Đông Hội ký ức một thời hào hùng

Thứ Ba, 18/12/2012, 20:45
Con đò vẫn ngày ngày đưa hàng nghìn lượt khách qua sông nhưng không nhiều người biết cách đây hơn 4 thập kỷ, bến đò Đông Trù (Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội) này từng là một trong những trọng điểm máy bay B52 rải thảm ác liệt suốt 12 ngày đêm.
>> Truyền lửa tự hào cho thế hệ trẻ

Những ngày đỏ lửa ấy, bằng sự mưu trí, dũng cảm và tinh thần cách mạng quật cường, Ban Công an xã và người dân Đông Hội đã giữ vững tuyến đường huyết mạch vận chuyển hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam này, góp phần vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Với những chiến công xuất sắc đó, năm 1973, Ban Công an xã Đông Hội là đơn vị Công an xã duy nhất được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”. 

Chúng tôi có mặt tại xã Đông Hội đúng vào dịp chính quyền và nhân dân địa phương đang tất bật chuẩn bị cho lễ kỷ niệm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” vào ngày 22/12 tới đây. Theo như lời của đồng chí Hoàng Văn Hội, Chủ tịch UBND xã Đông Hội thì vào dịp này hằng năm, chính quyền và nhân dân Đông Hội đều tổ chức lễ kỷ niệm nhằm giáo dục truyền thống, khơi dậy lịch sử hào hùng của nhân dân Đông Hội trong những năm vệ quốc vĩ đại.

Trong suốt 12 ngày đêm khói lửa ấy, chính quyền và nhân dân xã Đông Hội đã kiên cường chiến đấu, bảo vệ an toàn cho một trong những con đường chiến lược vận chuyển quân nhu chi viện chiến trường miền Nam. Thời gian đã qua đi nhưng quá khứ hào hùng vẫn còn in đậm qua hồi ức của những nhân chứng lịch sử và người dân Đông Hội.

Chúng tôi đến gặp ông Ngô Thiệu Nhã (79 tuổi), một nhân chứng tham gia chiến đấu trong những ngày ác liệt đó. Mặc dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông vẫn còn minh mẫn lắm, giọng nói hào sảng. Đặc biệt khi nhắc lại những ngày B52 rải thảm bom miền Bắc, ông không giấu nổi cảm xúc của mình.

Đội lão dân quân xã Đông Hội năm 1966-1972.

Ngày ấy, khi giặc Mỹ triển khai chiến dịch tập kích chiến lược, đánh phá Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, ông đang là Chủ tịch Ủy ban Hành chính xã Đông Hội. Được sự chỉ đạo của cấp trên, quân và dân Đông Hội đã chuẩn bị sẵn sàng cho chiến dịch, đặc biệt là phải bảo vệ tuyệt đối an toàn cho hàng hóa, con đường chiến lược xuống cảng Hải Phòng.

Ông không nhớ nổi bao nhiêu bom Mỹ đã rải thảm xuống đất này. Tại trọng điểm bến đò Đông Trù, ngày nào cũng phải hứng chịu vài lượt bom, nhiều nhất là vào tầm 9-10h tối. Bên cạnh các đơn vị chiến đấu của lực lượng quân đội, hơn 100 dân quân, du kích và Công an xã Đông Hội thường xuyên trực chiến 24/24h để bảo vệ bến Đông Trù. Ba bệ súng liên thanh của lực lượng dân quân Đông Hội: 1 được đặt ở nghĩa trang, 1 được đặt ở cống “ông Tửu” và ụ còn lại được bố trí tại thôn Lại Đà, tạo thành 1 thế trận khép kín luôn đỏ nòng bắn trả mỗi khi máy bay Mỹ kéo đến.

Bên cạnh lực lượng dân quân, du kích, lực lượng tải thương, cứu thương, đội tiếp tế cho ụ pháo cũng lên đến hàng trăm người. Người dân Đông Hội không ngại gian khổ, từ già đến trẻ đều dũng cảm, sẵn sàng, xung phong làm việc nước. Nói đến tinh thần cách mạng của người dân Đông Hội, ông Nhã hết sức tự hào.

