Đồn Biên phòng 352 - Phú Yên: Nơi ngư dân gửi niềm tin

Thứ Ba, 04/03/2008, 14:33
Phát nguyên từ miền núi tỉnh Gia Lai, dòng sông Ba chảy về xuôi đổ ra biển Đông ở cửa Đà Nông. Phía tả ngạn cửa sông là làng biển Phú Câu, phường 6, còn phía hữu ngạn là làng biển Đông Tác, phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Nơi đây là tâm điểm một vùng biên do Đồn Biên phòng 352 - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Phú Yên đảm trách quản lý và bảo vệ chủ quyền.

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn phức tạp, nhưng 5 năm qua, Đồn Biên phòng 352 không chỉ giữ vững danh hiệu Đơn vị Quyết thắng, mà luôn dẫn đầu phong trào thi đua trên tuyến Biên phòng Phú Yên, được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư lệnh BĐBP, Trung ương Đoàn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Yên tặng nhiều bằng khen.

Điều đáng ghi nhận hơn nữa là ngư dân ở đây thật sự gửi trọn niềm tin với những người lính mang quân hàm xanh.

Từ chiếc máy Incom

Tiếp xúc với phóng viên Báo CAND, Thượng tá Đoàn Anh Lự - Chính trị viên Đồn Biên phòng 352 cho biết: Đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý và bảo vệ chủ quyền tuyến biển TP Tuy Hòa đi qua 7 xã, phường với chiều dài 20km.

Trong số 16.048 hộ gia đình với gần 76.000 nhân khẩu có 2.720 hộ với 12.578 nhân khẩu sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản. Ngoài 755 tàu thuyền, trong đó có gần 600 tàu đánh bắt xa bờ, bến cảng phường 6 và cảng Đông Tác còn tiếp nhận hàng trăm tàu thuyền ở nơi khác đến.

Những năm trước đây, tình hình an ninh trật tự ngoài biển, trên bờ phát sinh phức tạp với những vụ tranh chấp ngư trường, trộm cắp tài sản, tai nạn tàu thuyền do tung va lẫn nhau và do thiên tai giông bão. Thậm chí đã có trường hợp tàu thuyền vượt quá lãnh hải Việt Nam bị phía bạn bắt giữ, có ngư dân quan hệ trao đổi hàng hóa với tàu thuyền nước ngoài.

Để chủ động bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, ổn định tình hình an ninh trật tự trên tuyến, trong những năm qua, Đồn Biên phòng 352 đã triển khai nhiều biện pháp tích cực, xây dựng thế trận lòng dân bằng những hành động việc làm cụ thể.

Thượng tá Lự kể: "Trước năm 2004, tàu thuyền đánh bắt cá ngoài khơi xa gặp sự cố kỹ thuật máy móc phải chấp nhận trôi lênh đênh trên biển, chờ tàu thuyền khác đi qua lai dắt, những người ở trên bờ cũng không nắm được thông tin về người thân của mình khi biển động. Đã có trường hợp tàu đánh bắt xa bờ ra khơi mất tích, nhưng không một ai biết tàu lâm nạn ở đâu để tìm kiếm cứu hộ.

Trước nỗi lo của nhiều ngư dân, cuối năm 2003, lãnh đạo Đồn Biên phòng 352 vận động ngư dân đóng góp tiền kết hợp với sự tài trợ của Bộ Chỉ huy BĐBP Phú Yên mua sắm một chiếc máy Incom đặt tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Đà Rằng. Theo đó, mỗi tàu đánh bắt xa bờ lắp đặt máy bộ đàm để kết nối liên lạc với máy Incom”.

Từ chiếc máy Incom này, mỗi mùa mưa bão, Trung úy Nguyễn Ngọc Ry cùng các đồng sự của mình không chỉ kêu gọi hàng trăm tàu thuyền đang ở ngoài khơi tìm nơi tránh bão, mà thông qua chiếc máy Incom, người lính biên phòng kịp thời nắm bắt thông tin hoạt động của tàu thuyền đánh bắt xa bờ, huy động lực lượng cứu nạn, cứu hộ kịp thời.

Trung úy Ry kể: "Không hiểu sao những chuyến biển đầu năm 2005, liên tiếp 7 tàu thuyền của ngư dân Phú Yên lâm nạn, trong số 74 ngư dân trên các con tàu này, có 20 người phải đối mặt với cái chết trong gang tấc. Thế nhưng nhờ chiếc máy Incom này, chúng tôi đã điều hành việc cứu hộ cứu nạn từ xa. Đơn cử như trường hợp tàu đánh cá PY2177, trước khi bị sóng đánh vỡ nát, ngư dân trên tàu đã kịp mở bộ đàm phát tín hiệu cấp cứu.

