóng về đồng bằng, trực tiếp nghiên cứu cách đánh Mỹ của quân và dân ta trên vành đai diệt Mỹ Chu Lai, khu vực phía Bắc huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi... Và từ thực tế, kinh nghiệm đánh Mỹ được phổ biến trên toàn miền Nam bằng thế trận chiến tranh nhân dân thiên la địa võng “Hai chân, ba mũi giáp công” (Hai chân: quân sự và chính trị; ba mũi: quân sự, chính trị và binh vận), thực hiện làm chủ ba vùng chiến lược (miền núi, nông thôn đồng bằng và đô thị).

Đồng chí Võ Chí Công (bên phải) ở chiến trường Khu V năm xưa.

Chính cách đánh này đã góp phần đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược Mỹ, dẫn đến Đại thắng Mùa xuân 1975, thống nhất nước nhà. Nhớ lại ngày đó, ông Hoàng Minh Thắng không giấu được tự hào, cho rằng, không cần hàn lâm, kinh viện, cách đánh đơn giản chưa có trong các học thuyết quân sự, song được đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn một cách dễ hiểu nhất đã buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn Hội nghị Paris...      

Một thời chiến tranh đầy máu lửa, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ Khu V đều gọi đồng chí Võ Chí Công thân mật, trìu mến: “ông Năm Công”, hoặc “Anh Năm”. Vì rằng, trong những năm tháng gian khổ, đầy hy sinh, mất mát ấy, với cương vị Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Khu V, đồng chí Võ Chí Công đã cùng lăn lộn, đấu cật chung lưng với đồng bào, đồng chí của mình. ông Huỳnh Văn Chanh, nguyên Đại đội trưởng C32, thuộc Tiểu đoàn 10, An ninh vũ trang Khu V, đơn vị trực tiếp bảo vệ tiếp cận cho Khu ủy Khu V, kể lại chuyện hai lần bảo vệ đồng chí Võ Chí Công đi công tác, gặp phải những trận mưa bom của giặc. Đó là vào năm 1968, ông Chanh bảo vệ đồng chí Võ Chí Công trên đường ra Bắc báo cáo tình hình rồi trở lại đơn vị.

Lúc tới Binh trạm 559 đoạn giáp giới giữa Thừa Thiên – Huế và Quảng Nam thì bất ngờ bị máy bay B52 giặc phát hiện đánh bom. ông Chanh nhanh chóng đưa đồng chí Võ Chí Công vào hầm chữ A trú ẩn. Nào ngờ loạt bom thứ hai làm mái hầm rung chuyển, sụp xuống; trong tình thế đó ông Chanh liền dùng lưng đỡ mái hầm, tay thì đào bới đất đá đổ xuống chỗ đồng chí Võ Chí Công. Sau đó, được đồng đội tiếp sức đào đất, đá đưa đồng chí Võ Chí Công ra ngoài an toàn. Một lần khác, về công tác ở vùng đồng bằng Điện Bàn, cũng bị giặc ném bom làm sập hầm, ông Chanh lại dùng lưng nâng mái hầm để bảo vệ tuyệt đối an toàn cho đồng chí Võ Chí Công.

Nhớ lại chuyện xưa, ông Chanh tâm sự: “Ngay trong những giây phút sinh tử đó, tui vẫn nhận ra được ở đồng chí Võ Chí Công một sự bình tĩnh đến lạ thường. Và khi được đưa ra khỏi căn hầm bị sập, điều đầu tiên lúc nào đồng chí Võ Chí Công cũng hỏi tui, sờ nắn xem tui có bị thương tích gì không”.

Ngừng một lát, đoạn ông Chanh nói tiếp: “Trong những năm tháng mưa bom, bão đạn, tuy cuộc sống đầy khó khăn, gian khổ, chiến đấu với kẻ thù một mất, một còn, song đồng chí Võ Chí Công luôn gắn bó với đồng bào, đồng chí và cán bộ, chiến sĩ Khu V rất sâu nặng nghĩa tình...”. Cả khi giữ cương vị Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đại diện Đảng Nhân dân Cách mạng trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đồng chí Võ Chí Công cũng lặn lội vào tận các tỉnh Nam Bộ như: Tiền Giang, Bến Tre... để trực tiếp chỉ đạo rút kinh nghiệm phong trào đồng khởi, vận dụng cho toàn miền Nam tiếp tục đánh giặc.

Và không ai khác, đồng chí Võ Chí Công là người chỉ đạo kế hoạch giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị giặc bắt giam giữ ở Phú Yên, về làm Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Lấy dân làm gốc, lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh.

Xuyên suốt tư tưởng đó, trong chiến dịch Mùa xuân 1975, sau khi giải phóng Đắk Lắk, trước diễn biến của chiến trường, đồng chí Võ Chí Công đã xin ý kiến Bộ Chính trị, chỉ đạo khẩn trương tấn công Đà Nẵng. Và trận đánh thần tốc, táo bạo giải phóng Đà Nẵng đã làm cho giặc khiếp đảm, kinh hồn bạt vía, góp phần rất lớn vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước...   

Một đời gắn bó với đồng bào miền Nam, Khu V và xứ Quảng chung lưng đánh giặc cứu nước, đến lúc giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (hiện nay là Chủ tịch nước), đồng chí Võ Chí Công vẫn sống một cuộc sống thanh bạch, giản dị, cần kiệm, liêm khiết.

Bà Đoàn Võ Kim Ánh, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, xúc động kể về người cha nuôi của mình – đồng chí Võ Chí Công đã nhiều lần bắt bà ngồi mạng lại những chỗ rách trên quần, áo để mặc trong nhà. Người cha nuôi mà bà yêu thương như cha đẻ ấy thường quan tâm đến đời sống người dân hơn cả bản thân mình.

Khi đồng chí Võ Chí Công về hưu ở TP Hồ Chí Minh, mỗi lần bà Ánh vào thăm là mỗi lần ông hỏi: “Dân mình sống có khá không con? Dân mình có còn nghèo không con?”. Mỗi khi miền Trung bị thiên tai bão lụt là ông lại dặn con phải về quê giúp đỡ những gia đình không may bị nạn...

Một thế kỷ, một đời người gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, sâu nặng nghĩa tình với nhân dân, đồng chí Võ Chí Công – người con ưu tú của quê hương xứ Quảng Anh hùng, một nhà lãnh đạo tài năng và đức độ xứng đáng là một trong những học trò mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mãi mãi là tấm gương sáng về niềm tin và ý chí cách mạng để đời sau học tập...

Long Vân
.
.
.