Ngày ấy, thanh niên trai tráng trong xã đa phần đều lên đường nhập ngũ với phương châm “thóc không thiếu 1 cân, quân không thiếu 1 người”, chỉ còn một số ít người khỏe mạnh ở lại nhưng từ già đến trẻ, bằng sức lực và trí tuệ của mình, ai cũng hăng hái tham gia đánh “giặc trời”.

Mỗi gia đình đều trở thành một kho chứa hàng, tổ chức trông coi, bốc xếp. Mặc dù hàng hóa nhiều, có khi phải xếp ra cả bờ mương, bờ ruộng nhưng mỗi người dân đều trở thành một chiến sỹ Công an, tham gia bảo vệ toàn vẹn hàng hóa.

Ông Ngô Thiệu Nhã đang kể lại những hồi ức hào hùng về những ngày “Điện Biên Phủ trên không”.

Năm 1973, trong đại diện Ban Công an xã Đông Hội được vinh dự lên đón nhận danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” vì có thành tích xuất sắc trong trận chiến 12 ngày đêm khói lửa có nữ Công an viên Đào Thị Tưởng. Qua tấm ảnh cũ vẫn đang được treo trang trọng tại hội trường UBND xã Đông Hội, nữ Công an viên mới 22 tuổi với nụ cười rạng rỡ, đầy nhiệt huyết.

Bà Tưởng bây giờ đã yếu sau nhiều năm phải chống chọi với bệnh tật, tuy nhiên, những ngày khói lửa một thời đó bà vẫn không thể nào quên. Bà kể lại, vào những năm 70 thế kỷ trước, bà là Công an viên của Ban Công an xã Đông Hội, năm 1973 bà là người trẻ nhất và có nhiều thành tích trong công tác nên được vinh dự lên đón cờ AHLLVTND. Ngày ấy, trong làng còn lại chủ yếu phụ nữ, người già và trẻ con, còn thanh niên đi bộ đội hết. Bà nằm trong lực lượng trực ở bến đò.

Những ngày đỏ lửa ấy, có những đêm bom rải xuống bến đò nhiều đến nỗi cảm giác như cày nát lòng sông và bờ bãi. Bà vẫn còn nhớ như in, một lần, trong lúc bà và mấy nữ dân quân cùng nhóm đang trực trên sát bờ đê thì 1 quả bom đã rơi ngay gần điểm trực. Tiếng bom nổ xé bầu trời nhưng do cảnh giác nên mọi người chỉ bị sức ép của bom.

“Người thì đã mất, người còn lại giờ cũng đã già yếu lắm rồi nên ít có dịp gặp được nhau, mỗi lần xã tổ chức kỷ niệm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, chúng tôi được mời đến, gặp nhau, ôn lại những kỷ niệm ngày đó, xúc động lắm”, bà Tưởng nói.

Trong suốt những năm tháng chiến tranh, người dân Đông Hội luôn nêu cao tinh thần cách mạng, hăng hái tham gia, góp sức người sức của vào các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Đông Hội ngày nay đã là 1 xã phát triển, đời sống người dân đã được nâng lên, Đông Hội là điểm sáng tiêu biểu trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và phong trào xây dựng nông thôn mới, hoà nhập với sự lớn mạnh chung của đất nước. Mỗi người con Đông Hội luôn tự hào vì mình được sinh ra trên mảnh đất anh hùng.

Với thành tích hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, nhân dân Đông Hội đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý:

- Năm 1973, Ban Công an xã Đông Hội được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

- Năm 2005, xã Đông Hội được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Xã Đông Hội còn được tặng thưởng 1 Huân chương Lao động hạng Nhì và 2 Huân chương Lao động hạng Ba.

Lưu Hiệp - Phan Hoạt
.
.
.