Qua máy Incom, tôi đã huy động được 12 chiếc tàu Phú Yên quần lượn suốt nhiều giờ nhưng chỉ tìm thấy những mảnh vỡ con tàu. Lúc đó tôi phải liên lạc nhờ tàu đánh cá các tỉnh bạn đang ở gần khu vực này tham gia ứng cứu. Gần 15 giờ sau, một chiếc tàu Quảng Ngãi mới tìm thấy 10 ngư dân đã kiệt sức trên một chiếc thúng chai. Cũng từ đó, chiếc máy Incom và người lính biên phòng đã gắn bó thân thiết với ngư dân”.

Đến mô hình tổ tàu thuyền an toàn.

Bên cạnh hiệu quả hoạt động của chiếc máy Incom, giữa năm 2003, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng 352 phối hợp Hội Nông dân tỉnh Phú Yên vận động xây dựng mô hình tổ tàu thuyền an toàn (TTAT).

Tổ chức tự nguyện này được hình thành trên cơ sở cùng nghề đánh bắt ở một ngư trường, cùng dòng họ, anh em. Tổ TTAT số 1 ra đời vào đầu năm 2004, gồm 6 chiếc tàu có công suất trên 90CV của 5 chủ nghề cá, do anh Nguyễn Văn Hùng (45 tuổi), trú ở khu phố 6, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa làm Tổ trưởng.

Thượng tá Đào Nhật Lê - Trưởng Đồn Biên phòng 352 cho biết, đến nay địa bàn đơn vị đảm trách đã có 21 tổ TTAT, gồm 152 tàu thuyền với hơn 1.500 thuyền viên tham gia. Trong số đó tổ TTAT số 1 hoạt động hiệu quả nổi bật nhất, hơn 4 năm qua, ngoài việc ứng cứu 20 tàu thuyền lâm nạn, lai dắt 5 tàu thuyền bị chìm và hàng chục tàu mắc cạn, nhưng không nhận lại chi phí nhiên liệu, tổ TTAT số 1 còn cung cấp cho Đồn Biên phòng 352 gần 30 nguồn tin có giá trị, phục vụ công tác bảo vệ an ninh trật tự.

Trên đường hành nghề phát hiện hai con tàu PY-91049 và PY-91054 do Lương Công Đông (30 tuổi), Lương Công Hưng (31 tuổi) đang cứu 7 ngư dân Philippines lâm nạn ngoài khơi, Tổ trưởng tổ TTAT số 1 Nguyễn Văn Hùng đã kịp báo cáo về Đồn Biên phòng 352, đồng thời hướng dẫn đồng nghiệp chia tách người bị nạn ra nhiều tàu vừa để chăm sóc tốt sức khỏe cho họ, vừa tránh những hiểm họa không thể lường được trước khi đưa vào bờ.

Ông Nguyễn Nghĩa - chủ tàu PY-5975 kể lại: "Con tàu của gia đình tôi đang thả giàn lưới câu cách bờ 320 hải lý thì bị hư hỏng không vận hành được, tổ TTAT số 1 mà trực tiếp là tàu PY-91009 của Tổ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã lai dắt vào bờ an toàn và từ chối nhận lại các khoản phí tổn".

Nhận xét về mô hình này, Đại tá Nguyễn Thế Anh - Chính ủy BĐBP Phú Yên cho biết: "Mô hình tổ TTAT không chỉ hỗ trợ phát triển kinh tế thủy sản, mà còn gắn liền công tác bảo vệ an ninh trật tự trên biển, tạo sự đồng thuận trong ngư dân và hình thành thế trận an ninh biên phòng vững chắc từ phía người dân. Chính vì vậy BĐBP Phú Yên đã, đang và sẽ nhân rộng mô hình này đến nhiều địa phương ven biển".

Chia tay những người lính Biên phòng Đồn 352 khi ánh ngày vừa tắt. Bên chân sóng phía bờ cát là bóng dáng những trinh sát đang đếm bước tuần tra bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biên, để những con tàu ra khơi mang về niềm vui được mùa tôm cá. Phía sau đã có chỗ dựa vững chắc khi người dân gửi gắm trọn niềm tin nơi họ

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.